Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tỉnh mộng sau cú M&A hụt, Pico toan tính tái thiết thị trường
Anh Hoa - 12/01/2016 08:11
 
Sau thương vụ M&A bất thành với Central Group, Pico như bừng tỉnh và đang ấp ủ nhiều toan tính nhằm giành lại vị thế đã mất trong thời gian khủng hoảng vừa qua.

Mở cửa đón “người tình” mới

Đầu năm 2015, Central Group mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim với hệ thống 21 siêu thị điện máy trên cả nước. Đây là bước đi bài bản của Central Group để mở rộng tầm hoạt động tại Việt Nam, sau những thất vọng tại thị trường Trung Quốc.

Sau thương vụ, Central Group đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cửa hàng Nguyễn Kim lên hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2019. Tuy nhiên, hệ thống siêu thị Nguyễn Kim chỉ phủ sóng mạnh tại khu vực phía Nam, còn phía Bắc vẫn rất yếu. Chính vì vậy, Central Group cần phải tìm một “cầu thủ” tốt ở phía Bắc và Pico là ứng cử viên sáng giá nhất.

Trong khi nhiều siêu thị điện máy tiến hành mở rộng mạng lưới rất nhanh, thì Pico lại thu hẹp các địa điểm và hiện có số lượng siêu thị ít nhất trên thị trường
Trong khi nhiều siêu thị điện máy tiến hành mở rộng mạng lưới rất nhanh, thì Pico lại thu hẹp các địa điểm và hiện có số lượng siêu thị ít nhất trên thị trường

Cách đây gần 10 năm, Pico là một trong những tên tuổi đi tiên phong về trung tâm siêu thị điện máy ở Hà Nội, khi mà mọi người vẫn có thói quen mua đồ ở những phố điện máy như Hai Bà Trưng, Hàng Bài... Hiện nay, trong khi rất nhiều siêu thị vận hành theo mô hình tương tự tiến hành mở rộng mạng lưới rất nhanh thì Pico lại thu hẹp các địa điểm và hiện có số lượng siêu thị ít nhất trên thị trường.

Tuy nhiên, do sở hữu một hệ thống quản trị tốt và kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực này tại Việt Nam, nên Pico luôn nằm trong “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong số đó, Central Group nhắm Pico nhằm chiếm lĩnh thị trường Hà Nội và miền Bắc dễ dàng hơn, tạo thế cạnh tranh với các đối thủ khác.

Khi thương vụ giữa Pico và Central Group được hé lộ, giới đầu tư đã phao tin rằng, với sự tham gia của Central Group, Pico sẽ thực hiện kế hoạch nâng số siêu thị từ 6 hiện tại lên hơn 20 trong thời gian tới. Mọi chuyện tưởng đã an bài, nhưng mới đây, Pico đã chính thức thừa nhận thương vụ này đã bất thành.

Mọi đồn đoán giờ đây dổ dồn về nguyên nhân dẫn đến thất bại của thương vụ. Pico có điều gì bất thường chăng? Hay Pico đã tỉnh mộng  và muốn tái thiết lại thị trường đã bị mất trong thời gian khủng hoảng vừa qua? Cũng có lời đồn đoán cho rằng, trước sức ép của thị trường, những người sáng lập Pico không còn tâm huyết với nghề mà chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, cho thuê văn phòng tại TP.HCM là chủ yếu.

Trước những lời đồn đoán trên, ông Trịnh Đức Tuấn, Phó tổng giám đốc Pico cho hay, với kế hoạch phát triển mạnh mẽ và đầy thách thức trong thời gian tới, không chỉ với Central Group, Pico luôn “mở cửa” sẵn sàng hợp tác với nhiều đối tác trong nước và quốc tế trên nhiều phương diện khác nhau. Trong thời gian qua, có nhiều đối tác đã đến đặt vấn đề muốn kết duyên với Pico, nhưng cả hai phía còn cần thời gian cân nhắc.

“Pico có tham vọng phát triển lớn và chưa muốn dừng lại ở quy mô như hiện tại. Chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, nhưng còn phải chờ quá trình thẩm định lẫn nhau giữa Pico và đối tác. Chúng tôi chỉ lựa chọn đối tác có chung quan điểm và chiến lược", ông Tuấn nói.

Cũng cần nhắc lại là, cùng với Nguyễn Kim, Vingroup đang từng bước tiến sâu hơn vào thị trường bán lẻ với chuỗi siêu thị điện máy Vinpro. Động thái này đã làm thay đổi thị trường điện máy, ít nhất trong năm 2015 khi họ gia nhập thị trường. Với tiềm lực tài chính mạnh, Vinpro đã dành nhiều tiền để khuếch trương tên tuổi của mình. Lúc này, không riêng gì Pico, mà các nhà bán lẻ điện máy khác cũng đã có kế hoạch riêng của mình.

Làm mới mô hình kinh doanh

Thị trường điện máy có tính cạnh tranh rất khốc liệt. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần phải làm mới mô hình kinh doanh, hay tái cơ cấu để ít nhất có thể tồn tại trước khi nghĩ đến chuyện chiếm lĩnh thị trường.

Năm 2015, tốc độ tăng trưởng toàn thị trường điện máy đạt khoảng 20%, riêng khu vực Hà Nội chỉ dừng lại ở 13%. Điều này cho thấy, thị trường điện máy tại Hà Nội đang có mức tăng trưởng chậm lại, nhưng phải một thời gian dài nữa mới đến giai đoạn bão hòa. Trong khi đó, thị trường các tỉnh, thành phố khác cũng đang có mức tăng trưởng lớn, có thể so sánh với Hà Nội cách đây gần chục năm.

Nhìn lại vào cơ cấu doanh số của tổng thị trường điện máy, thì ngành hàng Mobile &Tablet đang chiếm khoảng 50% và giữ tốc độ tăng trưởng tới 25%. Có thể coi đây là một trong những ngành hàng trọng điểm của điện máy trong một thời gian dài nữa.

Một số nhóm hàng trước đây được coi là các sản phẩm cao cấp như TV màn hình LED công nghệ 3D, máy giặt lồng ngang, máy sưởi, lọc không khí… giờ đã được người tiêu dùng đón nhận như một trong những mặt hàng thiết yếu của gia đình. Điều này cho thấy, thị trường điện máy tại Việt Nam vẫn đang có sức tăng trưởng tốt và khá tiềm năng cho các nhà bán lẻ như Pico.

Tuy nhiên, người tiêu dùng đang có nhiều lựa chọn hơn vì nhiều nhà cung cấp hơn, nhiều chuỗi bán lẻ lớn tham gia lĩnh vực này. Điều này dẫn đến một xu hướng “tiện đâu mua đấy” để đảm bảo tiến độ giao hàng cũng như xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng.

Theo ông Tuấn, năm 2016, Pico có kế hoạch mở rộng hệ thống của mình một cách mạnh mẽ tại thị trường Hà Nội vốn là thế mạnh của mình. Ngoài ra, khu vực phía Bắc và TP.HCM cũng nằm trong kế hoạch phát triển của nhà bán lẻ điện máy này. Tuy nhiên, lựa chọn tỉnh, thành phố nào, địa điểm ra sao cũng là một trong những điểm đau đầu của Pico sao cho đảm bảo doanh thu như kế hoạch.

Đáng chú ý là, Pico đang cân nhắc việc phát triển hệ thống riêng cho ngành hàng Mobile và viễn thông. Kế hoạch phát triển nhanh khoảng 30 siêu thị chuyên biệt tại Hà Nội cùng với chuỗi siêu thị điện máy trong năm 2016 sẽ giúp mật độ và mạng lưới Pico phát triển ngang bằng các chuỗi lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực này. Ngoài ra, củng cố, hoàn thiện và tăng cường phát triển mua sắm online (e-commerce) cũng được tên tuổi này dành nguồn lực tương xứng.

Loay hoay định vị thương hiệu

Chỉ trên một con phố, người tiêu dùng có thể dễ dàng điểm mặt vài siêu thị điện máy lớn nhưng na ná nhau khiến họ không dễ phân biệt. Việc phát triển ồ ạt của một số chuỗi điện máy lớn khiến dịch vụ khách hàng không được kiểm soát tốt và độ nhận biết thương hiệu đối với người tiêu dùng còn yếu. Các nhà bán lẻ điện máy vẫn đang loay hoay trong việc định vị thương hiệu của mình trên thị trường và Pico không phải ngoại lệ.

Sự khác biệt không có, hay nói đúng hơn là không nhiều đã dẫn đến cuộc đua giảm giá giữa các thương hiệu. Trước đây, Nguyễn Kim đã định vị theo một cách khác so với các nhà bán lẻ điện máy đối thủ, nhưng sau một thời gian vươn ra thị trường Hà Nội, Nguyễn Kim dường như cũng đang thay đổi chiến lược giá của mình.

Trên thực tế, việc cạnh tranh về giá quá gay gắt sẽ ảnh hưởng sâu đến tỷ suất lợi nhuận của các nhà bán lẻ. Giới phân tích cho rằng, các nhà bán lẻ nên tính toán kỹ việc này, vì đây  không thể là một chiến lược mang tính dài hơi. Nếu kéo dài việc cạnh tranh về giá, thị trường sẽ còn chứng kiến nhiều sự ra đi của các doanh nghiệp điện máy.

Với những lời cảnh báo trên, để tồn tại được cùng với việc cơ cấu hình thức kinh doanh, các doanh nghiệp bán lẻ điện máy trên thị trường luôn mở cửa bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn từ khía cạnh nào đó, có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam bán cổ phần vì không còn đủ lực để phát triển, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Việc hợp tác với các doanh nghiệp lớn có thể là một hướng đi tốt, vì vậy, Nguyễn Kim, một tên tuổi không tầm thường ở Việt Nam, vẫn chọn chiến lược bán cổ phần cho Central Group.

Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp điện máy hiện đều có nhu cầu lớn về tài chính, đây vừa là xu hướng, vừa là cuộc đua để mở rộng điểm bán. Khi có độ phủ rộng khắp, họ sẽ mở rộng được thị phần, tăng khả năng nhận diện thương hiệu và phát triển hệ thống logistics.

Đối với Pico, việc bán cổ phần cho đối tác không phải là thất bại. Khi nhận được hậu thuẫn từ doanh nghiệp nước ngoài, nhất là tài chính và kinh nghiệm, doanh nghiệp “chiếu dưới” như Pico sẽ có bước đi vững chắc hơn hoặc có những chiến lược cạnh tranh mang tính đột phá hơn.

Bán lẻ điện máy: "Đường đua sinh tử"
Bán lẻ điện máy lại bắt đầu vào cuộc đua mở siêu thị mới. Tuy nhiên, theo các DN, cuộc đua mở điểm lần này sẽ quyết định tất cả. Vẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư