Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tranh giành “miếng bánh” Edtech 3 tỷ USD
Tú Ân - 03/04/2022 10:27
 
Hơn 200 doanh nghiệp, start-up trên thị trường giáo dục trực tuyến đang cạnh tranh để giành thị phần Edtech (công nghệ giáo dục) trị giá 3 tỷ USD.
Nhu cầu học trực tuyến tăng cao do dịch bệnh tạo cơ hội lớn cho Edtech phát triển.  Ảnh: Đức Thanh

Thỏi nam châm Edtech

Cách đây ít ngày, Do Ventures công bố đầu tư vào vòng gọi vốn Series A của Ringle (Hàn Quốc) để mở rộng hoạt động của công ty này tại thị trường Việt Nam. Trước đó, Do Ventures cũng đổ vốn vào nền tảng VUIHOC, một trong những nền tảng giáo dục online đầu tiên tại Việt Nam và đầu tư vào Manabie, mô hình học hỗn hợp (blended learning) gồm ứng dụng di động. Các thương vụ đều không tiết lộ số vốn.

Năm 2021, Edtech là một trong những lĩnh vực nóng bỏng, nhận được vốn đầu tư lớn. Điển hình nhất là thương vụ EQuest Education Group, tổ chức giáo dục tư nhân chuyên đào tạo tiếng Anh và đào tạo số, nhận được 100 triệu USD vốn đầu tư từ KKR của Mỹ.

Bên cạnh đó, hàng loạt thương vụ như Mind X nhận khoản tiền đầu tư trị giá 3 triệu USD, do Quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners dẫn dắt; Elsa Speak nhận vốn đầu tư 15 triệu USD từ Mỹ, trong đó có các quỹ đầu tư của Google; Clevai

Vietnam, một start-up về giáo dục trực tuyến nhận được khoản đầu tư trị giá 2,1 triệu USD từ Altara Venture; CoderSchool, start-up chuyên dạy lập trình trực tuyến gọi được khoản đầu tư trị giá 2,6 triệu USD; Educa Corporation, start-up hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục tiếng Anh nhận được 2 triệu USD từ Quỹ Redefine Capital Fund; Marathon, start-up dạy thêm trực tuyến của Việt Nam gọi được 1,5 triệu USD vốn đầu tư từ Forge Ventures, Venturra Discovery; Astrid (Thụy Điển) gọi thành công 5,3 triệu USD cho mảng học trực tuyến để bước chân vào thị trường Edtech Việt Nam…

Ken Research dự báo, quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 - 2023. Theo báo cáo Công nghệ giáo dục Việt Nam 2021, Việt Nam nằm trong Top 10 thị trường Edtech có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, với 44,3%.

“Tổng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp Edtech Việt Nam vào năm 2023 sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD. Thị trường Edtech còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi phí cho giáo dục”, bà Phạm Minh Tú, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone, Tổng công ty Viễn thông MobiFone nhận định.

Edtech lại “hot”, nhưng không dễ hốt?

Yếu tố đầu tiên được nhận định là quy mô, nhu cầu thị trường lớn. Hiện có khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên; 30.000 trường học và 10.000 cơ sở đào tạo; 1,4 triệu giáo viên và hơn 90% học sinh sử dụng smartphone, máy tính hoặc laptop để phục vụ học tập. Việt Nam có 51 triệu người đi làm và có nhu cầu đào tạo, nâng cao năng lực làm việc. Hơn 2 triệu người  đang tham gia học qua mạng Internet (không tính học sinh, sinh viên học trực tuyến do Covid-19).

Theo dự báo của MarketsandMarkets, thị trường Edtech toàn cầu sẽ đạt 181,3 tỷ USD vào năm 2025, gấp hơn 2 lần so với con số 85,8 tỷ USD năm 2020, với mức tăng trưởng kép hàng năm là 16,1%.

Mặt khác, nếu như năm 2021, ngành giáo dục thích nghi với đại dịch, thì bước sang năm 2022, Edtech sẽ là công nghệ tiên phong khi nhu cầu sử dụng các nền tảng công nghệ trong lĩnh vực này trở thành nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, Edtech sẽ tiếp tục là xu hướng phổ biến.

Ông Nguyễn Trí Hiển, CEO Công ty cổ phần Thiên Hà Xanh cho biết, khi Covid-19 bùng phát, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một loạt chính sách ủng hộ phát triển thị trường Edtech. Chẳng hạn, kết quả học tập, thi cử từ xa được công nhận, hay các thí nghiệm ảo cũng được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có rất nhiều sản phẩm Edtech đoạt giải thưởng trong và ngoài nước, thu hút được lượng người dùng lớn, như Azota có khoảng 46 triệu truy cập hàng tháng và lọt Top 37 Edtech lớn nhất thế giới.

Còn bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures cho rằng, dưới tác động của dịch Covid-19, học trực tuyến đã trở thành thiết yếu. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các start-up trong lĩnh vực Edtech tạo ra đột phá theo hướng tận dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Machine Learning (máy học) để nâng cao trải nghiệm cho học sinh, nhà trường, nhất là việc đề xuất chương trình học phù hợp năng lực, mục tiêu của từng học sinh.

Mặc dù nhận định thị trường có tiềm năng lớn, nhưng không phải hoàn toàn màu hồng. Rất dễ để nhận thấy, với miếng bánh lớn, thị trường sẽ có nhiều doanh nghiệp tiềm năng lớn tham gia, nên áp lực cạnh tranh là rất lớn trong giai đoạn tới. Mặt khác, giáo dục là ngành đầu tư dài hạn, đòi hỏi có chiến lược và sự kiên nhẫn.

“Tiềm năng thị trường Edtech lớn, nhưng rất cạnh tranh. Phát triển Edtech phải đổ vốn rất nhiều, cần một hệ sinh thái hỗ trợ để phát triển”, bà Phạm Minh Tú chia sẻ.

Các chuyên gia cho rằng, phần lớn doanh nghiệp trên thị trường Edtech Việt hiện chỉ tập trung vào việc đào tạo tiếng Anh. Họ xem tiếng Anh là thị trường béo bở, đầu tư vào thị trường này sẽ bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nhưng phân khúc này thực sự quá chật chội, trong khi nhiều phân khúc khác đang bỏ ngỏ, như đào tạo kỹ năng cho người già, người đang đi làm…

Tựu trung, Edtech đang hút vốn, được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Tiềm năng thị trường lớn, nhiều phân khúc ngách đang bỏ ngỏ, nhưng cạnh tranh cũng rất lớn. Đó là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Thị trường giáo dục trực tuyến: Thời điểm vàng đổ vốn đầu tư
Với quy mô 2 tỷ USD và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, thị trường giáo dục trực tuyến (E-learning) Việt Nam đang thu hút sự quan tâm cùng nguồn vốn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư