Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ngày càng tăng trong cuộc sống hiện đại
D.Ngân - 07/08/2024 14:58
 
Theo thống kê từ các cơ sở y tế, hiện tỷ lệ người dân mắc vô sinh, hiếm muộn ngày càng tăng, đặc biệt trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính có khoảng 7,7% dân số Việt Nam bị vô sinh, hiếm muộn, chi phí điều trị cao nhưng chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Nhiều chuyên gia đề xuất đưa điều trị vô sinh, hiếm muộn vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.

Tỷ lệ người bệnh vô sinh, hiếm muộn ngày càng tăng trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Ước tính mỗi năm có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân vô sinh, hiếm muộn là do tỷ lệ phá thai cao, viêm nhiễm đường sinh dục, sử dụng dụng cụ tránh thai. Bên cạnh đó, sự hiểu biết về vô sinh của nhiều cặp vợ chồng còn hạn chế.

Hiện nay Việt Nam vẫn là quốc gia chưa có chính sách bảo hiểm y tế chi trả cho điều trị vô sinh, hiếm muộn. Trong khi thu nhập bình quân đầu người hiện khoảng 6,7 triệu đồng/tháng thì chi phí điều trị vô sinh, hiếm muộn còn là gánh nặng đối với các gia đình Việt Nam.

Đối với nhiều gia đình, 60 - 70 triệu để làm thụ tinh ống nghiệm là số tiền vô cùng lớn. Trong khi chi phí kỹ thuật đắt đỏ, điều trị y tế cũng đã được đưa vào danh mục bảo hiểm thì cần có chính sách hỗ trợ cho các cặp gia đình vô sinh, hiếm muộn như vậy.

Chứng kiến nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn phải vay mượn, thậm chí bán nhà để mong mỏi có một đứa con, nhiều bác sỹ đồng tình đề xuất đưa điều trị vô sinh, hiếm muộn vào danh mục bảo hiểm chi trả.

Hiện nhiều nước trên thế giới đã đưa điều trị vô sinh, hiếm muộn vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế. Thấu hiểu khó khăn của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn thời gian qua Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, giúp họ hiện thực hóa giấc mơ tìm con. "Tri ân thầy cô giáo- Gieo hạt yêu thương" là một trong số nhiều chương trình mà Bệnh viện triển khai với ý nghĩa nhân văn ấy.

Giữa những ngày tháng tưởng chừng buông xuôi không thể bước tiếp, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyết (1986) và anh Nguyễn Văn Thuyết (1982), quê Quảng Bình quyết tâm vượt 500km ra Hà Nội chữa trị để giờ đây hai "thiên thần" nhỏ đáng yêu đã xuất hiện, chấm dứt nỗi tủi hờn kéo dài hơn 1 thập kỷ hiếm muộn của cô giáo mầm non.

Hơn 10 năm đứng lớp, nhìn ánh mắt thơ ngây trong trẻo của các em nhỏ, cô giáo Tuyết lại càng khát khao thiên chức được làm mẹ.

Không ít lần chị Tuyết phải gạt vội giọt nước mắt buồn tủi khi nghĩ về hành trình tìm con gian nan vất vả, nghĩ về giấc mơ được bế bồng con yêu. 

Chị Tuyết là giáo viên một trường mầm non ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Năm 2010, sau thời gian gần 3 năm yêu thương tìm hiểu, chị Tuyết và anh Thuyết quyết định tiến tới hôn nhân với mục tiêu cùng vun vén xây dựng một gia đình nhỏ vẹn tròn hạnh phúc. 

Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, mức lương giáo viên khi đó không đủ trang trải cuộc sống nên chỉ 2 tuần sau ngày cưới, anh Thuyết rời quê vào TP.HCM làm việc, cô giáo Tuyết ở lại quê nhà tiếp tục công việc ở trường mầm non và phụng dưỡng chăm sóc gia đình nội ngoại hai bên.

Mong con suốt thời gian dài nên vợ chồng chị Tuyết đã thăm khám nhiều nơi, điều trị qua nhiều loại thuốc, đông tây y kết hợp nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy tin vui về nhà. 

Sau bao lâu chờ đợi và hy vọng, năm 2016 tưởng chừng hạnh phúc đã tới, giấc mơ được bế bồng con yêu trở thành hiện thực khi chị Tuyết có thai tự nhiên. Nhưng giấc mơ ấy quá ngắn khi chỉ đến tháng thứ 3 của thai kỳ, sinh linh bé nhỏ bên trong cơ thể rời bỏ chị, để lại nỗi buồn xâm lấn mãi những ngày tháng sau này.

Năm 2017 khi nỗi buồn đã nguôi ngoai, vợ chồng chị Tuyết một lần nữa vào TP.HCM thăm khám với hy vọng tìm con nhưng không thành công.

Chặng đường tìm con của các gia đình hiếm muộn luôn là những ngày tháng gian nan mòn mỏi mong chờ. Không phải ai cũng tới đích nếu thiếu sự kiên trì và khát khao không đủ lớn. Bên cạnh những trở ngại về mặt thời gian, chi phí tài chính cũng là rào cản lớn khiến nhiều cặp vợ chồng phải trì hoãn hành trình tìm con của mình.

Một thập kỷ mong con là khoảng thời gian không hề ngắn với bất kỳ gia đình nào. Vợ chồng chị Tuyết sau những ngày tháng tìm con trong vô vọng, tháng 10 năm 2021, hai vợ chồng quyết tâm dành hết số tiền tích góp để ra Hà Nội tìm con và thực hiện can thiệp hỗ trợ sinh sản.

Biết đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội qua một vài người bạn đã đón con thành công, chị Tuyết anh Thuyết mang theo niềm hy vọng mới trong hành trình lần này.

Một tháng sau đó chị bước vào quá trình tạo phôi. Mọi quá trình điều diễn ra thuận lợi, chị Tuyết tạo được 5 phôi tốt và 2 phôi khá.

Đó là lần đầu tiên vợ chồng chị Tuyết làm IVF, còn nhiều bỡ ngỡ và lo lắng nhưng may mắn được sự động viên, đồng hành của các bác sĩ nên đã truyền thêm động lực cho hai vợ chồng.

Hạnh phúc lại nhân lên gấp bội khi hai tuần sau chị Tuyết đi siêu âm và được bác sỹ thông báo mang song thai, hai "sinh linh" bé nhỏ đang lớn lên dần trong cơ thể. Vượt qua nỗi lo lắng mất con ở 2 lần mang thai tự nhiên trước đây, lần này cả quá trình thai kỳ của chị Tuyết diễn ra thuận lợi.

Và một cặp song sinh Nguyễn Ngọc Bình An và Nguyễn Ngọc Phú Quý chào đời trong niềm hạnh phúc ngập tràn của đại gia đình nội ngoại hai bên. 

Vậy là từ nay, mong ước có những đứa con của riêng mình đã trở thành hiện thực với cô giáo mầm non Nguyễn Thị Tuyết. Không phải nghe những lời đàm tiếu từ bên ngoài, không phải một mình ôm nỗi buồn khóc giữa đêm khuya, không phải vội lau đi giọt nước mắt khi đang đứng lớp, hạnh phúc đã thực sự đến với đôi vợ chồng đầy kiên trì và nghị lực.

Sau những cố gắng trên hành trình dài ấy là những trái ngọt được sinh ra từ tình yêu thương chia sẻ của gia đình, người thân và cả những bác sỹ giàu y đức.

Thêm nhiều cơ hội dành cho những cặp vợ chồng hiếm muộn
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã nhận được các hỗ trợ, ưu đãi trong quá trình thăm khám và thực hiện dịch vụ Thụ tinh trong ống nghiệm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư