Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Tường minh Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Anh Minh - 13/11/2024 07:54
 
Các nội dung liên quan đến Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa được Bộ Giao thông - Vận tải làm rõ theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Phối cảnh đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Làm rõ hướng tuyến dự án

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 12153/BGTVT-KHĐT gửi Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, Bộ này cho biết, đã nghiên cứu, rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

“Nội dung tiếp thu, giải trình không làm thay đổi mục tiêu, phạm vi, quy mô, giải pháp thiết kế sơ bộ, công nghệ, tổng mức đầu tư, tiến độ… của Dự án như đã trình tại Tờ trình số 685/TTr-CP ngày 19/10/2024 của Chính phủ”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kết luận số 1049/KL-UBTVQH15 ngày 8/11/2024 về chủ trương đầu tư Dự án, Tổng Thư ký Quốc hội ban hành Thông báo số 4613/TB-TTKQH ngày 8/11/2024 về chủ trương đầu tư Dự án; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ban hành Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 3305/BC-UBKT15 ngày 6/11/2024 về chủ trương đầu tư Dự án.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV; thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt để thực hiện Dự án. 

Để hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu, giải trình theo 6 nhóm vấn đề: rà soát tổng mức đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ; đánh giá các yếu tố tác động đến thực hiện dự án; hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; thuyết minh thêm về công nghệ, chuyển giao công nghệ và các điều kiện triển khai; rà soát dự báo nhu cầu vận tải; các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.

“Đây cũng là những nhóm nội dung trọng yếu, ảnh hưởng lớn đến tính khả thi, tiến độ triển khai của Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam”, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt - đơn vị được giao nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cho biết.

Tại Công văn số 12153/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát tổng mức đầu tư, trong đó có suất đầu tư của một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có tính chất tương tự về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật; rà soát phương pháp tính của các hạng mục chi phí; khối lượng của thiết kế sơ bộ, khối lượng giải phóng mặt bằng trong bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi…

Cụ thể, Bộ GTVT khẳng định, phương pháp tính các hạng mục chi phí cơ bản đã phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và các điều kiện kinh tế vĩ mô tại thời điểm hiện nay; chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư đã được xác định trên cơ sở khối lượng sơ bộ giải phóng mặt bằng và đơn giá ước tính trên cơ sở tham khảo giá đất của một số dự án; khối lượng được xác định theo thiết kế sơ bộ.

Kết quả rà soát tính toán sơ bộ vẫn giữ nguyên tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 67,34 tỷ USD. Đây là tổng mức đầu tư được tính theo quy định của pháp luật về xây dựng và các điều kiện kinh tế vĩ mô tại thời điểm hiện nay.

Tại Công văn số 12153/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT cũng làm rõ việc lựa chọn hướng tuyến đường sắt tốc độ cao, trong đó có hướng qua TP. Nam Định. Cụ thể, hướng tuyến qua tỉnh Nam Định đã được nghiên cứu đảm bảo phù hợp quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch các vùng và quy hoạch tỉnh.

Trong quá trình nghiên cứu, cũng đã đưa ra 3 phương án để phân tích so sánh lựa chọn. Trong đó, tại phương án 1 - hướng tuyến tiếp cận gần trung tâm TP. Nam Định, vị trí ga cách trung tâm thành phố khoảng 5 km; phương án 2, hướng tuyến đi cách xa trung tâm TP. Nam Định, vị trí ga cách trung tâm thành phố khoảng 12 km; phương án 3 - duỗi thẳng hướng tuyến kết nối trực tiếp Hà Nam - Ninh Bình, hướng tuyến không đi qua Nam Định.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, với vai trò là trung tâm phía Nam vùng Duyên hải Bắc bộ, TP. Nam Định có quy mô dân số quy hoạch đến năm 2040 khoảng 600.000 dân, là đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn, vùng hấp dẫn các địa phương lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên... lên đến khoảng 4 triệu người; theo dự báo đến năm 2050, nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng gần 3 triệu khách/năm.

Nếu tính chi phí đầu tư và vận hành khai thác trong 30 năm, đoạn tuyến qua Nam Định (12 km) sẽ có chi phí khoảng 1,66 tỷ USD, lợi ích thu được ước đạt 2,06 tỷ USD. Như vậy, việc khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao qua khu vực TP. Nam Định có lợi ích ước tính đạt khoảng 400 triệu USD trong vòng 30 năm so với việc tuyến đường sắt tốc độ cao đi thẳng và không đi qua khu vực này.

“Kinh nghiệm thế giới đã cho thấy, có nhiều trường hợp tuyến đường sắt tốc độ cao đi vòng qua các trung tâm lớn để thu hút hành khách, thay vì đi thẳng như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức”, Công văn số 12153/BGTVT-KHĐT nêu rõ.

Rõ thêm khả năng tham gia của doanh nghiệp nội địa

Tại công văn nêu trên, Bộ GTVT làm rõ việc đáp ứng về công nghệ, nhân lực, vật liệu, nhu cầu điện trong quá trình xây dựng, khai thác, sử dụng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo tính toán của tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sơ bộ nhu cầu vật liệu cần cung cấp cho Dự án vào 3,5 triệu tấn thép, 6,72 triệu tấn xi măng, 17,4 triệu m3 đá, 80 triệu m3 đất đắp và 9,7 triệu m3 cát và trong nước cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Riêng đối với ray và ghi đường sắt, một số tập đoàn trong nước đang nghiên cứu đầu tư sản xuất, có khả năng cung cấp các vật tư này trong thời gian tới. Đối với phương tiện, thiết bị công nghệ về đầu máy, toa xe, tín hiệu điều khiển chạy tàu..., trong nước chưa thể cung cấp, nhưng trên thế giới có nhiều đối tác cung cấp. Đối với thiết bị thông tin, tín hiệu thông thường và điện, trong nước có thể cung cấp phần lớn.

Về cung cấp năng lượng, dự kiến tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sử dụng điện xoay chiều một pha, AC 25 kV. Theo báo cáo của tư vấn, nguồn cung cấp điện cho đường sắt tốc độ cao phù hợp với Quy hoạch Điện VIII.

Trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục khảo sát chi tiết để xác định cụ thể nhu cầu, khả năng cung cấp vật tư, vật liệu, thiết bị trên thị trường trong và ngoài nước bảo đảm có thể cung cấp cho Dự án, đáp ứng yêu cầu tiến độ; làm việc cụ thể với các địa phương, các nhà cung cấp trong nước để xác định khả năng huy động tối đa nguồn lực cho Dự án.

Một nội dung kiến nghị khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Bộ GTVT ưu tiên làm rõ là việc chuyển giao công nghệ, từng bước làm chủ công nghệ đường sắt; làm chủ về nguyên vật liệu, các điều kiện đảm bảo khác trong quá trình xây dựng và quá trình đưa Dự án vào khai thác, sử dụng.

Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, kinh nghiệm thế giới và nghiên cứu cho thấy, phát triển công nghiệp hiệu quả phải có quy mô thị trường đủ lớn và trình độ phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ. Do đó, để đảm bảo quy mô thị trường đủ lớn và hiệu quả tổng thể, định hướng phát triển công nghiệp đường sắt được nghiên cứu không chỉ cho đường sắt tốc độ cao, mà cả đường sắt quốc gia (khoảng 4.000 km) và đường sắt đô thị (khoảng 1.114 km).

Theo ước tính của tư vấn, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD; tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD).

Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện các dự án cải tạo nâng cấp các đoàn tàu hiện có để phục vụ du lịch, đã mua thiết kế, nhập khẩu thiết bị và kết hợp một số nhà cung cấp các sản phẩm công nghiệp để đóng mới đoàn tàu tốc độ thiết kế 120 km/h.

Đồng thời, Bộ GTVT đã làm việc với một số doanh nghiệp trong nước như Tổng cục Công nghiệp (Bộ Quốc phòng), Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Thành Công... để định hướng các doanh nghiệp có chiến lược và chủ động chuẩn bị nguồn lực tham gia quá trình triển khai và phát triển công nghiệp đường sắt sau này.

Căn cứ trình độ và định hướng phát triển các ngành công nghiệp, quy mô thị trường và đặc biệt là hiệu quả của việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất định hướng phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2045 theo 4 bước gồm: làm chủ về công nghiệp xây dựng; lắp ráp trong nước và từng bước nội địa hóa phương tiện đối với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện; làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì, sửa chữa đường sắt tốc độ cao.

Bên cạnh đó, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã đề xuất một số cơ chế chính sách cần thiết để phát triển công nghiệp đường sắt như: danh mục sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ Dự án thuộc đối tượng giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam; doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc doanh nghiệp Việt Nam khác được đặt hàng cung cấp sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải quy định điều khoản cụ thể về lộ trình, nội dung chuyển giao công nghệ đối với tổng thầu, nhà thầu; ưu tiên lựa chọn tổng thầu, nhà thầu cam kết chuyển giao công nghệ mới, hiện đại. “Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu trong các bước tiếp theo về công nghệ và chuyển giao công nghệ, từng bước làm chủ công nghệ đường sắt; làm chủ về nguyên vật liệu, nhằm đáp ứng mục tiêu tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Bắt đầu thẩm định Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ phải gửi ý kiến thẩm định chính thức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư