Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiếp bài cổ phần hóa Công ty Kim loại màu Thái Nguyên: Khi cổ đông thành “người đổ vỏ”:
Trách nhiệm phía sau bản cáo bạch của Công ty Kim loại màu Thái Nguyên
Hà Quang - Duy Hữu - 27/04/2015 08:36
 
Khoáng sản - Vinacomin, TMC và BSC là những đơn vị chịu trách nhiệm về việc phát hành thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu của TMC, nhưng đến nay, không có tổ chức nào trả lời những vướng mắc phát sinh cho nhà đầu tư.

Như Báo Đầu tư Online đã thông tin, câu chuyện nhà đầu tư mua cổ phần xong mới biết mình phải gánh vác thêm nghĩa vụ nặng nề từ số cổ phần đã mua tại Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên (VIMICO, tên sau cổ phần hóa của TMC) đặt ra dấu hỏi lớn về trách nhiệm của tổ chức công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu (cáo bạch - văn bản có ý nghĩa quyết định đến việc mua cổ phiếu của nhà đầu tư).

 

Các đơn vị đó gồm Công ty TNHH một thành viên Kim loại Màu Thái Nguyên (TMC), Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin (Công ty mẹ của TMC) và Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC - tổ chức tư vấn).

Bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội của TMC có ghi rõ: Bản công bố thông tin được cung cấp cho nhà đầu tư nhằm giúp nhà đầu tư có thể đánh giá tài sản, nguồn vốn, tình hình tài chính, kết quả và triển vọng kinh doanh của TMC trước khi đăng ký mua cổ phần. Bản công bố thông tin được lập trên cơ sở phương án cổ phần hóa đã được duyệt của TMC, bảo đảm tính công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư.

“Chúng tôi kính mong các nhà đầu tư tham khảo kỹ Bản công bố thông tin này trước khi quyết định tham gia đấu giá cổ phần của Công ty Kim loại Màu Thái Nguyên”, bản cáo bạch lưu ý!

Ông Phạm Thế Vinh, nhà đầu tư đang nắm giữ gần 20% vốn điều lệ của VIMICO cho biết, là nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông và nhiều cổ đông khác đã tham khảo kỹ lưỡng bản cáo bạch trước khi bỏ tiền mua cổ phần của TMC. Bản cáo bạch đã không đề cập bất cứ thông tin gì đến vụ việc TMC đứng ra bảo lãnh khoản vay của Công ty liên doanh Kẽm Việt Thái với Ngân hàng Eximbank Thái Lan năm 2001, với số tiền hơn 9,03 triệu USD, mà đến nay, cả gốc và lãi đã lên đến xấp xỉ 14 triệu USD.

Trong đơn kiến nghị gửi Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin, ông Phạm Thế Vinh và ông Vũ Đức Trung - 2 nhà đầu tư hiện nắm giữ gần 40% vốn điều lệ của VIMICO đã diễn giải các tài liệu liên quan đến việc cổ phần hóa TMC mà Khoáng sản - Vinacomin gửi đến các cổ đông cho thấy, vụ kiện và trách nhiệm liên quan đến khoản tiền gần 14 triệu USD của TMC không có trong nghĩa vụ phải kế thừa của VIMICO. Nhưng đến nay, Khoáng sản - Vinacomin vẫn chưa có ý kiến phản hồi đến các cổ đông chiếm một lượng lớn vốn điều lệ ở VIMICO.

Theo Luật sư Đoàn Hồng Hà (Văn phòng Luật Trí Tín), Điều 13, Nghị định số 59/2011/NĐ - CP của Chính phủ “về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần” nêu rõ: “Khi nhận được quyết định thực hiện cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản, các nguồn vốn và quỹ doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp”.

Ngoài ra, cũng theo Nghị định 59, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải trả (gồm các khoản nợ đến hạn và chưa đến hạn) trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc thỏa thuận bằng văn bản với các chủ nợ để xử lý hoặc chuyển thành vốn góp.

“Như vậy, có thể thấy, việc VIMICO ‘ỉm’ đi số nợ gần 14 triệu USD, không đưa vào bản cáo bạch là cố tình lừa dối cổ đông. Hành vi này vi phạm pháp luật và phải bị xử lý”, Luật sư Đoàn Hồng Hà nói.

Cụ thể, theo Điều 52, Nghị định 59, với những vấn đề liên quan đến quá trình cổ phần hóa được phát hiện qua công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước sau khi doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần, thì mọi tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định hiện hành. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý.

Luật sư Đoàn Hồng Hà cũng cho rằng, các cổ đông của VIMICO có thể trả lại cổ phiếu đã mua và kiện ra Tòa án kinh tế để đòi VIMICO phải bồi thường thiệt hại về lãi suất vay, thậm chí đòi bồi thường về cơ hội kinh doanh bị mất.

Gang Thép Thái Nguyên có tổng giám đốc mới
Ông Hoàng Ngọc Diệp, Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Giang Thép Thái Nguyên (TISCO) sẽ chính thức nhận vai Tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư