Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Trân quý những F0 tình nguyện ở lại chăm sóc F0
D.Ngân - 13/09/2021 08:07
 
Các F0 với kinh nghiệm vượt qua dịch bệnh thật sự là nguồn lao động quý trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

Nữ điều dưỡng đặc biệt

Với những bệnh nhân Covid-19 thì những điều dưỡng chính là người rất đặc biệt, người đã giúp họ có thêm sức mạnh để chống chọi với dịch bệnh.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Linh Nhâm đang chăm sóc các F0 tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Thuận An. 

Tình nguyện vào tỉnh Bình Dương chống dịch, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Linh Nhâm đã có một tháng làm việc ở Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Thuận An. 

Ở nơi có nồng độ virus đậm đặc, điều dưỡng Nhâm không may nhiễm SARS-CoV-2, dù trước khi vào Nam chị đã được tiêm 2 mũi vắc-xin.

Đã quen với cường độ làm việc căng thẳng, nhưng khi chuyển sang chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19, điều dưỡng Nhâm vẫn cảm thấy dịch bệnh quá tàn khốc.

Nữ điều dưỡng chia sẻ, đa số những bệnh nhân vào Trung tâm Hồi sức tích cực chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 đều trong tình trạng nặng, nguy kịch hoặc có bệnh nền phức tạp.

Nhiều bệnh nhân trong số đó phải thở máy, một số ca thở oxy liều cao, số ít thở ô-xy qua mặt nạ. Có thời điểm Trung tâm được bổ sung thêm bao nhiêu giường là từng đấy bệnh nhân nặng được chuyển lên. 

Khi biết nhiễm SARS-CoV-2, theo nguyên tắc điều dưỡng Nhâm được rút ra ngoài để theo dõi và điều trị. Nhưng chị tình nguyện xin được ở lại trong khu điều trị bệnh nhân nặng tiếp tục hỗ trợ đồng nghiệp và được làm công việc phân công ban đầu.

Giải thích về lý do xin ở lại trong khu điều trị, Nhâm nói, tôi xin được ở lại trong khu vùng đỏ bởi chị cảm thấy cơ thể mình khỏe, có lẽ chỉ ở mức độ nhẹ.

Với kinh nghiệm làm điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, chị Nhâm tin tưởng sẽ hỗ trợ đồng nghiệp được nhiều hơn.

“Tôi quyết định ở lại hỗ trợ, chăm sóc người bệnh với mong muốn việc làm của mình sẽ phần nào làm giảm áp lực, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho đồng nghiệp", điều dưỡng Nhâm nói.

Công việc hàng ngày của các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 từ nặng đến nguy kịch rất vất vả. Bệnh nhân Covid-19 điều trị trong Trung tâm ICU cần chăm sóc toàn diện nên phàn việc của những nhân viên điều dưỡng như của Nhâm vất vả gấp bội phần.

Với bệnh Covid-19, bệnh nhân không có người thân ở bên cạnh. Mọi công việc chăm sóc bệnh nhân đều dồn vào đôi bàn tay của các điều dưỡng. 

Từ việc thực hiện y lệnh của bác sĩ cho đến hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc, trực tiếp thay băng, hút đờm dãi, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh.

Chị Nhâm và nhiều điều dưỡng khác đi lại như thoăn thoắt giữa các giường hồi sức tích cực. Theo dõi từng chỉ số sinh tồn bệnh nhân trên máy monitor, kiểm tra từng ống thở, tai ghé sát để nghe rõ lời bệnh nhân muốn nói.

Sau khi được xác định đã khỏi bệnh, trở về vùng an toàn, điều dưỡng Nhâm lại mặc bộ đồ bảo hộ cấp 4, đi lại như con thoi giữa các giường bệnh, mắt không rời các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, cho thuốc theo đúng y lệnh của bác sĩ.

Những thanh niên “trẻ” với suy nghĩ “già”

Từ hơn một tháng trước, nhiều F0 từng nguy kịch vượt được ranh giới mong manh đã quyết ở lại các bệnh viện điều trị Covid-19 chăm sóc các bệnh nhân nặng. 

Những F0 tình nguyện ở lại chăm sóc F0 tại Bệnh viện Dã chiến số 3, TP.HCM

Đặc biệt, sau lá thư của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi các F0 đã khỏi bệnh tham gia vào công tác phòng, chống dịch của TP.HCM thì khát vọng được chung sức sẻ chia từ các F0 đã khỏi bệnh lan tỏa mạnh hơn.

Tại Bệnh viện dã chiến số 3, phường An Khánh, TP.Thủ Đức hiện đang có một tổ tình nguyện viên rất đặc biệt. Họ là những F0 trẻ tuổi vừa điều trị khỏi bệnh nhưng với suy nghĩ nhân văn, cảm phục sự hi sinh của nhân viên y tế, thấu hiểu những khó khăn mà các bệnh nhân đang đối mặt đã tình nguyện ở lại giúp Bệnh viện chăm sóc bệnh nhân.

Công việc họ làm hàng ngày là giúp bệnh nhân trong các bữa ăn, hỗ trợ bệnh nhân uống thuốc, tập vật lý trị liệu, thay tã, ga giường, vệ sinh thân thể, theo dõi chỉ số SPO2.

Là đầu bếp có tay nghề vững vàng đang hăm hở với nhiều dự định mới thì Lê Quang Khải (sinh năm 1992, tại Thủ Đức) trở thành F0. 

Sau những ngày thu dung tập trung ở tuyến dưới, triệu chứng nặng dần, việc hô hấp ngày càng khó khăn Khải được chuyển tới Bệnh viện Dã chiến số 3. 

Sau khi khỏi bệnh F0 này đã tình nguyện ở lại điều trị F0, chung sức cùng các nhân viên y tế bởi đơn giản Khải cho rằng, khi nằm viện với những đêm trắng thảng thốt giật mình lo sợ, Khải luôn được y bác sĩ động viên kịp thời. 

“Khi chuẩn bị ra viện, hình ảnh những cụ già, người ốm yếu cứ thôi thúc trong ý nghĩ, tôi quyết định ở lại để chăm sóc những người dưng mà nay đã trở nên thân thiết này”, chàng trai trẻ nói.

Covid-19 đáng sợ là bởi nó không cho phép người bệnh có người thân bên cạnh, buộc phải cách ly một mình. Giữ tinh thần lạc quan là điều rất quan trọng để khỏi bệnh nhanh chóng, từ suy nghĩ ấy nên Khải trong quá trình chăm sóc các F0 đã thường xuyên động viên họ tự tin vượt qua bạo bệnh.

Cũng tại Bệnh viện Dã chiến số 3, giữa tiếng máy thở, tiếng lạch cạch vận chuyển bình ô-xy, Nguyễn Minh Quang (sinh năm 1988, ngụ quận Bình Tân) vừa khỏi bệnh tình nguyện ở lại chăm sóc F0 đang tận tụy chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19.

Qua lời kể của F0 này, sau nửa tháng vật lộn với Covid-19, Quang đã thoát khỏi những ngày cam go. Khi nhận được tin sắp được về nhà chợt Quang khựng lại với suy nghĩ về nhà sẽ nhớ và áy náy với các bác sĩ nhiều vì họ đã chăm sóc tận tình cho mình mà bản thân lại chưa làm được gì giúp họ. 

Vậy là chàng trai Sài thành liền xung phong ở lại điều trị F0. Trong quá trình chăm sóc F0, do có kinh nghiệm từ bản thân nên Quang hiểu bệnh nhân cần gì, mong muốn gì.

Với bệnh nhân lớn tuổi chàng trai trẻ dịu dàng động viên bệnh nhân quan tâm họ như người nhà bằng ân cần hỏi han, quan tâm.

Lướt nhanh qua giường bệnh nhân trẻ, Quang tạo niềm tin cho bệnh nhân ấy bằng cách lấy mình làm mình chứng. “Cuộc sống tươi đẹp, rộn rã ngoài kia đang chờ, hãy vui lên để nhanh khỏe”, Quang nói.

Được ra viện vì điều trị khỏi, cũng như Quang, như Khải, Khánh đã ở lại để chăm sóc F0. Quê tận Quảng Ninh, vào TP.HCM học tập, khi biết mình trở thành F0, Nguyễn Duy Khánh (20 tuổi) thấy mình như rơi vào con đường đầy bóng tối. 

Mắt Khánh cứ hoa đi vì quá căng thẳng mỗi lần nhìn thấy bệnh nhân chuyển nặng ngày càng nhiều hơn. Thậm chí chứng kiến người bên cạnh ra đi vĩnh viễn vì quá nặng Khánh sốc và buồn. 

Nhưng rồi, mọi ám ảnh đã được nhân viên y tế giúp xua tan đi. Khánh không còn sợ hãi, bệnh chuyển nhẹ nhanh chóng và bình phục hoàn toàn.

Đã từng chứng kiến các điều dưỡng lăn xả vào thay từng chiếc quần, xoa từng bàn chân, vuốt từng bắp tay, vỗ về bệnh nhân, Khánh cảm thấy mình sẽ cố gắng để làm được như các anh, chị điều dưỡng. 

Có nhiều ngày lượng bệnh nhân lớn, Khánh như đánh vật để vận chuyển những bình ô-xy đi tới đi lui các phòng bệnh. Tuy vậy, nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của các y, bác sĩ, Khánh đã hoàn thành được nhiệm vụ.

Đồng thời nhìn những cô bác bệnh nhân hôm qua mê man, hôm nay đã tỉnh lại, đó lại càng là động lực để Khánh cố gắng làm việc. Sau mỗi ngày làm việc dù mệt nhoài về thể xác nhưng Khánh tràn đầy tự tin và cảm giác hạnh phúc vì được cống hiến cho cộng đồng.

Lý giải vì sao các F0 khỏi bệnh lại được đánh giá là “nguồn lao động rất quý”, theo các chuyên gia, các trường hợp F0 được điều trị khỏi bệnh sẽ có nồng độ kháng thể nhất định trong cơ thể, có thể miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2. 

Do đó, nguy cơ tái nhiễm của họ không cao, ít nhất là trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh. Hơn nữa, theo bác sĩ tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, những F0 đã được điều trị khỏi bệnh ít nhiều đều có kinh nghiệm vượt qua bệnh tật. 

Từ trải nghiệm của bản thân trong quá trình là bệnh nhân, họ sẽ biết được những gì mà một bệnh nhân Covid-19 sẽ phải trải qua. 

Họ hiểu tâm lý, nhu cầu của người bệnh, nên họ sẽ là những người tốt nhất, gần gũi bệnh nhân và có những hỗ trợ thiết thực nhất. 

Tất cả điều đó khiến họ rất thông thạo trong các công đoạn chăm sóc người bệnh, nên việc chăm sóc và tư vấn người bệnh sẽ tốt hơn tình nguyện viên bình thường.

Bên cạnh đó, bản thân những F0 đã khỏi bệnh còn là một liều thuốc tinh thần quý giá cho các F0 đang điều trị. 

Nhìn vào họ - người đã từng bị dương tính, đã khỏi bệnh và khỏe mạnh bình thường, chắc hẳn những người bệnh cũng sẽ lấy đó làm động lực, có niềm tin để vượt qua những lúc khó khăn nhất; giúp họ lạc quan trong thời gian điều trị để có những kết quả tốt nhất trong quá trình chiến đấu với kẻ thù vô hình này.

Không để dự án, công trình bị gián đoạn bởi Covid-19
Các địa phương tại miền Trung cũng đã có những biện pháp vừa đảm bảo phòng chống, dịch, vừa giúp các công trình, dự án, dây chuyền sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư