Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
“Tôi không chỉ là cậu ấm”
Anh Hoa - 30/08/2013 07:54
 
Bỏ ngoài tai biệt danh “cậu ấm” mà giới truyền thông đặt cho mình, Đoàn Quốc Huy đang nỗ lực để khẳng định, anh không phải là người chỉ biết thừa hưởng những thành quả mà cha mẹ để lại.

8 năm “cắp cặp cho bố”, 29 tuổi, Đoàn Quốc Huy trông nhiều chất thư sinh hơn là một doanh nhân đang đứng mũi chịu sào ở 2 mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản và chế biến thực phẩm (muối và thủy sản) của BIM, tập đoàn danh tiếng, đa lĩnh vực, với hơn 3.000 cán bộ, công nhân viên, hoạt động trải khắp cả nước.

Doanh nhân Đoàn Quốc Huy- Phó chủ tịch BIM Group

Tập đoàn BIM vẫn được biết đến là một công ty gia đình, được dẫn dắt bởi 3 thành phần chủ chốt là ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc; ông Đoàn Quốc Huy, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc và bà Khổng Thị Hiền, Phó tổng giám đốc.

Tuy nhiên, ông Việt dường như đang dần lui về hậu trường, khi ông hầu như vắng mặt trong các hoạt động truyền thông của Tập đoàn.

Như vậy, sản nghiệp kinh doanh của gia đình đang dần được trao sang tay của hai người con.

Riêng với Huy, chặng đường 8 năm “cắp cặp cho bố” trong Công ty đã dần kết thúc…

Tốt nghiệp loại giỏi về tài chính bất động sản tại Trường đại học Nam California (Mỹ), lại được các doanh nghiệp đánh giá tốt về luận văn tốt nghiệp, Đoàn Quốc Huy tự tin khi bắt tay vào công việc tại BIM khi trở về nước.

Mọi việc diễn ra êm thấm kể từ khi anh được giao phụ trách mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn. Điểm cộng đầu tiên của người kế vị Đoàn Quốc Huy chính là sự phát triển mạnh mẽ của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam, với hơn 16 dự án lớn tại Việt Nam và Lào.

Tiếp nhận trách nhiệm dẫn dắt và phát triển công ty này với vai trò Chủ tịch HĐQT từ năm 2008, đúng trong giai đoạn thị trường bất động sản chuyển xấu nhanh chóng, Đoàn Quốc Huy đã đưa Syrena Việt Nam trở thành một trong 3 công ty bất động sản có tiếng ở Việt Nam, với tổng vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng.

“Công ty có chiến lược dài hạn, trong đó có nhiều sản phẩm dành cho các phân khúc khác nhau, nên khi kinh tế bắt đầu khủng hoảng, chúng tôi đã chủ động điều chỉnh để có sản phẩm đi trước một bước so với các đối thủ, nghĩa là giải quyết các nhu cầu của người dân mua nhà để ở, cả về thiết kế, giá cả và giải pháp tài chính…”, Huy lý giải về bí quyết thành công.

Với giải pháp đó, năm 2012, Công ty tung ra thị trường 1 dự án chung cư, 2 dự án nhà liền kề, với tổng số 500 căn hộ, gần 130 nhà phố. Trong vòng 3 tháng sau khi ra hàng, 70% số căn hộ đã được bán…

“Chúng tôi quyết định trong năm tới sẽ tung ra những dự án nhà giá trị phân khúc trung bình. Ngoài ra, kế hoạch đầu tư một số điểm nhấn vào hạ tầng dịch vụ du lịch tại Hạ Long nhằm thay đổi diện mạo của du lịch Quảng Ninh cũng đã được thống nhất. Có thể kể tới Tổ hợp du lịch tại Hạ Long, đầu tư vòng quay nước lớn nhất Việt Nam…”, Huy hào hứng kể về những kế hoạch đang triển khai và không quên nhắc đến kế hoạch khởi công tổ hợp đầu tư vui chơi, giải trí ở Phú Quốc, bao gồm cả khách sạn 5 sao, với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng của BIM trong quý III tới.

Không né tránh sai lầm

Nhẹ nhàng, trầm tĩnh trong câu chuyện kinh doanh, Đoàn Quốc Huy khiến những người đối thoại cảm giác mọi việc đều suôn sẻ, kể cả trong những lúc nước sôi lửa bỏng. Cũng có thể bởi sau lưng anh là một người cha - Chủ tịch HĐQT danh tiếng và một sự nghiệp đã hình thành.

Không bình luận về điều này, Huy kể về niềm đam mê kinh doanh mà anh đã được chính người cha đa tài rèn luyện từ thời bé. “Mỗi lần đi công tác, bố luôn đưa tôi đi theo. Khi đầu tư hay làm bất cứ việc gì, bố tôi cũng giải thích vì sao ông đầu tư vào cái đó, vì sao không. Ông đã gieo vào tôi niềm đam mê, mong muốn tạo ra những điều có ích cho xã hội. Vì thế, kinh doanh đối với tôi không chỉ là công việc”, Huy nói.

Chính bởi vậy, ngay sau khi kết thúc các khóa học với kết quả xuất sắc ở nước ngoài, Huy quay trở về Việt Nam để cùng cha gánh vác sản nghiệp kinh doanh của gia đình. “Thời điểm đó, Công ty đang trong thời kỳ phát triển nóng. Cũng có thể có những quyết định không chuẩn xác, nhưng quan trọng là tôi đã được quyền làm, quyền quyết định và ý thức trách nhiệm về những quyết định của mình. Điều này sẽ không thể có nếu tôi không trở về”, Huy nói.

Rồi Huy không ngần ngại kể về những bài học xương máu của anh mà nếu không ở vị trí người đứng đầu, anh sẽ không thể học được. Nào là việc kế hoạch phát triển Dự án Tòa tháp Syrena Hà Nội, bao gồm Khu căn hộ dịch vụ Fraser Suites Hanoi, bị chậm tiến độ hơn 3 năm, vì có những chỗ dù đã xây xong, nhưng anh không ưng ý hoặc không phù hợp với ý tưởng kinh doanh của anh, nên phải đập ra thiết kế lại. Đặc biệt, sự ngã ngựa của Hãng hàng không “sếu đầu đỏ” Air Mekong là bài học lớn, khi không nhìn nhận được hết những rủi ro của ngành hàng không…

“Có những quyết định đầu tư, kinh doanh không đúng, điều đó khó tránh khỏi, song tất cả thành viên trong gia đình không ai chỉ trích ai, mà cùng sắn tay để khắc phục. Không có gì là không vượt qua, bởi những gì BIM có được hôm nay đều do cả gia đình cần mẫn làm nên từ hai bàn tay trắng”, Đoàn Quốc Huy thẳng thắn.

Hiện Huy đang ấp ủ nhiều dự định về việc tận dụng vị thế kinh doanh đã có được của BIM để tác động đến sự đổi thay trong từng lĩnh vực mà BIM hoạt động. Chẳng hạn, anh đang muốn thay đổi diện mạo ngành công nghiệp du lịch, giải trí tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) để thu hút thêm khách du lịch. Anh cũng đang cố gắng thay đổi diện mạo của ngành muối Việt Nam, đưa ra những dòng sản phẩm muối tinh cho người tiêu dùng Việt Nam…

Trầm tĩnh…

Đoàn Quốc Huy có phản ứng rất bình thường, hay nói thẳng ra là không quan tâm việc giới truyền thông đặt cho mình biệt danh là cậu ấm, với hàm ý không tin lắm vào khả năng làm việc của anh, nhất là khi cái bóng của người cha tại BIM quá lớn và không dễ vượt qua.

“Họ có quyền đặt cho tôi bất cứ cái mác nào mà họ muốn, còn tôi có sự nghiệp, có những đam mê mà tôi phải thực hiện, phải chịu trách nhiệm”, Huy chia sẻ một cách trầm tĩnh và kể về những kế hoạch thay đổi mà một CEO được đào tạo bài bản ở nước ngoài đang muốn làm, để đưa công ty gia đình phù hợp hơn với xu hướng của thời đại.

“Điều tôi muốn thay đổi nhất là nhân viên phải chủ động hơn trong công việc của mình. Sếp không thể luôn luôn phải là người ra quyết định, tự chịu trách nhiệm với quyết định đó như hiện giờ. Tôi muốn tận dụng sự chủ động, sáng tạo của mọi người. Họ sẽ là những người cùng chung tay góp sức để phát triển BIM. Dĩ nhiên, tôi sẽ là người thúc đẩy động lực cống hiến đó bằng việc thay đổi những quy chế để họ yên tâm cả về vật chất lẫn tinh thần”, Huy nói.

Huy phân tích thêm, các nhân viên ở Việt Nam hay tiêu cực hóa khái niệm đi làm thuê. Còn ở nước ngoài, có những người rất giỏi, học những trường danh tiếng, gia đình có điều kiện, thậm chí bố mẹ là triệu phú, tỷ phú, nhưng họ vẫn chọn làm việc cho các công ty khác, bởi theo họ đó là cách tạo ra những giá trị khác cho xã hội. Đây là điều mà Huy đang cố gắng truyền đạt cho các nhân viên trong thời gian tới.


Trò chuyện với ĐOÀN QUỐC HUY

Tính cách gì ở người bố mà anh vẫn chưa học được?

Khả năng cuốn hút và thuyết phục người xung quanh.

Điểm hạn chế của anh khi làm việc?

Khi làm việc với người lớn tuổi hơn, đôi khi tôi chưa làm chủ được tình huống.

Những người như thế nào sẽ có cơ hội làm bạn với anh?

Bạn bè là duyên, chứ không thể nói là cơ hội. Tôi luôn coi trọng những con người có trách nhiệm với bản thân, công việc, xã hội. Tôi may mắn vì có nhiều bạn bè.

Chân dung một Đoàn Quốc Huy của cuộc sống thường nhật là thế nào?

Thường xuyên đi xe đạp dạo công viên, đi dép lê ăn phở ngoài phố.

Còn kế hoạch lập gia đình?

Chưa có, trước mắt tôi tập trung vào công việc kinh doanh.

Hai chị em anh có hợp “gu” trong điều hành công việc kinh doanh không?

Có, chỉ cần nói ý là hiểu ngay.

BIM có ý định mua lại các doanh nghiệp khác?

Chúng tôi có kế hoạch mua lại các doanh nghiệp trong cả 3 ngành bất động sản, muối, thủy sản. Đối với bất động sản, Công ty đang tìm mua các dự án, doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM. Riêng trong ngành thủy sản, chúng tôi chưa tìm được công ty phù hợp.

Tại sao BIM không tận dụng cơ hội mua giá rẻ lúc này?

Giá không phải là mục đích chính, mà là tình hình tài chính, chiến lược phát triển, cũng như đội ngũ quản lý của công ty đó có phù hợp với BIM hay không.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư