Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Truyền thông lan tỏa giá trị nhân văn của bảo hiểm xã hội
Nam Khánh - 21/06/2023 19:26
 
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… tiếp tục tăng là nỗ lực lớn của ngành bảo hiểm xã hội và sự đồng thuận của toàn xã hội. Trong đó, truyền thông báo chí là cánh tay nối dài, lan tỏa những giá trị tích cực của công tác an sinh xã hội tới cộng đồng.
Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao quà của ngành cho người lao động gặp khó khăn
Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao quà của ngành cho người lao động gặp khó khăn

Cánh tay nối dài và lan tỏa…

Trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định, công tác truyền thông chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội ngày càng được coi trọng, đổi mới cả về nội dung, hình thức theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm chủ thể, đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, trong đó tập trung vào nhóm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc.

Qua đó, truyền thông góp phần tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức, thực hiện chính sách; giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; truyền cảm hứng, giúp người dân hiểu giá trị, ý nghĩa nhân văn của chính sách để vận động tham gia mạng lưới an sinh xã hội một cách chủ động hơn.

Đặc biệt, 5 tháng đầu năm 2023, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước và thế giới. Song với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, cùng với sự chỉ đạo, phối hợp của nhiều cấp, ngành, địa phương, trong đó có công tác truyền thông, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, sự đồng thuận và tin tưởng vào bảo hiểm xã hội còn đến từ những cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đều tăng, nhưng việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng. Qua đó, đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Tính đến hết tháng 5/2023, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2022, với khoảng 17,47 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, ngành bảo hiểm xã hội đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm y tế và đạt kết quả tích cực với khoảng 90,69 triệu người tham gia, tăng 4,43 triệu người so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 178.772 tỷ đồng.

Kết quả, 5 tháng đầu năm 2023, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết 26.014 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 547.989 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần; giải quyết 3.638.974 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội giải quyết 376.023 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; trong đó 368.028 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 7.995 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.

Bên cạnh đó, ngành đã thực hiện tốt công tác tác giải quyết, chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho 69,7 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tương ứng số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 47.466 tỷ đồng.

Đặc biệt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính thực hiện xử lý nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế và kinh phí hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và khó khăn, vướng mắc trong sử dụng trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ các trang thiết bị này cơ bản được giải quyết.

Truyền thông sâu rộng và cải cách hành chính mạnh mẽ là những nguyên nhân quan trọng khiến công tác bảo hiểm xã hội tiếp tục thành công trong bối cảnh khó khăn
Truyền thông sâu rộng và cải cách hành chính mạnh mẽ là những nguyên nhân quan trọng khiến công tác bảo hiểm xã hội tiếp tục thành công trong bối cảnh khó khăn

Lấy người dân làm trung tâm phục vụ

Với phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác cải cách hành chính, số hóa các thủ tục và công tác phổ cập thông tin bảo hiểm đến mọi đối tượng dân cư. Ngành thường xuyên rà soát, cắt giảm hồ sơ, thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện; 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từng bước tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện tốt Đề án 06 của Chính phủ; đa dạng hình thức tiếp nhận hồ sơ (trực tuyến, trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công ích) vì sự hài lòng của tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách.

Đặc biệt, từ công tác tuyên truyền, phổ biến đến mọi người dân về ích lợi của việc sử dụng dịch vụ bảo hiểm y tế qua thẻ căn cước công dân gắn chíp, cũng như triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống y tế, tính đến nay, trên toàn quốc đã có 12.444 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, đạt 97,09% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc), với hơn 27 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hoàn thiện, bổ sung ứng dụng VssID-bảo hiểm xã hội số, có hơn 28,8 triệu tài khoản được phê duyệt và kích hoạt sử dụng.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, công tác thông tin, truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Quyết định số 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các cấp, các ngành; tạo sự đồng thuận trong tổ chức thưc hiện và củng cố thêm niềm tin, sự yên tâm của nhân dân vào chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; qua đó chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

“Sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần quan trọng trong việc lan tỏa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tới mọi tầng lớp nhân dân, giúp gia tăng nhận thức và niềm tin của nhân dân vào chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng sâu sắc, từ đó góp phần thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân của Đảng và Nhà nước ta”, Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.

Suy nghĩ về con số gần 1 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần
Đã có 997.470 người rút bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2022, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi con số này của năm 2019 chỉ là 500.000...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư