Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 06 tháng 08 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 5/8: Hiểu lầm về viêm VA ở người lớn
D.Ngân - 05/08/2024 09:50
 
Anh Q. 35 tuổi, viêm mũi họng tái đi tái lại, đi khám phát hiện do VA tồn dư. Đây là bệnh hay xảy ra ở trẻ em, vì ở người trưởng thành, VA thường tiêu biến và ít khi gây nhiều triệu chứng phiền toái.

Hiểu lầm về viêm VA ở người lớn

Trong nhiều năm, anh Đ.H.Q. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thường mắc các bệnh mũi họng, đau rát họng, viêm mũi họng tái đi tái lại, tự mua thuốc uống nhưng không bớt nên đến bệnh viện khám. Kết quả nội soi tai mũi họng ghi nhận anh Q. bị VA tồn dư và đang trong quá trình viêm sung huyết.

Ảnh minh hoạ

Thạc sỹ bác sỹ CKI Phạm Thái Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải thích, VA là tổ chức lympho ở vòm mũi họng, vị trí cửa mũi sau. Khi thở, không khí đi vào mũi, qua vòm họng - VA xuống họng miệng, thanh quản rồi vào phổi.

Với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch đang trong quá trình hoàn thiện, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công nên thường viêm mũi họng và VA.

Ở trẻ em, mô VA ngoài các tổ chức lympho làm nhiệm vụ miễn dịch, trong mô còn chứa nhiều mô mỡ và mô liên kết lỏng lẻo hơn so với người trưởng thành.

Sau khi VA đạt đến kích thước tối đa lúc trẻ 5-7 tuổi thì bắt đầu giảm dần kích thước. Đến tuổi dậy thì (khoảng 12-16 tuổi), trong hầu hết các trường hợp, VA bắt đầu nhỏ lại, mỡ ở vị trí này tiêu biến (nguyên nhân đến nay vẫn chưa được giải thích).

Ở người trưởng thành, VA thường tồn tại dưới dạng một tổ chức trơn láng màu hồng nhạt ở vùng vòm.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp các tổ chức VA không nhỏ đi mà vẫn tồn tại với kích thước lớn nên được gọi là VA tồn dư. VA tồn dư vẫn có thể viêm nhiễm do virus hoặc vi trùng dẫn đến viêm mũi họng kéo dài. Theo y văn, tỷ lệ VA tồn dư trong dân số ở người lớn khoảng 2,5%.

Theo bác sỹ Duy, nếu ở trẻ, nội soi tai mũi họng phát hiện viêm VA quá phát thì được điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật nạo VA. Còn ở người lớn, khi khám và nội soi, cần phân biệt viêm VA tồn dư hay u vòm (ung thư vòm); trong một số trường hợp phải đánh giá giải phẫu bệnh để tránh nhầm lẫn giữa u lành và u ác.

Xác định một khối ở vòm họng là u hay là VA tồn dư đôi khi gặp nhiều thử thách, do u vòm trong giai đoạn sớm có thể không có bất kỳ triệu chứng gì và hình ảnh nội soi ban đầu trong cũng “khá” lành tính”, bác sỹ Duy nói.

Phẫu thuật nạo VA được chỉ định vì anh Q. đã điều trị thuốc nhiều lần trong năm nhưng bệnh vẫn tái phát. Phẫu thuật giúp anh Q. giảm đáng kể tần suất viêm mũi tái đi tái lại.

Bác sỹ Thái Duy phẫu thuật nạo VA qua nội soi cho anh Q. bằng phương pháp Coblator, công nghệ plasma với sóng năng lượng ở nhiệt độ thấp giúp loại bỏ VA triệt để. Anh Q. ăn uống bình thường sau mổ 3-4 giờ, khả năng lành thương tốt, xuất viện sau 24 giờ. Tái khám 2 lần sau phẫu thuật, tình trạng nghẹt mũi, viêm mũi họng được cải thiện.

Viêm VA tồn dư lớn nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng viêm tai giữa, viêm mũi xoang, nghẹt mũi, chảy dịch mũi, khiến chất lượng sống của người bệnh suy giảm. Vì vậy, nếu có những triệu chứng viêm mũi họng tái đi tái lại, người bệnh nên gặp bác sỹ chuyên khoa để khám, nội soi tai mũi họng, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.

Nỗi lo ngộ độc rượu ngâm

Mới đây, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu 4 trường hợp ở huyện Thường Tín (Hà Nội) ngộ độc methanol do cùng uống một loại rượu ngâm.

Trước đó, các bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc do uống rượu ngâm - thường được quảng cáo là rượu thuốc “đại bổ”.

Theo bệnh nhân và người nhà, 4 bệnh nhân này đã ăn tiệc cưới gia đình tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, trong thực đơn có một loại rượu ngâm táo mèo. Đến chiều cùng ngày, 4 bệnh nhân này và một người khác tên C. ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) tiếp tục uống số rượu còn lại, mỗi người uống khoảng 500 - 1.000ml.

Sau đó, các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu... được gia đình đưa vào bệnh viện điều trị. Riêng ông C. về nhà ngủ, chỉ 2 - 3 ngày sau đó, ông C. có biểu hiện đau bụng, nôn ra máu và đã tử vong.

TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: 4 bệnh nhân ở huyện Thường Tín nhập viện trong tình trạng đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu rất cao.

Bên cạnh tổn thương mắt, các bệnh nhân cũng có nguy cơ tổn thương não. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống trong đám cưới tại Thường Tín cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%.

Theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, cồn công nghiệp methanol khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương, đặc biệt là tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương não.

Tuy nhiên, do methanol chuyển hóa từ từ, kín đáo nên có trường hợp đã bị tổn thương thần kinh mắt và não nhưng chưa biểu hiện triệu chứng nên không đi thăm khám.

Qua thực tế nhiều vụ ngộ độc cồn công nghiệp methanol, bên cạnh các ca tử vong, ngộ độc nặng, các bác sỹ cũng gặp các ca biểu hiện bình thường nhưng khi chủ động xét nghiệm thì nồng độ cồn công nghiệp methanol trong máu rất cao và phải lọc máu, giải độc. Nếu không điều trị kịp thời, các bệnh nhân này có thể bị tổn thương một phần mắt và não.

Lâu nay, các loại rượu ngâm thường được quảng cáo là rượu thuốc, ngâm các loại dược liệu, rễ cây thuốc có tác dụng bồi bổ, trị liệu nhiều bệnh tật khác nhau.

Từ những bài thuốc ngâm rượu Thập toàn đại bổ, Minh Mạng thang, sâm nhung, hải mã... được “truyền miệng”, nhiều người cũng tự chế biến và ngâm các loại rượu câu kỷ tử, rượu nhân sâm, rượu long nhãn... cho đến các loại rượu táo mèo, củ ấu tàu, chuối hột... để bồi bổ cơ thể.

Thậm chí, nhiều người cho rằng, các loại thảo dược, rễ cây đều là loại thực phẩm từ thiên nhiên, lành tính nên uống rượu ngâm bất kỳ loại cây, rễ, lá nào đó có tác dụng chữa bệnh và bổ dưỡng là có thể đạt được hiệu quả “đại bổ”.

TS.Nguyễn Trung Nguyên cho biết, Trung tâm thường xuyên tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân nhập viện do bị ngộ độc sau khi uống các loại rượu ngâm với rễ cây để chữa đau lưng, đau khớp gối, bồi bổ cơ thể.

Ngoài các trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol, một số trường hợp xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân phát hiện salicylate có nguồn gốc từ rễ cây.

Ngộ độc salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong.

Theo khuyến cáo của các bác sỹ, khi dùng các sản phẩm rượu thuốc, rượu tự ngâm các loại hoa quả, rễ cây, đặc biệt là các loại rễ cây có độc phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, liều lượng hay thời gian trong quá trình ngâm tẩm các loại cây cũng khác nhau. Bởi khi tự chế biến hay ngâm với rượu nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố, ngộ độc các loại rượu ngâm này cũng có thể dẫn đến tử vong.

Hà Nội: Giảm hơn 4.000 cơ sở kinh doanh ăn uống so với cùng kỳ

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện TP có 72.671 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố (giảm 4.136 cơ sở so với cùng kỳ năm 2023) trên toàn TP.

Trong đó, ngành Y tế quản lý 39.882 cơ sở (tuyến TP: 4.736 cơ sở; quận, huyện, thị xã: 9.227 cơ sở; xã, phường, thị trấn: 25.919 cơ sở).

Thời gian qua, Hà Nội đã duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 100% các phường, thị trấn trên địa bàn TP, 60 tuyến phố văn minh bảo đảm an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát 5.820/5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (chiếm tỷ lệ 100%). Trong đó, kiểm tra 408 cơ sở tại các lễ hội, hội chợ, triển lãm, 1.489 cơ sở tại khu du lịch, 1.390 cơ sở tại các điểm công cộng (vỉa hè, bến xe, nhà ga…), 2.533 cơ sở bán hàng rong. Tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chí theo quy định 83,7 % (4.872 cơ sở).

Cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát 35.146/35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống (tỷ lệ 100 %). Tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chí theo quy định 84,5%.

TP đã duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn năm 2024 với 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã.

Từ đầu năm đến nay, các đoàn đã giám sát, tư vấn 16.572 bữa cỗ, hướng dẫn thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người và được ký cam kết về an toàn thực phẩm đạt 100%.

Hà Nội cũng duy trì và nhân rộng mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học cấp tiểu học tại 15 quận, huyện, thị xã với 324 trường.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cấp TP đã tổ chức 1 đợt giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 15 bếp ăn tập thể trường tiểu học và 10 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu cho bếp ăn tập thể trường tiểu học tại 15 quận, huyện, thị xã triển khai mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học”.

Tuyến quận, huyện đã kiểm tra, giám sát 324 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt 298 cơ sở, chiếm tỷ lệ 91,9%.

Ngoài ra, TP cũng đã triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học thuộc hai phường Tràng Tiền và phường Hàng Trống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát được 65/105 cơ sở; tỷ lệ đạt theo các tiêu chí là 89,2% (58/65 cơ sở); phạt tiền 1 cơ sở/2 triệu đồng; nhắc nhở tại chỗ 3 cơ sở; xét nghiệm nhanh đạt 103/108 mẫu (tỷ lệ 95,4%).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư