Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 07 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 4/7: Lo ngại trẻ có thể tái phát viêm xoang sau khi đi bơi
D.Ngân - 04/07/2024 10:04
 
Nước tại các hồ bơi thường được khử trùng bằng Clo, gây kích ứng niêm mạc mũi và xoang khiến trẻ tái phát viêm xoang sau khi đi bơi mùa hè.

Trẻ em có thể bị tái phát viêm xoang do đi bơi

Theo thông tin từ một cơ sở y tế tại TP.HCM, hơn một tháng nghỉ hè, từ giữa tháng 5 đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 50 trẻ đến khám vì viêm xoang tái phát sau khi đi bơi, trong đó chủ yếu trẻ từ 7-12 tuổi.

Theo các bác sĩ, viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang cạnh mũi bị viêm, tích tụ chất lỏng, chất nhầy, lỗ thông từ xoang ra mũi bị tắc nghẽn.

Trẻ viêm xoang vốn dĩ rất “nhạy cảm” với dị nguyên. Clo trong nước hồ bơi có thể gây kích ứng niêm mạc mũi và xoang trẻ, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm khiến bệnh tái phát hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm xoang hiện có.

Hiệp hội Nhi khoa Tai mũi họng (PENTA) thuộc Bệnh viện Bệnh viện nhi ở Alabama (Hoa Kỳ) khuyến cáo trẻ em có thể bị viêm xoang do đi bơi ở hồ bơi hoặc vùng nước tự nhiên trong mùa hè. Nguyên nhân do nguồn nước có Clo hoặc nước không hợp vệ sinh xâm nhập vào mũi trẻ gây kích ứng mũi xoang.

Ảnh minh hoạ

Một nghiên cứu của Bernard A và cộng sự về “Tác động của việc đến bể bơi có Clo đối với sức khỏe hô hấp của thanh thiếu niên” (2009), cho thấy, thanh thiếu niên bơi trong bể chứa Clo có nguy cơ mắc bệnh hô hấp, bao gồm cả viêm xoang, theo Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia Mỹ.

Trẻ có bệnh sử viêm xoang, sau khi đi bơi thường thấy ngứa mũi, đau nhức mũi, nghẹt mũi kéo dài, đau đầu; nặng hơn có thể đau mặt, đau đầu, không thở được, xì ra nước mũi màu vàng xanh, mùi hôi tanh, nước mũi chảy xuống họng.

Trường hợp bé N.K.H. (10 tuổi, nhà Thủ Đức) nghẹt mũi, hắt xì liên tục, sổ mũi, sau khi đi bơi 3 lần/tuần đợt hè này. H. đi bơi tầm 2 tuần thì xuất hiện triệu chứng này và uống thuốc theo toa cũ điều trị viêm xoang của bác sĩ cách đó 3 tháng.

Nhưng triệu chứng không đỡ, H. đau đầu, nhức và sưng mặt, đau gò má, nghẹt mũi, nước mũi màu vàng, hôi. H. được ba mẹ đưa đến Trung tâm Tai Mũi Họng.

Sau khi khám lâm sàng, khai thác bệnh sử và nội soi tai mũi họng, bác sĩ Hằng cho biết H. tái phát viêm xoang, dịch mủ nhầy, phù nề niêm mạc mũi xoang. Bác sĩ chỉ định hút dịch để thông thoáng xoang, kê thuốc uống và thuốc xịt rửa mũi. H. không được đi bơi trong giai đoạn này, không để mắc mưa, không đến nơi khói bụi và cần tái khám sau 1 tuần để bác sĩ tiếp tục theo dõi và điều trị dứt điểm bệnh.

Hay trường hợp H.L.P. (8 tuổi, quê Quảng Ngãi) được mẹ dẫn vào tái khám sau 1 tuần điều trị viêm xoang tái phát. P. có bệnh sử viêm xoang, nghẹt mũi, khó chịu ở mũi, hắt xì mỗi khi thời tiết giao mùa, khi nằm máy lạnh, “nhạy cảm” với dị nguyên.

Hè này, vì nhà gần biển nên mỗi ngày P. và các bạn hay đi tắm biển cùng nhau. Được 2 tuần, P. tái phát viêm xoang, nghẹt mũi kéo dài, khó thở, đau đầu, sốt nhẹ. Mẹ P. cho biết, con rất thích đi bơi nên hay đi tắm biển, bơi ở hồ bơi công cộng.

Sau khi nội soi tai mũi họng, bác sĩ Hằng cho biết hai bên khe mũi xoang P. nhiều dịch nhầy đặc, chảy từ cửa mũi sau xuống họng, niêm mạc cuốn mũi phù nề. P. cũng được chỉ định hút dịch giúp xoang thông thoáng, xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày kèm uống thuốc theo toa bác sĩ; không được đi bơi giai đoạn này.

Ths.BS CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải thích, không phải viêm xoang thì phải từ bỏ sở thích đi bơi. Với trẻ, bố mẹ nên lưu ý và hướng dẫn kỹ cho trẻ để ngừa viêm xoang tái phát, một số lưu ý khi đi bơi cho người viêm xoang như: tránh bơi lội ngay sau khi hồ bơi được xử lý bằng Clo vì lúc này nồng độ Clo rất cao; sử dụng nút bịt tai và kẹp mũi khi bơi; có thể bơi ngửa để hạn chế nước tràn vào mũi, họng; tắm lại ngay sau khi bơi.

Trước khi bơi nên chuẩn bị nước nhỏ mũi, nước muối súc họng; khi bơi hạn chế tối đa sặc nước, uống nước hồ bơi; nên tắm ngay, làm sạch mũi họng sau khi bơi. Không bơi quá lâu để cơ thể và hệ hô hấp nhiễm lạnh, không bơi quá nhiều lần trong tuần, chỉ nên bơi tầm 30 phút và khoảng 2 lần/tuần.

Nếu không may sặc nước, hãy xì sạch nước ra khỏi mũi, nghiêng đầu, lắc nhẹ đầu và kéo thẳng vành tai để nước trong tai chảy ra ngoài. Không đi bơi vào thời điểm viêm xoang tái phát với các triệu chứng đang cao trào. Nếu bệnh vừa khởi phát, nên tạm hoãn việc đi bơi và dùng thuốc theo toa bác sĩ để giảm triệu chứng.

Những rủi ro khi ăn côn trùng lạ

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng ngộ độc, thậm chí tử vong do ăn các loại côn trùng lạ.

Thế nhưng, thời gian qua, một số bệnh viện vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu, đuông dừa, bọ xít…

Các chuyên gia cảnh báo, với những loại côn trùng lạ, người dân cần thận trọng, tuyệt đối không nghe những kinh nghiệm “đồn thổi” để chế biến làm thức ăn.

Mới đây, tại Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) tiếp nhận nam bệnh nhân N.Đ.T (42 tuổi, ở Yên Bái) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, yếu cơ tứ chi, tiêu cơ vân, suy thận cấp. Kết quả chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị ngộ độc vì ăn sâu ban miêu.

Trước đó, 3 người ở tỉnh Yên Bái cùng ăn sâu ban miêu trong bữa cơm tối. Sau khi ăn khoảng 1-3 giờ, cả 3 người đều có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, chướng bụng, tiểu buốt… Sau đó, họ được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán bị ngộ độc.

Không chỉ ngộ độc sâu ban miêu, mới đây, một nữ bệnh nhân (33 tuổi, ở Vĩnh Long) đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn đuông dừa. Cụ thể, sau khi ăn hai con đuông dừa khoảng 3 giờ, nữ bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, da nổi đỏ, mẩn ngứa khắp người, kèm theo cảm giác mệt, khó thở.

Gia đình đã lập tức chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long cấp cứu. Sau quá trình thăm khám và khai thác bệnh lý, bác sĩ xác định bệnh nhân bị dị ứng dọa sốc do ăn đuông dừa và nhanh chóng cho bệnh nhân truyền dịch, dùng thuốc kháng histamin, corticoid.

Cảnh báo về những nguy cơ do những món ăn được chế biến từ côn trùng, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các vụ ngộ độc do ăn côn trùng được ghi nhận tại các tỉnh, thành phố thời gian qua cho thấy, nguyên nhân thường do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố hoặc côn trùng bị nhiễm nấm độc, do côn trùng chứa nhựa cây độc… Thậm chí, ngộ độc có thể do độc tố của côn trùng không bị phá hủy ở nhiệt độ cao khi chế biến.

Các dấu hiệu thường gặp ở người bị ngộ độc sau khi ăn công trùng, đó là: Nôn, run tay chân, co giật, chóng mặt, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa nổi ban toàn thân... và có thể tử vong. Các triệu chứng xuất hiện nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố có trong côn trùng, tùy theo số lượng côn trùng đã ăn vào và cơ địa của mỗi người.

Ngoài những món quen thuộc được chế biến từ nhộng, châu chấu, cào cào..., theo Cục An toàn thực phẩm, người dân vùng núi còn bắt và chế biến các loại côn trùng lạ như: Bọ xít, sâu, bọ cạp, ve sầu… và coi là đặc sản. Thậm chí, công nghệ thông tin cũng bùng nổ với rất nhiều các video về ẩm thực tự nhiên nhằm mục đích câu view, câu like mà chưa được kiểm chứng. Việc không biết rõ các loại côn trùng đó có độc hay không, cách chế biến như thế nào cho đúng… thì nguy cơ gây ra ngộ độc rất cao, tỷ lệ tử vong do độc tố tự nhiên là rất lớn.

Hơn nữa, nhiều người còn cho rằng, côn trùng vốn là thực phẩm tự nhiên nên bảo đảm sạch và hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. Thế nhưng, các chuyên gia cũng lưu ý, khi thu bắt ngoài tự nhiên, nếu không cẩn thận, người dân dễ nhầm lẫn côn trùng ăn được với loại không ăn được, có chứa độc tố.

Hiện chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về côn trùng sử dụng trong chế biến thực phẩm, do đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn. Trong trường hợp sau khi ăn có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như: Mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tê môi, miệng, khó thở… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Các chuyên gia cũng lưu ý, khi chế biến món ăn từ côn trùng cần phải có quy trình xử lý bảo đảm. Cụ thể, cần ngâm, rửa sạch côn trùng bằng nước muối ấm hoặc nước vôi trong để khử hết nấm độc, giun... bám trên côn trùng và để côn trùng bị kích thích, thải hết chất độc trong ruột; đồng thời loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi của côn trùng. Ngoài ra, tuyệt đối không ăn sống, ăn tái côn trùng.

Với những loài côn trùng quen thuộc được sử dụng làm thức ăn, khi nấu phải đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Khi bị ngộ độc thức ăn có nguồn gốc là côn trùng, nếu còn tỉnh táo, cần tự gây nôn. Để đề phòng ngộ độc, tốt nhất không nên ăn côn trùng lạ hoặc chưa từng ăn. Những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi thưởng thức các món ăn này.

Tin mới y tế ngày 5/6: Phát hiện chất độc trong vụ ngộ độc nấm và côn trùng
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, bước đầu đã xác định được độc tố trong loại nấm và côn trùng gây ngộ độc cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư