Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 19 tháng 10 năm 2024,
Nợ công và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Nguyễn Lê - 19/10/2024 08:28
 
Dự kiến, các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2024 nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội quyết định. Nếu triển khai Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, thì nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia đều thấp hơn mức cho phép.
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng mức đầu tư sơ bộ là 1.713.594 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Ảnh minh họa: ChatGPT 

Dư nợ nước ngoài giảm dần

Chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, theo dự kiến, sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, khai mạc sáng 21/10 tới.

Dù tổng mức đầu tư sơ bộ của siêu dự án này là 1.713.594 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), nhưng một số chuyên gia cho rằng, với tiềm lực hiện tại, Việt Nam sẽ tránh được nguy cơ rơi vào “bẫy nợ” như một số nước vay vốn nước ngoài.

Nhìn vào Báo cáo về tình hình nợ công của Chính phủ vừa gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, thì nhận định này có cơ sở.

Theo chỉ tiêu đã được Trung ương, Quốc hội cho phép, trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP. Trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45% GDP, còn trần nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45% GDP.

Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2024 nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội quyết định. Cụ thể, nợ công/GDP ước thực hiện 36 - 37%. Nợ chính phủ khoảng 33 - 34%/GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia/GDP là 32 - 33%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21 - 22%/thu ngân sách nhà nước. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 8 - 9%/kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, về cơ cấu, Chính phủ cho hay, nợ trong nước chiếm 76% dư nợ Chính phủ, trong đó chủ yếu là trái phiếu chính phủ.

Đến ngày 30/6/2024, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ của khối công ty bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các quỹ đầu tư, công ty tài chính đạt 62,5% tổng dư nợ, còn lại là các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư khác.

Nợ nước ngoài ước chiếm 24% dư nợ chính phủ, chủ nợ chủ yếu là các đối tác phát triển song phương và đa phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á. Danh mục nợ nước ngoài chủ yếu là các khoản vay ODA, vay ưu đãi đã ký có kỳ dài hạn, lãi suất ưu đãi.

“Việc trả nợ của Chính phủ năm 2024 được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ cũng nhìn nhận một số hạn chế, như chi phí vay nước ngoài đang cao hơn so với chi phí vay bình quân trong nước và tiềm ẩn rủi ro về biến động tỷ giá giữa đồng ngoại tệ/nội tệ. Giải ngân vốn đầu tư công, vốn nước ngoài đạt thấp, ước giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng của cả nước đạt 47,29% kế hoạch, trong đó giải ngân vốn nước ngoài đạt 24,33% kế hoạch.

Theo Chính phủ, những hạn chế trên do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, các vướng mắc liên quan đến đầu tư công, đấu thầu vẫn chưa được xử lý triệt để, trong khi yêu cầu phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật trong nước đối với các thỏa thuận vay.

Với năm 2025, dự báo được Chính phủ đưa ra là đến cuối năm, dư nợ công ở mức 36 - 37% GDP, nợ chính phủ ở mức 34 - 35%, nợ nước ngoài 33 - 34%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 24%...

Dự kiến, tổng nhu cầu vay của Chính phủ năm 2025 ở mức 815.238 tỷ đồng, tăng 20,6% so với kế hoạch vay của Chính phủ năm 2024. Trong đó, vay của ngân sách trung ương cho bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 804.242 tỷ đồng, tăng 21,9% so với dự toán năm 2024; còn lại là vay nước ngoài về cho vay lại.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ được dự kiến khoảng 468.542 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 361.142 tỷ đồng, trả nợ lãi khoảng 107.400 tỷ đồng.

Báo cáo cũng nêu các giải pháp tăng cường quản lý nợ công, trong đó có việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp, đúng quy định của pháp luật để đảm bảo hoàn thành mục tiêu huy động đủ nguồn vốn trong và ngoài nước cho nhu cầu của ngân sách nhà nước.

Nghĩa vụ trả nợ tăng không nhiều khi làm đường sắt

Với sơ bộ tổng mức đầu tư 1.713.594 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ tác động đến nợ công như thế nào, chắc chắn là câu hỏi lớn cần được trả lời thỏa đáng.

Tại Dự thảo Tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Dự án) gửi Quốc hội, Chính phủ nêu, Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án năm 2019 đề xuất hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đối với phần phương tiện, thiết bị; đầu tư công phần kết cấu hạ tầng, trong bối cảnh quy mô nền kinh tế đạt 266 tỷ USD, nợ công bằng 56,1% GDP.

Tuy nhiên, quy mô của nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, nợ công ở mức thấp, khoảng 37% GDP. Dự kiến, thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD, nên nguồn lực để đầu tư Dự án không còn là trở ngại lớn.

Chính phủ cũng đã sơ bộ đánh giá tác động của Dự án đến các chỉ tiêu an toàn nợ công khi triển khai đầu tư Dự án, cho thấy, giai đoạn đến năm 2030, cả 3 tiêu chí (nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia) đều thấp hơn mức cho phép.

Cụ thể, nợ công lớn nhất là 44% (mức cho phép là 60%), nợ Chính phủ lớn nhất là 43% (mức cho phép là 50%), nợ nước ngoài lớn nhất là 45% (mức cho phép là 50%). Hai tiêu chí về nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia và bội chi ngân sách tăng (bội chi ngân sách bình quân 4,1% GDP, mục tiêu là 3% GDP; chỉ tiêu trả nợ trực tiếp khoảng 33 - 34% GDP, mục tiêu là 25% GDP).

Ở giai đoạn sau năm 2030, với các chỉ tiêu tăng trưởng, an toàn nợ công giả định như giai đoạn 2021 - 2025 (tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%; trần nợ công 60% GDP; bội chi ngân sách nhà nước 3% GDP) cho thấy, Dự án đáp ứng chỉ tiêu nợ công (khoảng 52 - 53% GDP so với trần nợ công giả định là 60% GDP).

Các chỉ tiêu nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi tăng (nợ Chính phủ khoảng 51 - 52% GDP, so với giả định là 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 53 - 54% GDP, so với giả định là 45% GDP, bội chi ngân sách bình quân 4,1% GDP, so với giả định là 3% GDP). Nghĩa vụ trả nợ tăng không nhiều so với kịch bản không đầu tư đường sắt tốc độ cao (có đầu tư, thì khoảng 67 - 68% GDP; không đầu tư, thì khoảng 60 - 61% GDP).

Dự thảo cũng nêu rõ, kịch bản đánh giá chỉ tiêu an toàn nợ công nêu trên chưa tính đến đóng góp của Dự án vào tăng trưởng GDP trong thời gian xây dựng (theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm so với không đầu tư Dự án).

Kịch bản trên cũng chưa tính đến phần chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị sẽ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm trả nợ, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực phát triển theo hệ thống giao thông công cộng (TOD), khai thác thương mại (dự kiến 22 tỷ USD). Các yếu tố này, theo Chính phủ, sẽ góp phần cải thiện toàn bộ các chỉ tiêu tài chính vĩ mô.

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về vốn

Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi của Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án.

Trong các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội, chính sách thứ nhất được đề xuất là trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng các nguồn vốn trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Chính sách thứ hai, Dự án được bố trí đủ vốn qua nhiều kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với thời gian, tiến độ thực hiện Dự án. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho Dự án trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm đã được Quốc hội quyết định.

Chính sách thứ ba, trường hợp cần thiết, Chính phủ trình Quốc hội quyết định điều chỉnh chỉ tiêu bội chi ngân sách, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ để huy động vốn cho Dự án.
Thời điểm vàng xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Thế và lực của Việt Nam vào năm 2027 - thời điểm dự kiến triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là đủ để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư