Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Trần Mai Hương, sáng lập 8870Link: Khó nhất là hiểu rõ bản thân mình
Hồng Phúc - 24/05/2018 09:36
 
Sau các dự án khởi nghiệp tạo nhiều sự chú ý, Trần Mai Hương, cô gái xinh đẹp và bản lĩnh, sáng lập 8870Link cho biết, cái khó nhất của người khởi nghiệp là phải hiểu rõ bản thân mình muốn gì.

Liên tục khởi nghiệp

4 năm sau khi thành lập Cocosin (năm 2012), Mai Hương bán lại toàn bộ cổ phần cho đối tác và cô hài lòng với quyết định này của mình.

Cocosin đã tạo tiếng vang trên thị trường, đặc biệt từ khách hàng trẻ, bởi một phần đến từ việc được khai sinh tại thời điểm chưa có một thương hiệu nào đưa khái niệm fast-fashion trở nên phổ biến và phù hợp với người Việt Nam. 

Trần Mai Hương, sáng lập 8870Link
Trần Mai Hương, sáng lập 8870Link

“Chúng tôi tạo ra những trang phục có đủ sự linh động (vừa có thể đi làm, đi chơi), mà vẫn đảm bảo tính ứng dụng với văn hóa đường phố (street culture) của Việt Nam. Và dĩ nhiên, không thể để sở thích của người thiết kế áp vào sản phẩm thay vì đáp ứng điều khách hàng nghĩ và mong muốn”, Mai Hương chia sẻ, cô khẳng định, đây mới là đối tượng quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp, chứ không phải bất cứ cá nhân nào khác.

Cocosin được khách hàng cũng như người trong ngành đánh giá cao và tin tưởng bởi khả năng giới thiệu những bộ sưu tập với trên 30 thiết kế mỗi tháng. Đây là một trong những nhà bán hàng có doanh số cao nhất trên Zalora vào năm 2015, cũng như vận hành 5 cửa hàng tại TP.HCM. Mai Hương còn được Tổng giám đốc Zalora mời tư vấn thiết kế và triển khai cửa hàng “click and mortar” đầu tiên của Zalora ở Bitexco...

Sau khi chuyển giao Cocosin, Mai Hương còn thành lập Fiber - một dự án sản xuất các sản phẩm đan lát từ cói và lục bình của làng nghề truyền thống tại Thanh Hóa, xuất khẩu đến các nhà hàng, khách sạn tại Mỹ, Anh, Đức, Australia, New Zealand,  Nhật Bản và châu Âu, với doanh thu hàng trăm ngàn USD/năm. Nhân công địa phương tạo nên hình thức và chất lượng sản phẩm, Mai Hương chịu trách nhiệm thương mại hóa các món hàng.

Không chỉ tạo nên những tác động và mang ý nghĩa giáo dục về bảo vệ môi trường, Fiber đã góp phần giữ gìn công ăn việc làm cho một làng nghề có gần 50 năm tuổi với khoảng 500 hộ gia đình tại Thanh Hoá. 

Cùng với đó, Hương đến New York (Mỹ) vào năm 2016 để hoàn thành văn bằng thạc sỹ về quản lý bán lẻ và làm việc tại một công ty công nghệ thời trang tại đây. 

Tiếp đó, Hương thành lập 8870Link - một công ty tư vấn, kết nối đầu tư vào các start-up tại Việt Nam, cũng như xuất khẩu sản phẩm nội địa đến nền kinh tế số một thế giới này. “So sánh với nhiều thị trường ở các quốc gia mà tôi tìm hiểu, Việt Nam rất sôi động bởi tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định từ 5-7%, chưa kể kết cấu dân số trẻ và tinh thần khởi nghiệp cao. Nhiều nhà đầu tư Mỹ muốn mở rộng lĩnh vực và danh mục đầu tư luôn tìm kiếm những thị trường mới nhộn nhịp như thế này”, cô nói về lý do thành lập 8870Link.  

Mai Hương chọn con số 8870, bởi đây là khoảng cách địa lý tính bằng dặm giữa hai thành phố New York và TP.HCM. Cô chia sẻ, nhiều nhà đầu tư Mỹ muốn tham gia vào thị trường Việt Nam, nhưng e ngại sự thiếu ổn định của chính sách. Bởi thế, họ cần có người bản địa như 8870Link hiểu “cuộc chơi”, hiểu thị trường.

Hiện, 8870Link đại diện cho một công ty sáng chế công nghệ có văn phòng tại 7 nước để thăm dò về nhu cầu giải pháp R&D tại Việt Nam. Ngoài ra, ở giai đoạn đầu, start-up này ưu tiên kết nối các sản phẩm lợi thế của Việt Nam như may mặc, thủ công mỹ nghệ, cà phê để xuất khẩu. 

“Tôi là một kẻ tò mò”

Khủng hoảng ở tuổi 25 mà mọi người thường gọi là mốc 1/4 đời người (quarter life crisis) trở thành dấu mốc tạo nên ngã rẽ để có một Trần Mai Hương cá tính, mạnh mẽ, thông minh, sắc sảo và trưởng thành như hiện tại. 

Cô gái 29 tuổi, người Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành thương mại quốc tế tại Đại học Quốc gia TP.HCM đã rơi vào trạng thái mà nhiều thế hệ từng trải qua gọi là triệu chứng không biết mình sẽ làm gì kế tiếp (What’s next’s fear symptom) ròng rã gần 600 ngày. 

“Khi 20 tuổi, ta đặt kế hoạch kiếm được bao nhiêu tiền, mua được bao nhiêu thứ, bạn bè phải là người thế nào. Nhưng đến 25 tuổi, khi đã phần nào có những điều đó rồi lại không biết làm gì tiếp theo. Mình là ai, mình đam mê gì. Khi trả lời được những câu hỏi này chính là thời điểm nhận ra mục tiêu cuộc đời mình phải thay đổi”, Mai Hương tâm sự.

Một cuộc sống quá dễ dàng cũng là một cái bẫy. Nó sẽ cản trở mình không học hỏi được nhiều và chìm vào trạng thái mọi thứ đều đều. Hương nhận ra và đi đến quyết định đi xa bằng việc chọn điểm đến là New York - thành phố có nhiều tính từ “nhất” trên thế giới như sôi động nhất, đa dạng nhất, tập hợp những người thông minh nhất, giỏi nhất và cũng đào thải nhanh nhất. 

Đây là nơi mà không ai rời khỏi nhà nếu chưa có một danh sách việc phải làm. Họ lên kế hoạch chi tiết với thời gian chính xác nhất có thể. Ở đó, mọi chi phí đều đắt đỏ, đặc biệt là thời gian. Nếu không nhạy bén, sẽ bị đào thải rất nhanh. Hương cho biết, cô hài lòng với quyết định này và thấy mình đang phát triển từng ngày.

Với cô, những mục tiêu đạt được đều xuất phát từ sự tò mò và ham học hỏi. “Tôi là một kẻ tò mò luôn đặt câu hỏi, tại sao họ làm được như vậy, do đó, tôi đặt ra hàng loạt vấn đề để tìm tòi, khám phá, cũng như nhận thức nhiều hơn về bản thân”, Hương nói.

Theo Hương, độ tuổi 25-30 là giai đoạn cực kỳ thú vị. Nếu có sự tò mò về bản thân, phụ nữ trong giai đoạn này có thể nhìn rõ được mình nhất.

“Phụ nữ ở tuổi 25-30 sẽ nhận thức chín chắn để có hành động phù hợp. Mình thích là một chuyện, còn phù hợp với mình hay không mới là điều cần quan tâm. Cũng cần biết mình đẹp hay xấu điểm nào để tôn trọng và khắc phục nó, hơn là áp đặt những thứ của người khác vào cá nhân mình”, Mai Hương chia sẻ.

Phạm Ngọc Mai Anh, CEO ADT Creative: Hành trình mang công nghệ mới về Việt Nam
Thực tế ảo, thực tế tăng cường, số hóa sản phẩm thành 3D… đang là xu hướng của thế giới. Phạm Ngọc Mai Anh, CEO ADT Creative đang nỗ lực với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư