Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tọa đàm trực tuyến: “Hiến ghép mô/tạng: Thách thức nào phải đối diện trong tương lai?
Dương Ngân - 02/11/2021 09:34
 
Sáng 2/11, Báo điện tử Đầu tư tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Hiến ghép mô/tạng: Thách thức nào phải đối diện trong tương lai".

Trong những năm gần đây, nhu cầu ghép mô, tạng ở nước ta rất lớn nhưng số lượng người hiến tạng tại Việt Nam lại khan hiếm.

Điều đáng nói là, trong khi ở các nước phát triển, có tới hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não, chết do ngừng tim, thì ở Việt Nam nguồn mô tạng chủ yếu vẫn từ người cho sống.

Thống kê của Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cho thấy đến nay, cả nước mới chỉ ghép được gần 6.000 ca. Đây là con số khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Tọa đàm

Một trong những lý do khiến tỷ lệ hiến tặng mô/ tạng tại Việt Nam còn thấp là do quan niệm về tâm linh còn chưa thực sự thấu đáo của một bộ phận người dân.

Bên cạnh đó, một số vướng mắc trong cơ chế tài chính, hạn chế về trang thiết bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cũng đang là rào cản khiến công tác hiến ghép mô/tạng chưa đạt kỳ vọng.

Xuất phát từ thực tế đó, Báo Đầu tư phối hợp với Trung tâm Điều phố tạng quốc gia, Bộ Y tế tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hiến ghép mô/tạng: Thách thức nào phải đối diện trong tương lai?

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Buổi Tọa đàm trực tuyến có sự tham gia của các vị khách mời:

+ Thượng tọa Thích Tâm Thuần, Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc

+ Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, Bộ Y tế.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư chia sẻ, một xã hội lành mạnh thì kinh tế mới phát triển; xã hội có những con người biết yêu thương nhau, cùng giúp nhau tiến bộ thì đời sống, kinh tế mới phát triển. Nếu xã hội mà trong đó, người với người không biết yêu thương, hy sinh vì nhau, không gắn bó với nhau thì đó là một xã hội rời rạc.

Nhìn một cách sâu xa, cuộc Tọa đàm này hết sức có ý nghĩa, gắn với những việc Báo Đầu tư đã và đang làm trong hành trình 30 năm phát triển. Báo Đầu tư - với tư cách làm một tờ báo kinh tế hàng đầu, không chỉ làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về kinh tế - xã hội mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Đầu tư cũng luôn luôn gắn bó với những hoạt động xã hội hết sức có ý nghĩa, đặc biệt là hoạt động từ thiện. 15 năm qua, Báo Đầu tư đã duy trì quỹ học bổng dành cho các em học sinh nghèo (Quỹ học bổng Giải golf Vì trẻ em Việt Nam), trao hàng nghìn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi, tiếp sức các em trên con đường học tập, trưởng thành; hỗ trợ xây dựng trường học, tài trợ phòng máy tính, đồng thời tham gia nhiều hoạt động xã hội với các doanh nghiệp hỗ trợ bà con khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt, kể cả hỗ trợ các bệnh nhân, bệnh nhi.

"Cuộc Tọa đàm hôm nay, một mặt hết sức ý nghĩa với độc giả vì đây là hoạt động nhân văn, đầy ý nghĩa và quan trọng trong đời sống của những suy tạng, đang mong ngóng có được một cơ hội ghép tạng, mặt khác cũng gắn với các hoạt động chung của Báo Đầu tư. Chúc cho cuộc Tọa đàm trực tuyến của chúng ta thành công, những ý nghĩa tốt đẹp được lan tỏa đến công chúng độc giả của Báo Đầu tư", ông Lê Trọng Minh nói.

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:
Độc giả hỏi:

Thưa ông Phúc, ông quan niệm thế nào là một cuộc sống tốt đẹp, có ý nghĩa?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia

Một câu chuyện tôi muốn kể là người em họ của tôi, một phóng viên thường trú miền Nam sinh ra ở Hà Nội và không may mắc ung thư. Những ngày cuối cùng ở Hà Nội, cô chia sẻ rằng dù ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa nhưng còn điều tiếc nuối khi chưa đăng ký hiến tạng. Tuy nhiên, sau khi biết với những người ung thư việc hiến tạng (như giác mạc) có thể thực hiện ngay thời điểm đó chỉ cần người hiến tự nguyện và mong muốn thực hiện em tôi đã rất vui

Sau đó, không chỉ em họ tôi mà cả mẹ em đều đăng ký hiến mô tạng. Cảm giác khi nhận tấm thẻ đăng ký hiến mô tạng là sự bình an tự tại. Người ung thư giây phút cuối cùng đau đớn nhưng cô ấy khi ra đi có sự bình an.

Đừng lo lắng rằng mình đã quá già để đăng ký, bởi bất kỳ ai từ 18 tuổi, đủ hành vi dân sự đều có thể. Điều này mang lại hy vọng niềm tin cho người suy tạng, chờ đến một ngày có tạng ghép. Việc đăng ký hiến tạng còn tạo nguồn trong tương lai. Điều quan trọng hơn là hạnh phúc cho chính người đăng ký.

Yêu thương bản thân mình thì mới yêu thương người khác. Giây phút đó với họ là giây phút hạnh phúc.

Bằng việc đăng ký hiến tạng và bằng việc lan toả giá trị nhân văn, chúng ta đang cùng nhau xây dựng dòng chảy văn hoá mới. Đó là dòng chảy văn hoá tận hiến. Khi dân tộc đất nước có nhiều người có nghĩa cử cao đẹp đó là đất nước, văn hoá tốt hơn rất nhiều. Đấy là điều Đảng, Chính phủ, Nhân dân ta hướng tới mỗi ngày, thắp lên ngọn lửa nhân văn trong mỗi người vốn đã hiện hữu. Qua chương trình Tọa đàm trực tuyến với độc giả Báo Đầu tư hôm nay, tôi hy vọng ngọn lửa đó sẽ được thắp lên, lan tỏa nhiều hơn nữa.

Độc giả hỏi:

Thưa Thượng tọa Thích Tâm Thuần, nhiều người luôn tự hỏi mục đích và ý nghĩa của cuộc sống. Đâu mới là cuộc sống tốt đẹp? Thầy có thể chia sẻ quan niệm của Thầy thế nào về một cuộc sống tốt đẹp, viên mãn?

Thượng tọa Thích Tâm Thuần, Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc

Làm sao để con người tìm đến cuộc sống viên mãn, tốt đẹp hơn? Khi chết rồi, có nhiều quan niệm, ví dụ như buổi cải táng, mọi người muốn nhặt cho đủ, thiếu gì sợ đời sau chuyển lại, đây là tâm tưởng mọi người, chứ không đúng như vậy.

Đức Phật khi nhập niết bàn rồi thì thân Phật được thiêu còn xá lợi để thờ. Các vị đệ tử Phật, khi thiêu đốt thành tro rồi thì không còn gì. Thân này rã rồi, khi chuyển thân chỉ còn cái nghiệp, tâm tưởng của mình thôi, không còn cái thân này nữa.

Khi chuyển qua đời khác rồi, thì tùy đời nặng, nhẹ, thiện, ác để chuyển thân, chứ không căn cứ trên cái thân này nữa. Như hồi nãy thầy nói, không ai muốn người thân mình khi mất rồi làm con ma để bám níu thân này, cố chấp rồi khổ sở mà muốn cho người thân có cái nhìn đúng đắn, để có được tâm bình an siêu thoát.

Con người đã văn minh lên rồi. Chúng ta hiểu như vậy thì làm sao tinh thần người mất có được trí tuệ, bình an, làm sao để giúp cho gia đình quý mến, đoàn kết, thương yêu nhau. Đó là việc làm thiết thực.Trần sao âm vậy nếu nhìn thiết thực, chuyển đổi cách nhìn sẽ có lợi ích thiết thực. Thời kỳ khoa học chúng ta không nên tin những gì làm mình thêm khổ đau, dù là tập tục ngàn đời thì chúng ta phải biết xem xét và dừng. Cái gì không phải tập tục nhưng là chân lý, sự thật, có lợi ích cho mình và mọi người, hiện tại và tương lai thì nên phát huy, nhất là việc làm mới mẻ như hiến mô tạng này của các quý vị, cộng đồng đang quan tâm.

Độc giả hỏi:

Thưa ông Nguyễn Hoàng Phúc, khi dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp như hiện nay Trung tâm đã có những điều chỉnh, chuyển hướng nào nhằm thích ứng với đại dịch? Và những điều chỉnh này đã mang lại hiệu quả ra sao?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia

Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động của trung tâm đã điều chỉnh rất nhiều. Chúng tôi thực hiện thông tin trực tuyến, chia sẻ thông điệp trên VOV, đài truyền hình, đào tạo...

Cùng đó, Trung tâm quay lại đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học. Bất kỳ chính sách pháp luật nào được thông qua cần có chiều sâu giá trị khoa học. Thời gian qua, Trung tâm đang đầu tư sâu hơn, thực hiện đề tài cấp nhà nước để nghiên cứu phương thức điều phối tốt hơn, kết hợp sức mạnh của cả hệ thống.

Chính sách hiện tại vẫn chưa có chính sách phù hợp cho người điều phối, vận chuyển lấy tạng, bảo quản tạng, bảo hiểm y tế cho người cần được ghép tạng. Hiện quy định người hiến tạng chết não nhận huy chương và một phần chi phí mai táng nhưng nên chăng có thể bảo hiểm xã hội cho người thân để thúc đẩy nhiều hơn cơ hội nhận hiến tạng từ người chết não.

Hay cũng cần có những nghiên cứu khoa học so sánh để thấy việc ghép tạng mang lại lợi ích nhiều hơn so với điều trị bệnh suy tạng suốt đời.

Trung tâm triển khai đề tài nghiên cứu nội bộ liên quan đến chính sách để đề xuất sửa đổi. Đây là nền tảng khoa học để trình lên Quốc hội về chính sách hiến ghép mô tạng và bổ sung sau 15 năm luật ra đời năm 2006. Điều đáng mừng là Quốc hội sẽ đưa vào chương trình luật nhiệm kỳ này, dự kiến giai đoạn 2023 - 2024 sẽ xem xét.

Độc giả hỏi:

Thưa Thượng tọa Thích Tâm Thuần hiện nay vẫn còn có suy nghĩ không tốt, chưa khách quan, đầy đủ về việc hiến tạng. Vậy chúng ta có thể nói điều gì với họ để họ hiểu hiến mô/tạng là hành động nhân văn. Ông Phúc có ý kiến gì muốn chia sẻ thêm không ạ?

Thượng tọa Thích Tâm Thuần, Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc

Đây cũng là thắc mắc chung. Mọi người sở dĩ chưa phát nguyện hiến tạng hoặc còn cản trở người thân phát nguyện hiến tạng, vì họ chưa thấu hiểu thiết thực về một kiếp người, cũng như giá trị lợi ích thiết thực nãy giờ anh Phúc chia sẻ.

Tình thương hết sức rộng lớn để làm những việc lợi ích, cứu sống được bao nhiêu người khi cái thân này bỏ rồi.Như vậy thì để giúp cho mọi người hiểu được tinh thần này, thầy chia sẻ và mong mỏi mọi người cùng tìm hiểu thêm ý nghĩa cuộc sống, giá trị của đạo Phật. Khi có nhìn nhận đúng đắn thì sẽ có cách nghĩ, nói và làm cho mọi người.

Nghĩ đúng đắn là gì, đó là nghĩ về sự thật, về tinh thần như Đức Phật dạy, đó là “Thân này tứ đại, ngũ uẩn”, nó là vô thường, nó là sự thật Sinh - Già - Bệnh - Giã, từ xưa đến giờ không ai khác hết. Sau khi thân này giã, chúng ta nhìn nhận thấy mọi người có thương, có quý mấy thì cũng tìm cách huỷ hoại thân này bằng mọi cách như là địa táng, hỏa táng, điểu táng, không táng rồi thiền sư còn có thiền táng nữa…, bằng mọi cáh để giải quyết thân này sau khi không còn sử dụng nữa.

Như vậy, việc làm đó ai cũng thấy rõ, chết là sự thật, hiển nhiên, lâu nay ít người dám nghĩ đến, kiêng sợ nói đến. Nhưng nó là sự thật, cho nên chúng ta là người khoa học, trí tuệ thì cần thẳng thắn đối diện sự thật này. Khi thẳng thắn đối diện, chúng ta sẽ thấy đó là quy luật bình thường, đang sống làm gì để đem lại lợi ích cho mọi người, khi thân này rã, chúng ta làm gì cho những người còn lại, tâm thiện lành này ngay cuộc sống đây chúng ta thấy bình an, an lạc, rất là cao thượng.

Độc giả hỏi:

Thưa thượng tọa Thích Tâm Thuần, quan niệm về khi chết phải "toàn thây" của người Việt đã ít nhiều thay đổi. Tuy vậy, để hầu hết người dân sẵn sàng hiến mô/tạng sau khi chết, chết não vẫn còn nhiều khó khăn. Thầy có thể chia sẻ thêm để cộng đồng hiểu và có cái nhìn thấu đáo về vấn đề này?

Nhà báo Dương Ngân hỏi:

Là một phóng viên y tế nhiều năm, tôi đã chứng kiến rất nhiều người bệnh hồi sinh sự sống diệu kỳ từ các ca ghép tạng kỳ tích. Và để có những cổ tích giữa đời thường ấy thì vai trò của Trung tâm điều phối tạng quốc gia rất lớn. Thưa ông Nguyễn Hoàng Phúc, ông có thể chia sẻ những kết quả trong công tác kêu gọi cộng đồng tự nguyện hiến mô tạng những năm qua mà Trung tâm đã đạt được? Thành quả này có được nhờ vào những yếu tố nào?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia

Ca điều phối đầu tiên bằng đường hàng không của Trung tâm là vào năm 2015. Một thanh niên không may tai nạn lao động và được chẩn đoán chết não. Người mẹ dù không thể tưởng tượng được sự ra đi đột ngột và cũng chưa từng nghe về hiến tạng nhưng đã đồng ý hiến tạng khi nghe thông tin từ bác sĩ về trường hợp chết não của con mình. Trung tâm tiếp nhận một tim và gan cứu sống 2 người bằng chuyến bay xuyên Việt đầu tiên.

Một ví dụ khác là bé tên Hải An điều trị ung thư ở bệnh viên K. Đến ngày cô bé không qua khỏi, người mẹ đã nhận được thông báo chết não và đề nghị được hiến toàn bộ nội tạng. Nhiều người thậm chí không có bản lĩnh để nghĩ tới chứ chưa nói đến thực hiện việc đó. Với người mẹ trẻ này, đây là sự đồng hành cùng tâm nguyện của con, cũng là một phần để giúp các bạn nhỏ khác và cũng là để con mình được sống tiếp theo cách khác.

Do quy định có những rào cản cho những người dưới 18 tuổi muốn hiến tặng mô tạng, Trung tâm chỉ nhận hiến giác mạc của bé Hải An. Tuy vậy, câu chuyện này khi đó đã đánh thức, lay động khoảng thiện lương nhất của mỗi con người. Nhiều người đã đến với Trung tâm sau trường hợp bé Hải An.

Một trường hợp khác từng được báo chí đưa tin là về cậu bé được ghép phổi. Có một câu chuyện cảm động sau trường hợp này. Tại lễ vinh danh người hiến tạng, lần đầu tiên người vợ có chồng chết não đã gặp người mẹ có con được cứu sống. Người vợ đó đã đưa một khoản tiền cho hai mẹ con để chăm lo cho bé. Nghĩa là, người thân của người hiến tạng còn chăm lo thêm cho người được nhận tạng. Có người vốn suy nghĩ rằng, người nhận tạng sẽ đưa lại một khoản tiền cho người hiến, khiến nhiều người nghĩ rằng giống như việc bán tạng, thì trường hợp này, hành động của vợ người hiến tạng đã làm mọi người phải suy nghĩ lại về nghĩa cử cao đẹp của họ.

Chứng kiến khoảng khắc đó mọi người đều lặng đi. Tình người vượt qua mọi ngôn ngữ, không gian thời gian. Chỉ tình người mới làm được điều đặc biệt như vậy.

Với mục tiêu khi ra đời của Trung tâm là để truyền thông vận động, điều phối, vận chuyển tạng và tiếp xúc với các câu chuyện như vậy, đấy chính là động lực mang lại năng lực và sự nỗ lực của Trung tâm trong suốt thời gian hoạt động.

Cơ sở vật chất của Trung tâm dù vô cùng hạn chế, khó khăn đặc biệt, nhưng ở Trung tâm luôn có nguồn năng lượng, cảm thông và chân tình. Một nữ nhà báo khi đến Trung tâm viết bài sau khi hiểu câu chuyện đã quyết định đăng ký hiến tạng và ở lại Trung tâm làm việc mang đến sự thay đổi lớn cho hoạt động truyền thông Trung tâm. Đến giờ phút này, chị vẫn làm việc say mê, làm tất cả từ trái tim. Điều tôi muốn nhấn mạnh tất cả mọi thứ đều đến từ trái tim.

Độc giả hỏi:

Ông Phúc có thể chia sẻ gì thêm về việc, một người hiểu rõ ý nghĩa của hành động nhân văn đăng ký hiến tạng này?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia

Cách đây không lâu, một sư thầy tại chùa Sùng Phúc đã đăng ký hiến mô tạng. Một ngày không ai nghĩ tới, thầy ra đi và chúng tôi cũng không ngờ điều vô thường tới nhanh như thế. Gần đây nhất, chúng tôi nhận được thông tin, con gái thầy cũng đến đăng ký hiến tạng. Việc làm nếu không có ý nghĩa, không mang lại bình an thì chắc chắn đã không ai làm.

Lợi ích từ sự bình an ngay giây phút phát tâm mong muốn hiến tạng và sau này. Với những người chúng tôi phát giấy đăng ký hiến tạng, chúng tôi không gặp người nào không cảm thấy bình an, hạnh phúc.


Một độc giả ở Hà Nam gửi tới Thượng tọa Thích Tâm Thuần câu hỏi:

Câu hỏi này có lẽ là vấn đề chung mà rất nhiều người gặp phải hiện nay: Bạch Thầy, con muốn đăng ký ghép tạng nhưng bố mẹ con không đồng ý, vậy con phải làm thế nào để thuyết phục bố mẹ con?

Thượng tọa Thích Tâm Thuần, Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc

Câu hỏi này chắc có lẽ là câu hỏi chung của nhiều người trên đất nước Việt Nam mình. Người phát tâm mong mỏi được hiến tạng, nhưng người trong gia đình thường có lời can ngăn, chưa đồng ý, đồng thuận, đây là điều khó.

Thầy muốn chia sẻ với các độc giả, tại sao mình phát tâm muốn hiến tạng, đó là vì mình hiểu được ý nghĩa, giá trị lợi ích thiết thực của việc hiến tạng, biết được thân này bỏ rồi thì không dùng gì và những gì hữu ích cho sự sống thì quá quý, quá tốt.

Vì sao bố mẹ, người thân không đồng ý? Mình biết rõ chắc chắn một điều duy nhất, là vì mọi người chưa hiểu, chưa biết được giá trị quý báu này. Các quý vị cần tìm hiểu, tra cứu thêm những giá trị lợi ích thiết thực của việc làm này cụ thể hơn để chia sẻ với người thân, để những người thân cùng hiểu, từ đó đồng thuận với mình một cách tự nhiên.

Việc của chúng ta là làm sao cho bố mẹ thấy được sự vô thường là lẽ thường của kiếp người, của thân này. Tâm nguyện phát nguyện hiến tạng đã có được phúc đức, lợi ích lớn rồi, đó là việc làm thánh thiện trong tinh thần của đạo Phật nói riêng và con người nói chung, như vậy giúp cho bố mẹ và người thân hiểu được tinh thần và giá trị của việc làm, để rồi đồng thuận và có khi cũng phát tâm, phát nguyện hiến tạng theo các quý vị.

Như nãy thầy chia sẻ, khi khởi phát điềm lành đã có những hộ pháp thiện thần trên thiên gia hộ, tán thán những tâm nguyện cao cả đó. Khi chúng ta có được cách nhìn nhận này mới có thể chia sẻ với những người thân của mình như chia sẻ của anh Phúc cũng như của nhiều vị tâm nguyện hiến tạng này, cũng như sự thật của một đời người qua góc nhìn của Phật giáo, những người trí thức nhìn nhận sự thật để phát tâm mạnh mẽ trong việc làm nhân văn cao cả.

Muốn người thân đồng thuận về việc phát nguyện hiến tạng, những người thân đã mất rồi thì thương xót, quý kính, tri ân người thân không phải bằng cách duy trì mong mỏi thân này như thế nào, mà thiết thực nhất là thương quý, tri ân người mất thì phải biết làm gì để những người mất đó có giá trị lợi ích thiết thực, thân của họ còn để lại cho đời, đem lại giá trị cho những người còn sống, đây là điều hết sức thiết thực. Tâm nguyện của những người đã mất, họ luôn luôn nghĩ đến những người hiện tại, người thân, nên chúng ta làm việc đó là chúng ta ủng hộ, tri ân người mất một cách thiết thực nhất, chứ không phải mình thương xót, khóc thương, buồn thảm với những gì đã rồi.

Thưa Thượng tọa Thích Tâm Thuần, một độc giả ở Quảng Ninh hỏi:

Câu hỏi như sau: Bạch Thầy, theo triết lý nhà Phật thì khi sống làm được việc tốt, việc thiện như hiến mô/tạng thì khi sang thế giới bên kia có được giảm nhẹ tội lỗi họ đã từng mắc?

Thượng tọa Thích Tâm Thuần, Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc

Đây là câu hỏi rất hay, đi sâu vào tinh thần nhân quả của đạo phật đã triển khai. Những việc làm lành thiện chắc chắn sẽ được quả báo lành thiện, nhất là người mà phát nguyện hiến mô tạng thì người đó đã khẳng định xem nhẹ bản thân này rồi, đã có cái nhìn bằng trí tuệ xuyên suốt rằng, thân này sau khi chết rồi thì không làm gì nữa, mọi người lâu nay chỉ đem hủy hoại bằng nhiều cách thôi.

Nhưng với góc nhìn của người hiến mô tạng, họ nhìn nhận thân này sau khi chết có cái gì còn hữu ích thì để cống hiến lại cho những người đang hết sức cần cho sự sống. Người phát nguyện hiến tạng bằng cái tâm này sẽ xem nhẹ cái thân, trong lúc phải bỏ đi thì người đó rất bình an, không bận tâm thân này, bởi vì mình đã phát đại nguyện để cho đi rồi, ngay đó đã là tâm bình an rồi.

Thượng tọa Thích Tâm Thuần

Người có tâm bình an chắc chắn chuyển thân và đến đâu cũng sẽ gặp được bình an, đó là lợi ích thiết thực. Người đó đến khi chuyển thân đời sau chắc chắn sẽ được quả báo bình an, chuyển thân vào những con đường tốt. Còn tâm bất an, phiền não, cố chấp sẽ không làm sao chuyển thân đời sau tốt được hết, đó là giá trị thiết thực của người đã phát nguyện.

Mới chỉ phát nguyện thôi đã có được phúc báo mà đã được xác định rõ như trong Kinh Nhân quả, “Người vừa khởi một điềm lành, chưa làm được điềm lành đó nhưng đã có hộ pháp thiện thần theo ủng hộ. Người khởi điềm xấu ác, chưa làm điềm ác nhưng đã có ác quỷ theo xúi giục”. Đó là thực tế. Khi khởi điềm lành, mọi người đều có tâm hài hòa, cởi mở, tâm an lạc trong tâm thiện lành. Khi hiến mô tạng là tâm đại lượng của mình là hết sức an lạc, nghĩ rằng mình làm được điều tốt.

Độc giả hỏi:

Dịch bệnh COVID-19 hoành hành đã ảnh hưởng tới hoạt động của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia như thế nào? Hiện Trung tâm đang phải đối diện những khó khăn nào trong công tác hiến, ghép mô tạng, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia

Bên cạnh khó khăn chung của cả nước, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cũng bị ảnh hưởng không kém. Tuy nhiên, điều hết sức ý nghĩa là số lượng người quan tâm và đăng ký không giảm.

Từ đợt dịch thứ 4 bùng phát hồi tháng 5 vừa qua, chúng tôi vẫn tiếp nhận 1.911 người đăng ký hiến tạng. Điều này cho thấy nhận thức và mong muốn của mọi người vẫn rất tốt. Đến ngày hôm nay, số người đăng ký hiến tạng trong cả nước đã lên đến 45.113 người.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối tạng Quốc gia

Hoạt động hiến tạng gắn với các hoạt động truyền thông trong xã hội. Nhiều người chưa biết đến câu chuyện này nên càng cần chia sẻ mạnh mẽ hơn. Các sự kiện truyền thông tập trung đông người không thể thực hiện được. Hay hoạt động truyền thông trên xe bus cũng phải tạm dừng khi thực hiện các lệnh giãn cách. Có trường hợp cả gia đình đã sẵn sàng đăng ký hiến tạng, nhưng không thể đến trực tiếp.  

Thời gian này, chúng tôi đẩy mạnh truyền thông online qua các bài viết trên fanpage hay các kênh trực tuyến khác. Đồng thời, khi hoạt động hiến mô tạng phát triển, chính những người đăng ký hiến tạng đã trở thành tình nguyện viên lan toả đến những người khác.

Độc giả hỏi:

Thưa ông Nguyễn Hoàng Phúc, ông có thể chia sẻ về nhu cầu ghép tạng của Việt Nam hiện nay? Và tỷ lệ người được ghép thành công ở mức nào?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia

Lời đầu tiên, xin cảm ơn Báo Đầu tư mời chúng tôi tham gia chương trình hết sức ý nghĩa và nhân văn. Bất kể nền kinh tế nào cũng phát triển trên nền tảng con người. Sức khoẻ là tình trạng thoải mái về vật chất và tinh thần, nên không có nghĩa chỉ khoẻ về cơ thể. Sức khoẻ, con người là nền tảng của mọi sự việc liên quan đến phát triển kinh tế xã hội.

Nhu cầu ghép tạng của Việt Nam rất cao với hàng nghìn người suy mô tạng đang chờ ghép. Khó có con số tuyệt đối nhưng thông tin Bộ Y tế chia sẻ cho biết hiện có rất nhiều người gặp bệnh lý suy thận, suy gan, suy phổi…

Trong khi đó nguồn tạng hiến rất hạn chế. Vì vậy, số người được ghép hạn chế so với nhu cầu. Điều đáng mừng là đến giờ phút này, hầu hết mọi ca ghép tạng Việt Nam đều thành công. Việt Nam đã có những ca ghép tạng thành công đầu tiên với thận năm 1992, đến nay ghép tạng được gan tim phổi, chi… đem lại niềm tin cho các bệnh nhân.

Độc giả hỏi:

Thưa Thượng tọa Thích Tâm Thuần, thời gian vừa qua, tỷ lệ người hiến tặng mô tạng tại Việt Nam còn thấp, nguyên nhân chính được nhìn nhận là do nhiều người đang hiểu chưa đầy đủ về cái chết. Xin thầy chia sẻ với độc giả: Phật giáo quan niệm như thế nào về cái chết. Chết có phải là hết không, thưa Thầy?

Thượng tọa Thích Tâm Thuần, Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc

Trước hết, cảm ơn Báo Đầu tư và Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia đã có buổi chia sẻ về tinh thần hết sức cao cả của việc sống, làm việc hết sức mình với những gì lợi ích cho mình và mọi người, và khi bỏ thân này có thể làm việc cuối cùng giúp cho mọi người có thêm sự sống, duy trì tâm huyết của mình trong cuộc đời.

Để trả lời câu hỏi này, thầy xin mạo muội chia sẻ tinh thần của đạo Phật đối với cái nhìn của một kiếp người.

Phật là người đầu tiên đã khám phá ra sự thật của mọi sự vật cũng như kiếp người, trong quy luật nhân quả, trong định luật vô thường. Hai quy luật nhân quả và định luật vô thường này là chi phối chung cho tất cả.

Với cái chết của một kiếp người, đó là quy luật chung. Nhưng với cái nhìn của đạo Phật, con người chết không phải là hết, mà trong quy luật của sự luân hồi, sinh tử của một kiếp người, luân là bánh xe, hồi là trở lại, nó như một bánh xe không có điểm dừng. Cũng như vậy, ta thấy nước bốc hơi tưởng là hết, nhưng nước bốc hơi lên rồi đọng lại, gặp lạnh rồi rơi xuống thành mưa. Luân hồi như vậy thì kiếp người cũng thế.

Lòng tin về luân hồi, lòng tin về nhân quả sẽ giúp con người rất lớn trong việc biết điều chỉnh cái nhìn, lời nói, hành động để thật sự làm lợi ích cho mình và mọi người, không phạm lỗi phủ nhận mọi thứ, cho rằng chết là hết, việc làm, ý nghĩ không chủ động, có kiểm soát, làm ảnh hưởng đến cái nhìn của đạo Phật, kiếp người chết rồi không phải là hết.

Gửi câu hỏi
captcha
Giao lưu trực tuyến: Mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả
Sáng 14/10, các vị khách mời có mặt Tòa soạn Báo Đầu tư để tham gia Chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Mở cửa du lịch an toàn,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư