Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ: Tương lai nào cho TPP?
Nguyên Đức - 11/11/2016 07:58
 
Khi tỷ phú Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, dư luận bắt đầu đề cập nhiều tới tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Dễ hiểu vì sao dư luận lo ngại trước tương lai của TPP, bởi tỷ phủ Donald Trump chính là một trong những người cực lực phản đối TPP. Trong quá trình chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ bảo hộ nền kinh tế Mỹ, rút khỏi TPP.

Bởi thế, khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống vào ngày 9/11 vừa qua, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra về tương lai của TPP. Ông Gary Hufbauer, Viện Kinh tế quốc tế Peterson, khi phát biểu với Tạp chí Politico còn nhấn mạnh, “TPP bây giờ chỉ còn là lịch sử”. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, chiến thắng của ông Trump đã “vùi lấp hy vọng cuối cùng” của Tổng thống Obama để Quốc hội thông qua TPP.

TPP hứa hẹn mang lại rất nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, Ảnh: Đức Thanh
TPP hứa hẹn mang lại rất nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, Ảnh: Đức Thanh

Thực ra, vẫn còn một cơ hội khác, đó là sau bầu cử Tổng thống, Quốc hội Mỹ vẫn còn một kỳ họp cuối cùng trước khi nhường quyền lại cho Quốc hội mới. Và chính quyền của Tổng thống Obama đang tiếp tục những nỗ lực cuối cùng để TPP có thể được thông qua tại kỳ họp này.

Mới cách đây ít ngày, chính quyền Tổng thống Obama đã phát đi khuyến cáo về những mối nguy nếu Quốc hội Mỹ không thông qua TPP. “Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để tối đa hóa cơ hội khiến cho Hiệp định được thông qua”, Trưởng đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cũng đã nói như vậy.

Trước đó, khi đến thăm Việt Nam tháng 5 vừa qua, Tổng thống Obama đã tự tin nói, TPP sẽ được thông qua ngay trong nhiệm kỳ của ông. “Tôi rất tự tin chúng tôi sẽ thông qua Hiệp định. Lý do vì đó là điều đúng đắn phải làm. Nó tốt cho đất nước, tốt cho nước Mỹ, tốt cho khu vực và tốt cho thế giới”, ông Obama nói.

Nếu TPP được thông qua vào kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Mỹ, đó là niềm vui cho 12 nền kinh tế thành viên TPP. Tuy vậy, trao đổi với Báo Đầu tư, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, mặc dù cả ông Donald Trump và người đã thất bại trong cuộc tranh cử vừa qua - bà Hilary Clinton đều không ủng hộ TPP, khiến việc Quốc hội thông qua sẽ rất khó khăn, nhưng tình hình có thể sẽ khác sau bầu cử.

“Sau bầu cử, tình hình chính trị sẽ lắng dịu, Tổng thống mới có thể có lập trường khác với lúc còn là ứng viên. Hơn nữa, với các chiến dịch vận động hành lang mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, TPP vẫn có khả năng được thông qua”, ông Bùi Kiến Thành nói.

Cùng quan điểm, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, không nên quá vội lo lắng, mà phải theo dõi sau tranh cử và nhậm chức Tổng thống, ông Donald Trump sẽ công bố chính sách đối ngoại, trong đó có việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) như thế nào. “Có thể, ông Trump sẽ chỉ có một vài điều chỉnh để làm sao TPP có lợi cho nước Mỹ. Các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam nên theo dõi các động thái này để chủ động thích ứng”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và cho rằng, xu thế hiện nay, thì những FTA thế hệ mới như TPP rất khó bị ảnh hưởng.

“Có thể, việc thông qua TPP sẽ chỉ chậm hơn thôi, bởi Quốc hội mới được thành lập sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Do đó, chưa chắc TPP sẽ được thông qua vào năm 2017 và như vậy, Việt Nam cần nghiên cứu, tính đến các phương án khác nhau để chủ động ứng phó”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Tuy nhiên, một điều quan trọng khác, đó là trong bối cảnh tương lai của TPP còn khá mờ mịt, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Việt Nam cần quan tâm đến các FTA với Hàn Quốc, với khu vực kinh tế Á - Âu, với EU. “TPP cũng chỉ là một trong số các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký. Do vậy, không thể vì sự chậm trễ với TPP mà lơ là với 3 FTA nói trên.

“Ba thị trường này thôi cũng đã là quá tốt với Việt Nam. Hãy tìm cách để tận dụng các cơ hội do các FTA này mang lại”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và cũng một lần nữa nhấn mạnh tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) - đã chính thức được thành lập vào ngày 31/12/2015, để khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí là cả các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam, không nên quá “mải mê” với TPP, mà quên mất rằng, AEC đã là hiện thực.

Liên quan tới việc hội nhập AEC, thông tin gần đây cho biết, có thể Việt Nam đã bắt đầu phải trả giá khi chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc gia nhập AEC. Chính vì thế, thay vì gia tăng xuất khẩu như kỳ vọng, thì 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu vào thị trường ASEAN lại giảm tới 7,4% so với cùng kỳ.

Đúng là TPP hứa hẹn mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên. Song khi TPP còn chưa chắc chắn được thông qua, thì cần quan tâm hơn tới các FTA khác để có giải pháp thích ứng nhằm tận dụng tốt các cơ hội.

Giới đầu tư Mỹ muốn chọn Việt Nam
Đang có nhiều thông tin về trở ngại trong việc phê chuẩn và thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng với giới đầu tư Mỹ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư