Bước ngoặt đưa kinh tế cất cánh
Theo số liệu từ DHMI, năm 2004, sản lượng khách du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ đạt 45 triệu lượt, tăng 30,7% so với cùng kỳ và đến năm 2005 tốc độ tăng trưởng đạt 23,3% với 55,5 triệu hành khách.
Số liệu năm 2005 cho thấy, ngành hàng không đã tạo ra 80.000 việc làm, mang về doanh thu 300 triệu USD cho các công ty dịch vụ mặt đất. Ấn tượng hơn là 71,7% trên tổng số 17,5 triệu du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ năm 2004 bằng đường hàng không đã mang về gấp đôi doanh thu cho ngành du lịch. Đến năm 2018, ngành hàng không đã đóng góp đến 44,8 tỷ USD cho GDP Thổ Nhĩ Kỳ.
Với vai trò quan trọng của hạ tầng hàng không, Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng đến xây dựng thêm sân bay tại nhiều vị trí chiến lược trong du lịch, vận chuyển nhằm tăng doanh thu, đưa con số 202 triệu du khách đến bằng đường hàng không mỗi năm gia tăng theo cấp số nhân.
|
Sân bay Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh Shutterstock. |
Tương tự Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp cũng là quốc gia hưởng lợi từ ngành hàng không khi không chỉ chú trọng xây dựng các sân bay quốc tế tại trung tâm thủ đô, thành phố lớn, mà còn ở cả những điểm du lịch trên núi cao, có địa hình phức tạp.
Minh chứng rõ nét nhất có thể kể đến dãy núi An pơ nổi tiếng với những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tuyệt đẹp và đẳng cấp như Meribel, Courchevel, Tignes & Val d’Isere… Những khu nghỉ dưỡng sang trọng này thu hút hàng trăm nghìn tới hàng triệu lượt khách, vận động viên vào mỗi mùa đông.
Có tới 5 sân bay nội địa và quốc tế giúp kết nối khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới tới dãy núi nổi tiếng này như Geneva, Grenoble-Isère, Annecy Haute-Savoie, Lyon Saint Exupéry, Chambéry Savoie Mont Blanc…
Chỉ riêng sân bay Chambéry Savoie Mont Blanc dù chỉ hoạt động chủ yếu với các chuyến bay charter trong những tháng mùa đông và tấp nập nhất vào cuối tuần song đã đón khoảng 200.000 người trượt tuyết năm 2018.
Nhờ vị trí thuận tiện, tiết kiệm thời gian so với di chuyển bằng tàu (khoảng gần 9 tiếng từ London), xe bus (20 tiếng) thì di chuyển thông qua sân bay Chambéry chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ giúp gia tăng lượng lớn du khách Anh, Nga tới nghỉ dưỡng, trượt tuyết tại dãy An pơ.
Cần thêm những đường băng cho kinh tế Việt Nam
Ở Việt Nam, câu chuyện sân bay chắp cánh cho kinh tế địa phương không hiếm. Như với Phú Quốc. Trước khi trở thành thành phố đảo đầu tiên ở Việt Nam phát triển theo mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, du lịch hàng đầu Châu Á thì nơi đây vốn là một huyện đảo nghèo. Dù sở hữu vị trí thuận tiện kết nối tới nhiều quốc gia trong khu vực song đảo Ngọc chưa thật sự phát triển khi chỉ giao thương thông qua đường hàng hải.
Theo UBND huyện Phú Quốc, năm 2010, lượng khách đến huyện Phú Quốc khoảng 300.000 lượt. Đến năm 2014, sau gần 2 năm sân bay quốc tế Phú Quốc chính thức đi vào hoạt động, hòn đảo thiên đường này đã đón trên 600.000 lượt du khách với 125.000 khách quốc tế, tăng đến 21,5% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch của Phú Quốc đạt hơn 2.200 tỷ đồng, vượt hơn 11% kế hoạch và tăng trên 84% so với năm 2013.
Phú Quốc được hưởng lợi lớn từ hạ tầng sân bay. Ảnh Shutterstock. |
Đến nay, mục tiêu đón 7, 8 triệu lượt khách với doanh thu gấp 2, 3 lần so với trước đây không hề xa vời.
Từ đường băng năm 2012, đảo Ngọc không ngừng cất cánh, thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư, phát triển, biến vẻ đẹp tiềm ẩn, hoang sơ trở thành điểm đến du lịch hàng đầu khu vực, thậm chí soán ngôi Bali, Phuket để tổ chức đám cưới cho tỷ phú Ấn Độ.
Những điểm đến giàu tiềm năng để phát triển du lịch ở Việt Nam như Phú Quốc không ít. Đặc biệt là những vùng núi như Tây Bắc, Tây Nguyên. Đây đều là những địa phương hội tụ nhiều thắng cảnh thu hút du lịch. Các tour tham quan, trải nghiệm mùa lúa chín, chiêm ngưỡng cổng trời, ngắm nhìn thiên nhiên kỳ vĩ từ đỉnh núi hay qua đêm giữa cánh đồng thơm mùi lúa, ngắm dải ngân hà rực rỡ thu hút không ít du khách trong và ngoài nước.
Song vì địa hình phức tạp khiến việc giao thương đến các tỉnh miền núi như Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Đăk Nông… vẫn còn nhiều cản trở. Bởi vậy, ngay khi thông tin Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Sa Pa giai đoạn đến năm 2030, nhiều người dân Lào Cai và du khách vô cùng phấn khởi.
Khi sân bay đi vào hoạt động, du khách từ Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Cần Thơ hay thậm chí các quốc gia trong khu vực… sẽ không mất thời gian trung chuyển qua Hà Nội.
Hạ tầng sân bay vẫn luôn là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế. Ảnh Shutterstock. |
Nhìn vào những ví dụ thực tiễn trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, hay những thống kê chi tiết của Hiệp hội Hàng không quốc tế khi hàng không vận chuyển gần 2 tỷ lượt hành khách mỗi năm và 40% kim ngạch xuất khẩu liên vùng hàng hóa (theo giá trị) sẽ thấy việc phát triển hạ tầng hàng không vừa để tăng cường hạ tầng kết nối, thúc đẩy du lịch, vận tải, vừa gián tiếp đem lại những giá trị khác về mặt kinh tế cũng như an sinh xã hội; tạo ra việc làm cho lao động địa phương và mở ra những cơ hội để nền kinh tế địa phương khỏe và phát triển bền vững hơn.
Việt Nam hiện có 22 sân bay đang hoạt động. Đặc biệt, có duy nhất sân bay Vân Đồn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, vận hành. Để Việt Nam khai thác triệt để lợi thế về thiên nhiên giàu đẹp thì việc phát huy tạo thêm nhiều đường băng hạ tầng là mắt xích quan trọng.