Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 06 tháng 11 năm 2024,
TP.HCM: Mập mờ phòng khám mang tên “bệnh viện”
Hoài Sương - 24/10/2024 16:55
 
Một số phòng khám tư nhân tại TP.HCM sử dụng tên gọi có cụm từ “bệnh viện” trên quảng cáo, biển hiệu, gây tiềm ẩn rủi ro về chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh tại các cơ sở này.

Theo Sở Y tế TP.HCM, khi tra cứu về thông tin doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, hiện có ít nhất 184 doanh nghiệp tư nhân sử dụng tên khi đăng ký giấy chứng nhận kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư có chữ cụm từ “bệnh viện”, nhưng không hoạt động theo mô hình bệnh viện. 

Trong số đó, có các doanh nghiệp khi đăng ký thủ tục hành chính để thành lập phòng khám buộc Sở Y tế phải cấp phép với tên gọi có cụm từ “bệnh viện” vì lý do phòng khám đăng ký lấy tên theo tên của doanh nghiệp đã được in trong giấy chứng nhận kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp.

Một cơ sở chưa có giấy phép hoạt động đã mang tên “bệnh viện” (tên của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận kinh doanh là Công ty TNHH bệnh viện thẩm mỹ E-Star). Ảnh: Sở Y tế TP.HCM cung cấp.

Tuy nhiên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP đã quy định rõ các hình thức tổ chức và các điều kiện để cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, điều kiện cấp phép cho “bệnh viện” và “phòng khám” có sự khác biệt về quy mô, cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân sự cùng các điều kiện khác. 

Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của mỗi cơ sở y tế. Do vậy, việc các phòng khám sử dụng từ “bệnh viện” trong tên gọi không chỉ không đúng với chức năng, nhiệm vụ, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi và lòng tin của người dân.

Theo số liệu của Thanh tra Sở Y tế từ ngày 1/1/2024 đến nay, đã có 10 cơ sở kinh doanh đăng ký chữ “bệnh viện” trong tên doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Trong đó bị xử lý vi phạm hành chính 6 phòng khám chuyên khoa. Ngoài ra, còn có 1 cơ sở hành nghề thẩm mỹ, nhưng không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị bộ, ngành và các đơn vị liên quan xem xét, bổ sung các quy định về việc đặt tên cơ sở y tế, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phòng khám nhưng sử dụng danh nghĩa tên “bệnh viện”.

Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy định liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, phòng tài chính - kế hoạch địa phương cần siết chặt quy trình thẩm định và từ chối cấp phép đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có tên đăng ký không đúng hình thức tổ chức được quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, Sở Y tế kiến nghị việc các doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký tên là “bệnh viện”, nhưng không đủ phạm vi hoạt động là một bệnh viện thì thực hiện điều chỉnh tên và không tiếp tục sử dụng từ “bệnh viện” trong tên gọi.

“Trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp các sở, ban ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Qua đó sẽ xử lý nghiêm đối với các cơ sở có sai phạm hoặc cố tình vi phạm nhiều lần, đặc biệt là các phòng khám thường xuyên nhận được phản ánh, khiếu nại từ người dân”, Sở Y tế thông tin.

Sự mập mờ trong việc sử dụng tên gọi “bệnh viện” của các phòng khám tư nhân hiện là một vấn đề đặt ra của xã hội và cần có giải pháp khắc phục kịp thời. Sở Y tế TP.HCM kêu gọi người dân lựa chọn các bệnh viện, phòng khám uy tín đã được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Giải pháp quản lý phòng khám tư nhân cho các cơ sở khám chữa bệnh
Phần mềm quản lý phòng khám và bác sĩ gia đình (VNPT Home & Clinic) đang được các cơ sở khám chữa bệnh và bác sỹ tin dùng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư