Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Trồng rau thủy canh công nghệ cao, hợp tác xã tại Nghệ An thu về lợi nhuận lớn
Nguyễn Linh - 20/07/2024 09:15
 
Tại Hợp tác xã Duy Tân, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao tạo ra những sản phẩm rau sạch, chất lượng, góp phần vào xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại.

Theo đó, phương pháp thủy canh được Hợp tác xã Duy Tân áp dụng để trồng nhiều loại rau sạch trong hệ thống nhà màng rộng lớn. Những luống rau được tưới bằng hệ thống nhỏ giọt tự động và phát triển mạnh mẽ nhờ vào công nghệ hiện đại. Những hàng rau xanh mướt trong nhà màng, cùng với quy trình sản xuất sạch sẽ và tinh tế, khiến nhiều người ghé thăm thích thú.

Hợp tác xã Duy Tân được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2022, với tổng vốn đầu tư lên đến 3,6 tỷ đồng. Diện tích hợp tác xã hiện tại là 6,5 ha, trong đó 3,5 ha đã được đưa vào sản xuất, và 3 ha đang trong quá trình mở rộng. Đặc biệt, hơn 1 ha đất đã được sử dụng để trồng rau thủy canh trong nhà màng, với hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, giúp cây trồng phát triển đều đặn và hiệu quả.

Bà Dương Thị Liên, Giám đốc hợp tác xã cho biết phương pháp thủy canh mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với phương pháp truyền thống. Không chỉ tiết kiệm được công sức trong khâu làm đất, mà còn hạn chế tối đa tác động của sâu bệnh, côn trùng gây hại. Bà Liên cũng cho biết việc theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của cây rau giúp hợp tác xã điều chỉnh dinh dưỡng kịp thời, tạo ra các sản phẩm chất lượng và đạt năng suất cao.

Quy trình sản xuất rau của hợp tác xã tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy tắc, đảm bản sản phẩm sạch, an toàn.

Với quy trình sản xuất hiện đại, mỗi năm Hợp tác xã Duy Tân thu hoạch hàng trăm tấn rau sạch, bao gồm các loại rau cải, xà lách, rau muống, mồng tơi, dưa chuột và cà chua. Các loại rau củ được trồng theo từng mùa, đảm bảo sản phẩm luôn tươi ngon, đa dạng và đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng lợi nhuận mang lại từ việc trồng rau thủy canh khiến hợp tác xã hoàn toàn tự tin mở rộng quy mô sản xuất.

Hợp tác xã Duy Tân cũng luôn tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Quy trình từ chọn giống đến thu hoạch đều được kiểm soát kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng. Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất trừ sâu, hợp tác xã thay thế bằng các chế phẩm sinh học, giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh và không bị nhiễm sâu bệnh. Ngoài ra, các loại hạt giống đều được chọn lọc kỹ lưỡng, có nguồn gốc rõ ràng và không nhiễm khuẩn.

Trong quy trình trồng rau thủy canh, cây con được ươm mầm bằng xơ dừa trong khoảng 12 ngày, sau đó chuyển sang hệ thống thủy canh. Sau 20 - 22 ngày, cây rau đã đạt tiêu chuẩn để thu hoạch. hợp tác xã sản xuất theo phương pháp cuốn chiếu, đảm bảo mỗi ngày đều có sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Nguồn dinh dưỡng dùng để nuôi cây cũng được nhập khẩu từ các nước phát triển, với đủ các yếu tố vi, đa và trung lượng, giúp cây phát triển ổn định, giữ được hương vị tự nhiên.

Hiện tại, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng cung cấp rau củ sạch cho hệ thống trường học trên địa bàn huyện Đô Lương, đồng thời mở rộng thị trường ra các nhà hàng và thương lái lớn. Trong thời gian tới, khi quy mô sản xuất được mở rộng, hợp tác xã sẽ hướng đến việc đưa sản phẩm vào các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị trong và ngoài tỉnh Nghệ An.

Bà Dương Thị Liên cho biết, sự hỗ trợ từ các cấp Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã giúp hợp tác xã rất nhiều trong việc triển khai và phát triển mô hình trồng rau thủy canh. Với sự tin tưởng của người tiêu dùng và cam kết sản xuất các sản phẩm an toàn, bà Liên tự tin rằng Hợp tác xã Duy Tân sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Ông Nguyễn Công An, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đô Lương, cho biết ngay từ khi thành lập, Hội Nông dân đã xây dựng kế hoạch vận động và hỗ trợ việc thành lập hợp tác xã sản xuất rau củ quả theo công nghệ sinh học, đặc biệt là ứng dụng phương pháp trồng rau thủy canh và tưới nhỏ giọt. Hội cũng đã vận động các hội viên nông dân tích tụ, góp ruộng đất để xây dựng mô hình hợp tác xã này.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân còn hỗ trợ Hợp tác xã Duy Tân tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, tập trung vào quy trình sản xuất rau củ theo công nghệ mới. Đặc biệt, hợp tác xã được hướng dẫn sử dụng lò đốt than sinh học BIOCHAR và ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh, giúp cải thiện chất lượng đất và cây trồng, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, Hội Nông dân còn cung cấp men vi sinh cho hợp tác xã để ủ phân hữu cơ, đồng thời cấp lò đốt than sinh học BIOCHAR, giúp hợp tác xã tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ. Đây là yếu tố quan trọng giúp cây trồng phát triển tốt mà vẫn bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, Hội Nông dân huyện cũng tổ chức các hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm của hợp tác xã, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm. Việc định hướng phát triển của Hội đã giúp Hợp tác xã Duy Tân từng bước khẳng định được vị thế và uy tín trên thị trường nông sản sạch.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đô Lương sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Hợp tác xã Duy Tân mở rộng mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Hợp tác xã nông nghiệp nỗ lực đưa công nghệ sạch vào sản xuất
Là đầu tàu trong nền kinh tế tập thể tại các địa phương, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội luôn đồng hành với các hợp tác xã trong hoạt động đổi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư