Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 7/9: Nhiều bệnh viện dừng khám bệnh theo yêu cầu do bão
D.Ngân - 07/09/2024 09:25
 
Do ảnh hưởng của bão, một số bệnh viện thông báo dừng khám tại khoa theo yêu cầu, riêng trường hợp cấp cứu và điều trị nội trú vẫn hoạt động.

Dừng khám chữa bệnh tự nguyện

TS.Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết sẽ tạm dừng khám bệnh tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu - Nhà K1, ngày 7/9 và 8/9, riêng khoa cấp cứu và điều trị nội trú vẫn hoạt động bình thường.

Nhiều bệnh viện dừng khám bệnh tự nguyện mà chỉ trực khám cấp cứu và điều trị nội trú.

Ngoài ra, đơn vị tập trung toàn bộ mọi nguồn lực để chủ động ứng phó với siêu bão, sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp cấp cứu hàng loạt do thảm họa, thiên tai. Bệnh viện thành lập các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ chuyên môn khi có yêu cầu từ các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão.

TS. Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, đơn vị cũng tạm dừng khám bệnh tại Trung tâm Khám chữa bệnh theo yêu cầu và Quốc tế. Các hoạt động cấp cứu và điều trị nội trú, Trung tâm đột quỵ vẫn hoạt động.

Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông báo nghỉ khám bệnh tại các khoa Khám bệnh và Khám bệnh theo yêu cầu, nhằm hạn chế việc đi lại, đảm bảo an toàn cho người dân.

Cụ thể, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu chỉ khám bệnh từ 7h đến 12h, ngày 7/9. Khoa Khám bệnh nhà G nghỉ khám bệnh trong hai ngày 7/9 và 8/9.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tạm dừng khám bệnh ngoại trú trong 2 ngày cuối tuần Thứ Bảy (7/9) và Chủ nhật (8/9); riêng hoạt động cấp cứu được tăng cường, đảm bảo, điều trị nội trú duy trì bình thường; khám bệnh ngoại trú sẽ trở lại hoạt động từ Thứ Hai (9/9).

Theo đại diện Bệnh viện, toàn bộ Bệnh viện từ Ban Giám đốc trở xuống đến các khoa, phòng, buồng bệnh thực hiện tốt phương châm "Bốn tại chỗ". Cụ thể gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới.

Khoa cấp cứu tăng cường thêm ít nhất một kíp cấp cứu thường trực tại khoa 24/24 trong suốt thời gian bão số 3 diễn ra, đảm bảo ứng phó với các tình huống cấp cứu đến Bệnh viện.

Ngoài ra, tăng cường tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp trong và ngoài Bệnh viện, cũng như chi viện cho tuyến dưới.

Bệnh viện cũng tăng cường nhân lực trực tại các khoa Hồi sức tích cực và các khoa hệ Ngoại, trong đó ít nhất mỗi khoa phải có thêm một bác sỹ, đảm bảo trực 24/24h trong suốt thời gian bão số 3 diễn ra, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho người bệnh gặp phải tai nạn hoặc tình trạng khẩn cấp.

Các bệnh viện khác cũng chuẩn bị các phương án, cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và nhân lực để sẵn sàng thiết lập trạm cấp cứu dã chiến tại khu vực có địa hình cao tránh ngập lụt. Huy động toàn bộ nhân lực tham gia thường trực hỗ trợ cấp cứu thương vong hàng loạt tại bệnh viện và ngoại viện.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành cần chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ số xe cấp cứu, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cho tối thiểu hai đội cấp cứu lưu động, trực 24/24 sẵn sàng ứng cứu cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão khi được lệnh điều động.

Về đảm bảo y tế ứng phó với bão số 3, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tại cuộc họp ngày 6/9 về công tác bảo đảm y tế trong mưa bão đã yêu cầu ngành y tế 28 tỉnh, thành theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão để có những ứng phó kịp thời;

Đồng thời thực hiện các chỉ đạo về khám chữa bệnh, vệ sinh phòng chống dịch, đảm bảo công tác y tế trong mưa lũ của Bộ Y tế, trong đó đặc biệt lưu ý chuẩn bị về nhân lực trực 24/24h, thuốc, vật tư, hóa chất... phương tiện, máy móc phục vụ khám chữa bệnh, điều trị bệnh nhân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu ngành Y tế các tỉnh ra soát ngay các kế hoạch, phương án đáp ứng về y tế (khám chữa bệnh, phòng chống dịch... vệ sinh môi trường) trong và sau bão, mưa lũ; Lưu ý các cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo an toàn người bệnh.

Cùng đó các bệnh viện trực thuộc Bộ, Viện Y học Biển các địa phương phải rà soát ngay các đội cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng ứng cứu tuyến dưới.

Ngoài ra, các bệnh viện khác trực thuộc Bộ như Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu Nghị... chuẩn bị sẵn đội cấp cứu cơ động để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi có điều động.

Yagi là cơn bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam năm nay. Các cơ quan khí tượng dự đoán vị trí đầu tiên tâm bão đi vào là khu vực giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, cường độ cấp 10-12, tức tối đa 133 km/h, giật cấp 14. Thời điểm gió mạnh nhất là từ sáng đến chiều tối 7/9. Tất cả tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đã ra lệnh cấm biển.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 15h, tâm bão Yagi trên vùng biển đông bắc đảo Hải Nam, đang theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20 km/h. Hà Nội và 9 tỉnh, thành khác cho học sinh nghỉ học ngày 7/9 để tránh bão Yagi, một số nơi nghỉ từ hôm nay.

Hà Nội: Các đơn vị đảm bảo công tác y tế trước, trong và sau cơn bão số 3

Sở Y tế Hà Nội có Công văn khẩn số 278/SYT-NVY về việc triển khai công tác phòng chống lụt bão Yagi gửi Giám đốc các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

Theo đó, thực hiện Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 4-9-2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Để đảm bảo công tác y tế trước, trong và sau cơn bão số 3, Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các đơn vị khẩn trương triển khai theo dõi sát diễn biến cơn bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa, bão; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế, thuốc, vật tư và trang thiết bị.

Khẩn trương rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, lưu ý các cửa kính, cửa chớp các phòng trên tầng cao để có biện pháp an toàn.

Triển khai các biện pháp tăng cường chống gió lốc, ngập úng tại các đơn vị, đặc biệt các đơn vị ở vùng trũng, thấp có khả năng ngập úng cao. Đồng thời, các đơn vị đảm bảo công tác an toàn thực phẩm và phòng chống dịch trong và sau bão.

Cùng với đó, đảm bảo sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị báo cáo kịp thời mọi diễn biến thất thường về Sở Y tế qua số điện thoại đường dây nóng 0967981616 và phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế.

Còn tại công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung về việc chủ động triển khai công tác y tế ứng phó bão số 3 và mưa lũ chiều 6/9, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban chỉ huy phòng thủ dân sự các địa phương và Bộ Y tế về việc chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa, lũ, thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; chủ động triển khai công tác phòng, chống, ứng phó bão lũ. Rà soát kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của đơn vị đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra; không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ; chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.

Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm do bão, mưa lũ gây ra; sắp xếp, ổn định các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân sau mưa lũ.

Báo cáo tình hình thiệt hại, nhu cầu, khả năng bảo đảm của địa phương và đề xuất hỗ trợ khi vượt quá khả năng bảo đảm của địa phương về Bộ Y tế (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức và phối hợp triển khai nhiệm vụ.

Chủ động phương án vệ sinh môi trường sau bão lũ

Cục Môi trường Y tế, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị hóa chất, lên phương án chủ động về vệ sinh môi trường sau bão lũ. Đồng thời bố trí nhân lực, bảo đảm dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường. Xây dựng các phương án chuẩn bị xử lý nước, vệ sinh môi trường; phương án bảo đảm an toàn các công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế và thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định hiện hành.

Khi có bão, lũ xảy ra, tổ chức các đoàn công tác của ngành y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân.

Chủ động cấp hóa chất xử lý nước, môi trường; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt.

Thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn y tế đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh gây ảnh hưởng sức khỏe; tăng cường các biện pháp khử khuẩn, xử lý nước thải y tế đảm bảo yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường.

Theo yêu cầu của Cục Môi trường Y tế, các cơ quan liên quan cần tổ chức hướng dẫn các đơn vị y tế và người dân triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các khu vực bị ngập lụt.

Sau khi có bão, lũ xảy ra: Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút.

Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình; kiểm tra giám sát việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế bảo đảm thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư