Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM: Tăng cao bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc, tiêu chảy
D.Ngân - 19/03/2024 12:06
 
Sau Tết, thời tiết các tỉnh Nam bộ nắng gắt 37-38 độ liên tục, bệnh lý tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, ngộ độc… có xu hướng tăng mạnh.

Thông tin từ một số cơ sở y tế tại TP.HCM cho thấy các bệnh lý tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, ngộ độc… đang có xu hướng tăng mạnh.

Sau Tết, thời tiết các tỉnh Nam bộ nắng gắt 37-38 độ liên tục, bệnh lý tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, ngộ độc… có xu hướng tăng mạnh.

Cụ thể, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, số trẻ đến khám do nôn ói, rối loạn tiêu hóa tăng khoảng 20% so với trước Tết.

Trước đây, mỗi ngày bệnh viện này chỉ tiếp nhận 10-20 trẻ nhập viện do bệnh lý tiêu hóa, thời điểm này tăng gấp 3-6 lần, dao động từ 40-60 trẻ. Riêng Khoa Cấp cứu ghi nhận 6-10 trẻ nhập viện thăm khám mỗi đêm vì nôn ói nhiều, mất nước.

Số trẻ mắc bệnh tiêu hóa tăng, chủ yếu do thời tiết nắng nóng, thói quen nằm quạt và điều hòa sai cách, việc bảo quản thực phẩm mùa nóng chưa được tốt khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu…

Đơn cử trường hợp con gái 3 tuổi của chị Quyên (ngụ Bến Tre) bị sốt cao, đi ngoài phân nhầy, người mệt lả, lừ đừ được gia đình đưa đến TP HCM khám trong tình trạng sốt cao 40 độ, tiêu lỏng 9 lần/ngày, bác sĩ chẩn đoán bé nhiễm trùng đường ruột phải nhập viện điều trị.

Bé được gia đình đưa đến viện sau 3 ngày có triệu chứng bệnh, song diễn tiến nặng, từ nhiễm trùng đường tiêu hóa dẫn đến nhiễm trùng máu, phải điều trị kháng sinh kéo dài.

BS.CKI Lâm Bội Hy, Khoa Nhi cho biết, các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn như e.coli, campylobacter, listeria, salmonella, botulinum,… gây ra.

Chúng có đặc điểm chung phát triển mạnh trong môi trường có nhiệt độ từ 5-60 độ C. Thời tiết nóng khiến thực phẩm ôi thiu, hư hỏng nếu không bảo quản đúng. Nếu trẻ tiêu thụ, vi khuẩn dễ tấn công hệ tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn là ngộ độc.

“Nhiễm trùng đường tiêu hóa chủ yếu lây qua đường ăn uống. Các sinh vật gồm nấm men, vi khuẩn, hoặc ký sinh trùng tấn công cơ thể gây nhiễm trùng đường ruột, dễ biến chứng nhiễm trùng máu”, bác sĩ Bội Hy nói.

Trường hợp khác là bé trai 4 tuổi, bé than đau bụng, ói trên 20 lần/ngày kéo dài. Bác sĩ chẩn đoán bé cùng lúc mắc hai bệnh đường hô hấp kèm rối loạn tiêu hóa, phải nhập viện điều trị kháng sinh, bổ sung dịch truyền.

Dự báo thời tiết Nam bộ tiếp tục nắng nóng kéo dài đến hết tháng 4, các bác sĩ nhận định, nhiều khả năng số trẻ mắc bệnh tiêu chảy nhập viện sẽ tiếp tục tăng.

Bác sĩ Hy lý giải, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, nguy cơ bệnh chồng bệnh. Thời tiết thất thường khiến trẻ biếng ăn, dẫn đến đề kháng kém và tăng nguy cơ mắc bệnh khi virus, vi khuẩn xâm nhập và tấn công.

Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Nắng nóng cũng khiến thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa.

Bên cạnh đó, trẻ có thói quen chống nóng bằng cách để nhiệt độ điều hòa quá thấp hoặc bật quạt gió mạnh phả trực tiếp vào người dễ bị nhiễm lạnh, viêm phổi…

Một số bệnh về đường tiêu hóa thường gặp trong mùa nắng nóng do nhiễm vi khuẩn tả hoặc vi khuẩn lỵ hay vi khuẩn thương hàn hoặc E.coli, đặc biệt là có thể lây lan cho nhiều người khác tạo nên dịch bệnh. Những thực phẩm vệ sinh kém chính là môi trường thuận lợi cho những sinh vật này phát triển, gây bệnh.

Triệu chứng phổ biến các bé đến khám tại Khoa Nhi, gồm đau bụng, đi tiêu lỏng, sốt, ói, mệt mỏi, một số trẻ cùng lúc mắc thêm viêm họng có thể ho, ói.

Theo bác sĩ Bội Hy, sau khoảng 2 ngày nhiễm virus, vi khuẩn, trẻ có thể có các biểu hiện nôn, buồn nôn, sốt, tiêu chảy nhiều lần, kéo dài trong 3-10 ngày.

Nếu không được khám, điều trị kịp thời, trẻ có thể mất nước, mất điện giải, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu ngộ độc hoặc nhiễm trùng nặng.

Để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa, phụ huynh cần lựa chọn thực phẩm kỹ lưỡng, hạn chế cho trẻ sử dụng nước có gas, giảm ăn đồ lạnh, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý trong mùa nắng nóng như uống đủ nước, tăng cường rau xanh.

Phụ huynh cần tuân thủ cho trẻ ăn chín, uống sôi, rửa sạch thực phẩm trước khi ăn. Vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ, không để chung thực phẩm tươi sống và thực phẩm nấu chín.

Thức ăn bảo quản lâu trong tủ mát vẫn có thể bị hỏng và ngộ độc, do đó không nên sử dụng đồ ăn thừa sau 4-5 ngày bảo quản ngăn mát.

Ngoài các bệnh lý nêu trên, thời tiết nắng nóng tại TP.HCM những ngày gần đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây làm gia tăng tỉ lệ đột quỵ não.

Khi thời tiết nóng, độ ẩm không khí cao cơ thể sẽ toát mồ hôi, mất muối và nước dẫn đến cơ thể thiếu dịch, giảm thể tích lòng mạch, máu dễ bị cô đặc hơn gây huyết khối. Nguy cơ này cao hơn khi chúng ta tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài.

Theo các chuyên gia, thời tiết quá lạnh, hay quá nóng đều có thể tác động quá mức đến sự co giãn quá mức của hệ thống mạch máu, tăng huyết áp khiến gia tăng các biến chứng tim mạch.

Trong số đó, nhiều ca đột quỵ tại bệnh viện ghi nhận do bỏ thuốc điều trị tăng huyết áp. Những người có yếu tố nguy cơ cao như người trên 60 tuổi, có rối loạn mỡ máu, có rối loạn lipid máu, tiền sử hút thuốc lá… dễ bị đột quỵ hơn khi thay đổi thời tiết.

Do đó, người dân cần chú ý bảo vệ cơ thể. Thời tiết quá lạnh cần giữ ấm. Trong thời tiết nắng nóng, nếu buộc phải ra ngoài trời cần mặc áo chống nắng, mũ rộng vành, tránh tiếp xúc trực tiếp kéo dài với ánh nắng gắt.

Người cao tuổi cần hạn chế thay đổi môi trường đột ngột. Nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ protein, tăng cường rau xanh, trái cây. Hạn chế rượu bia, thức ăn nhanh. Luyện tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn, phù hợp với độ tuổi và thể trạng.

Phòng ngừa bệnh là ưu tiên hàng đầu. Mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân. Hiện có nhiều gói tầm soát nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, người bệnh có thể chủ động thăm khám để được tư vấn lựa chọn gói khám phù hợp.

Với những người có sẵn các bệnh lý nền như rung nhĩ, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu… cần kiểm soát tốt, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc.

Đột quỵ tim, não là nhóm bệnh nguy hiểm, có chuyển biến xấu nhanh. Do đó, trường hợp xuất hiện triệu chứng bất thường như khó nói, yếu liệt, rối loạn nhận thức, đau tức ngực , mệt mỏi… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có năng lực điều trị đột quỵ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Thời gian vàng đối với nhồi máu cơ tim là 1-2 tiếng kể từ khi có dấu hiệu khởi phát. Với đột quỵ não là 4,5 giờ. Đến càng sớm, điều trị càng hiệu quả, tránh biến chứng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư