Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 17 tháng 06 năm 2024,
TP.HCM: Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết khi mùa mưa đến
Hoài Sương - 24/05/2024 17:59
 
Vắc xin chỉ là một phần của chiến lược tổng hợp kiểm soát bệnh sốt xuất huyết, WHO khuyến cáo, cần kiểm soát tốt trung gian truyền bệnh để tối ưu hóa hiệu quả phòng bệnh.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ năm 2016 đến năm 2023, tổng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM là 309.966 và có 75 trường hợp tử vong.

Năm 2022 xảy ra dịch sốt xuất huyết lớn tại khu vực phía Nam, trong đó tại TP.HCM ghi nhận có tới 81.884 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 29 ca tử vong.

Biểu đồ diễn tiến bệnh sốt xuất huyết năm 2024 và giai đoạn 2019 - 2023 tại TP.HCM.

Tính từ đầu năm đến ngày 19/5, TP.HCM ghi nhận 3.251 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 56% so với cùng kỳ năm 2023 là 7.446 ca). Tuy nhiên, khi mùa mưa bắt đầu, dự báo số mắc có xu hướng gia tăng từ tháng 5 đến tháng 11. Do đó, công tác chủ động triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết ngay từ đầu mùa dịch là rất quan trọng.

Tạo miễn dịch chủ động bằng vắc xin là một biện pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, giảm gánh nặng do bệnh tật gây ra. Mới đây, Bộ Y tế đã chính thức cấp phép lưu hành vắc xin Qdenga do Tập đoàn Dược phẩm Takeda sản xuất để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Đây là vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam. Dự kiến vắc xin này sẽ có tại một số trung tâm tiêm chủng trong nước từ tháng 9/2024. Vắc xin này đã được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia bao gồm Liên minh châu Âu (EU), vương quốc Anh, Argentina và các quốc gia đang bùng dịch sốt xuất huyết gần đây như Indonesia, Brazil và Thái Lan.

Theo Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu EMA (European Medicines Agency), vắc xin Qdenga đã được chứng minh có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em và thanh thiếu niên trong 12 tháng sau mũi tiêm thứ hai.

Trong nghiên cứu thực hiện tại 8 quốc gia ở châu Mỹ Latinh và khu vực châu Á Thái Bình Dương, khoảng 20.000 trẻ em từ 4 - 16 tuổi đã được tiêm Qdenga hoặc giả dược. Kết quả so sánh cho thấy, giảm 80% số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong nhóm người được tiêm vắc-xin so với nhóm dùng giả dược.

Vắc xin này cũng làm giảm tỷ lệ nhập viện do sốt xuất huyết đến 90%. Trong 18 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai, 0,1% (13 trong số 12.700) trẻ được tiêm vắc xin phải nhập viện vì xác nhận mắc bệnh sốt xuất huyết, so với 1% (66 trong số 6.316) trẻ được tiêm giả dược.

Theo WHO, ngoài vắc xin, cần phải kiểm soát trung gian truyền bệnh, phát hiện và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, WHO nhận định vắc xin Qdenga giúp tăng hiệu quả phòng bệnh nhưng không ngăn được tất cả các trường hợp bệnh, tình trạng miễn dịch sau tiêm ngừa có thể suy giảm theo thời gian.

WHO khuyến cáo việc tiêm vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết phải được xem như là một phần trong chiến lược tổng hợp để kiểm soát căn bệnh này. Bên cạnh đó, vẫn cần phải kiểm soát trung gian truyền bệnh, phát hiện và điều trị kịp thời, nâng cao nhận thức về bệnh của cộng đồng…

Kiểm soát trung gian truyền bệnh vẫn là một hoạt động cần thiết và quan trọng của chương trình phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác bởi vì muỗi không chỉ truyền bệnh sốt xuất huyết mà có thể truyền các loại vi rút gây bệnh khác như: Bệnh do vi rút zika, bệnh chikungunya, viêm não…

Mùa mưa đã bắt đầu tại khu vực phía nam, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh sốt xuất huyết lại gia tăng. Sở Y tế TP.HCM kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết ngay từ thời điểm này để ngăn chặn dịch bùng phát.

Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết "nóng" trở lại
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 10 đến 17/5), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 41 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 16 ca so với tuần trước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư