Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 08 tháng 02 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 8/2: Khoảng 25% người trưởng thành bị tăng huyết áp
D.Ngân - 08/02/2025 10:48
 
Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng", đang trở thành một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại tại Việt Nam.

 

1/4 người trưởng thành bị tăng huyết áp

Theo các chuyên gia, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành Việt Nam hiện nay chiếm tới 25%, tương đương với việc cứ 10 người thì có 3 người bị tăng huyết áp.

Ảnh minh họa.

Mối nguy hiểm từ căn bệnh này càng đáng chú ý khi tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng gia tăng, tạo ra một tình trạng báo động. Điều nguy hiểm hơn nữa là tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng, khiến nhiều người chỉ phát hiện khi bệnh đã tiến triển và gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

PGS-TS.Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tăng huyết áp được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu đạt mức 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.

Tuy nhiên, để có được kết quả chính xác, việc đo huyết áp cần được thực hiện trong điều kiện yên tĩnh, khi người bệnh đang thư giãn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng các thiết bị theo dõi huyết áp liên tục, như Holter huyết áp 24 giờ, để chẩn đoán chính xác hơn.

Tăng huyết áp thường không có dấu hiệu cụ thể, nhưng trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng nhất định. Chẳng hạn, họ có thể cảm thấy đau đầu, đặc biệt là vào buổi sáng, ở vùng chẩm hoặc trán.

Ngoài ra, những cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, giảm thính lực kèm theo cảm giác nặng đầu cũng là những dấu hiệu đáng lưu ý. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy tim đập nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, hoặc khó thở, đặc biệt là khi gắng sức hoặc khi nằm ngủ. Một số dấu hiệu khác có thể bao gồm đỏ mặt, nóng bừng, chảy máu cam (dù hiếm gặp), hoặc mờ mắt, giảm thị lực.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng này có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

Tại tim, tăng huyết áp có thể gây ra suy tim, phù phổi cấp, bệnh lý động mạch vành, hoặc rối loạn nhịp tim. Đối với động mạch chủ, bệnh có thể dẫn đến lóc tách động mạch chủ, phình động mạch chủ.

Tại não, tăng huyết áp có thể gây đột quỵ, nhồi máu não, xuất huyết não, xơ vữa động mạch cảnh, hoặc phình động mạch não. Tăng huyết áp cũng là nguyên nhân chính gây ra tổn thương thận, suy thận mạn tính, và có thể ảnh hưởng đến thị lực, dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị. Một biến chứng nguy hiểm khác là xơ vữa động mạch ngoại biên, gây tổn thương động mạch chi dưới, chi trên.

Ngoài ra, những biến chứng này có thể xuất hiện nhanh chóng và đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời. Một số tình huống cấp cứu như suy tim cấp, phù phổi cấp, lóc tách động mạch chủ là những biến chứng nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Một trong những vấn đề thường gặp trong việc chẩn đoán tăng huyết áp là tình trạng "Tăng huyết áp áo choàng trắng”. Đây là hiện tượng huyết áp của người bệnh khi đo tại bệnh viện hoặc phòng khám có thể tăng lên do căng thẳng khi gặp bác sĩ, nhưng khi đo tại nhà hoặc sử dụng các thiết bị theo dõi huyết áp liên tục lại hoàn toàn bình thường.

Để xác định chính xác tình trạng này, bác sỹ có thể yêu cầu người bệnh theo dõi huyết áp tại nhà hoặc sử dụng Holter huyết áp 24 giờ. Ngoài ra, còn có trường hợp "Tăng huyết áp ẩn giấu," khi bệnh nhân thực sự mắc tăng huyết áp, thậm chí có tổn thương cơ quan đích, nhưng khi đo tại phòng khám lại không phát hiện được.

Trong các tình huống này, việc theo dõi huyết áp liên tục là rất cần thiết để chẩn đoán chính xác và kịp thời. Việc sử dụng thiết bị Holter huyết áp 24 giờ giúp bác sỹ đánh giá chính xác tình trạng huyết áp của người bệnh trong một khoảng thời gian dài, qua đó đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Cảnh báo nguy cơ viêm dạ dày - ruột do adenovirus ở trẻ

Một bệnh nhi 14 tháng tuổi tại Hà Nội đã được chẩn đoán mắc viêm dạ dày - ruột do nhiễm Adenovirus sau khi xuất hiện các triệu chứng như nôn ói và tiêu chảy kéo dài hơn một tuần.

Dù đã được điều trị tại một phòng khám gần nhà, tình trạng của trẻ không cải thiện. Gia đình quyết định đưa bé đến Phòng khám Đa khoa MedlatecTây Hồ để tìm hiểu nguyên nhân chính xác và được điều trị kịp thời.

Sau khi xét nghiệm và siêu âm ổ bụng, kết quả cho thấy bệnh nhi dương tính với Adenovirus. Các quai ruột của trẻ cho thấy sự tăng nhu động và chứa dịch, điều này củng cố chẩn đoán viêm dạ dày - ruột do nhiễm Adenovirus. Bác sĩ đã kê đơn điều trị ngoại trú và yêu cầu gia đình tuân thủ lịch tái khám.

Adenovirus là một tác nhân gây bệnh đường ruột phổ biến, đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nghiên cứu cho thấy gần như tất cả trẻ em sẽ nhiễm Adenovirus ít nhất một lần trước 10 tuổi. Điều đáng lưu ý là Adenovirus có thể xuất hiện quanh năm, không theo mùa như nhiều loại virus khác, và đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa.

Theo Ths.Trần Thị Kim Ngọc, chuyên gia Nhi khoa tại Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ, Adenovirus lây lan qua đường hô hấp (giọt bắn) và có thời gian ủ bệnh từ 8-12 ngày. Bệnh thường có biểu hiện như sốt cao, ho, khò khè, đôi khi kèm theo viêm kết mạc mắt, rối loạn tiêu hóa, hoặc khó thở nếu có biểu hiện nặng.

Ngoài các triệu chứng đường hô hấp, Adenovirus còn có thể gây ra các bệnh lý như viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), và đặc biệt là các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy kéo dài.

Mặc dù nhiều trường hợp nhiễm Adenovirus không gây ra các biến chứng nghiêm trọng, nhưng trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh hoặc trẻ có hệ miễn dịch yếu, vẫn có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, hoặc thậm chí tử vong.

Ths.Trần Thị Kim Ngọc cảnh báo rằng những biến chứng do Adenovirus có thể trở nên rất nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Trong số các biến chứng nặng có thể gặp phải, viêm tiểu phế quản bít tắc, viêm phổi kẽ, giãn phế quản, và suy đa tạng là những tình trạng cần đặc biệt chú ý. Các biến chứng này không chỉ đe dọa sức khỏe của trẻ mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác khi trẻ có các dấu hiệu sau để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế: Sốt cao kéo dài, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Khó thở, thở nhanh hoặc có dấu hiệu hô hấp nặng. Trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc có hệ miễn dịch yếu.

Viêm kết mạc mắt, đau mắt hoặc vấn đề về thị lực. Nôn mửa, tiêu chảy kéo dài hoặc dấu hiệu mất nước như miệng khô, mệt mỏi, ít đi tiểu, ít ướt tã hơn.

Bác sĩ sẽ thông qua thăm khám và xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng của trẻ, đồng thời đưa ra phương án điều trị phù hợp. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tư vấn về việc nhập viện điều trị nội trú.

Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe của cháu N.M.A đã ổn định, không còn nôn ói và tiêu chảy. Trẻ ăn ngủ tốt và không có dấu hiệu khó chịu. Đây là kết quả đáng mừng nhờ việc phát hiện và điều trị kịp thời viêm dạ dày - ruột do Adenovirus.

Thông qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên chủ quan với những triệu chứng nhẹ ở trẻ, đặc biệt là khi trẻ có dấu hiệu nôn mửa và tiêu chảy kéo dài. Việc phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý do Adenovirus là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Ngành Y tế Hà Nội hướng dẫn biện pháp bảo vệ sức khỏe mùa lạnh

Trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài, Sở Y tế Hà Nội đã gửi Công văn số 471/SYT-NVY đến các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn, yêu cầu tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh.

Theo Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh của Bộ Y tế, các vấn đề sức khỏe người dân thường gặp trong mùa rét bao gồm: cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu và các vấn đề khác. Những vấn đề này chủ yếu xuất phát từ việc tiếp xúc quá lâu trong môi trường lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trong mùa lạnh bao gồm: người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, những người làm việc ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng mặt trời, và người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp…

Để đối phó với tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị phổ biến Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cho cộng đồng và người lao động đến cán bộ y tế các cấp, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, để tuyên truyền và tư vấn cho người dân trên địa bàn.

Các đơn vị cũng cần phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương để tổ chức truyền thông, phổ biến các biện pháp chăm sóc sức khỏe mùa lạnh qua nhiều hình thức phù hợp và hiệu quả.

Sở Y tế Hà Nội cũng đặc biệt lưu ý về các biện pháp dự phòng đối với từng đối tượng cụ thể, bao gồm việc phòng ngừa nhiễm độc khí CO (carbon monoxide) trong nhà và đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm. Đồng thời, người dân cần chú ý đến các biểu hiện của cơ thể để nhận diện sớm những dấu hiệu bất thường.

Các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội được yêu cầu rà soát, đảm bảo cơ số thuốc cấp cứu đầy đủ, đủ giường bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu. Đồng thời, các cơ sở này cũng phải đảm bảo phòng chống rét cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong quá trình khám, chữa bệnh.

Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ là đơn vị đầu mối, thực hiện giám sát, kiểm tra và đôn đốc các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe mùa lạnh.

Từ các hướng dẫn này, Sở Y tế Hà Nội hy vọng sẽ giúp cộng đồng nâng cao nhận thức và bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt trong mùa lạnh.

Giảm nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch từ thói quen tiêu thụ muối
Muối là một gia vị quen thuộc với nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng việc sử dụng dư thừa muối có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh nghiêm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư