Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 03 tháng 10 năm 2024,
UKVFTA “bắc cầu” cho hàng Việt sang Anh quốc
Thế Hải - 03/10/2024 09:28
 
Kim ngạch xuất khẩu sang Anh quốc trong 8 tháng năm 2024 tăng gần 24% so với cùng kỳ cho thấy, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) đang “bắc cầu” hiệu quả cho hàng Việt xuất sang thị trường này.

Xuất khẩu sang Anh tăng trưởng cao

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh từ đầu năm đến nay ghi nhận kết quả đáng khích lệ, với trị giá xuất khẩu tăng cao trong số các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU, ASEAN.

Thống kê sơ bộ của hải quan Việt Nam cho thấy, 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang Anh đạt gần 5,1 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng khoảng 1 tỷ USD so với thực hiện của 8 tháng năm 2023.

Sự phục hồi về cầu tiêu dùng hàng hóa tại Anh, kết hợp với sự hậu thuẫn của UKVFTA đang thực thi đã “bắc cầu” để hàng Việt tăng tốc sang Anh.

Hơn 3 năm qua, xuất khẩu sang Anh liên tục duy trì đà tăng trưởng, kể trong cả năm 2023 - khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, các thị trường nhập khẩu nhiều hàng Việt sụt giảm tiêu dùng. Đây là thành quả của những nỗ lực của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, đồng thời phản ánh những lợi ích của UKVFTA - được thực thi chính thức từ tháng 5/2021.

Hơn 3 năm thực thi UKVFTA, thị trường Anh đã nhìn nhận tích cực hơn về hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam. Trong 8 tháng 2024, thương mại hai chiều đạt 5,6 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu tăng 23,7%, nhập khẩu từ Anh giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh

Hiệp định này được kỳ vọng giúp Việt Nam và Anh duy trì các điều kiện thương mại ưu đãi và lợi ích kinh tế thông qua các cam kết mở cửa thị trường đã có trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa sang Vương quốc Anh trong năm 2023 vẫn tăng trưởng gần 5%, đạt 6,34 tỷ USD, bất chấp tác động không thuận của kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao. Cán cân thương mại liên tục xuất siêu hàng tỷ USD.

Mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (đạt hơn 1,31 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2022); máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác (đạt 1,03 tỷ USD, tăng 21%); giày dép các loại (đạt 795,1 triệu USD, tăng 3,9%).

Còn nhớ, năm đầu tiên UKVFTA có hiệu lực, dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá gần 5,8 tỷ USD sang Anh, tăng 16,4% so với năm 2020, xuất siêu 4,8 tỷ USD, với nhiều nhóm hàng như rau quả, hạt tiêu, sắt thép, phương tiện vận tải…

Kết quả trên cho thấy, các doanh nghiệp đã biết tới UKVFTA, tận dụng lợi thế của quốc gia đầu tiên trong ASEAN có hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Anh để thúc đẩy xuất khẩu.

Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Anh và Bắc Ailen, xuất khẩu sang Anh có nhiều thuận lợi về thuế quan nhờ các FTA song phương và đa phương, gồm UKVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

UKVFTA là FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao và mức độ tự do hóa mạnh. UKVFTA có phạm vi cam kết rộng, bao trùm các khía cạnh thương mại, đầu tư truyền thống (như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…) và lĩnh vực mới (như mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, chính sách cạnh tranh…).

Về thương mại hàng hóa, Anh cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ ngày 1/1/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ ngày 1/1/2027.

Nông sản, công nghiệp chế biến “ghi điểm”

Với các cam kết trong FTA song phương, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, dệt may, linh kiện điện tử, đồ gỗ, cà phê, gạo, hoa quả… đang tận dụng lợi thế tiếp cận thị trường Anh.

Thời gian qua, nhiều trái cây đặc sản lần đầu xuất khẩu chính ngạch sang Anh, như cam Canh, bưởi Diễn, cam Cao Phong, quýt Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, sầu riêng Ri6, vải u hồng, vải thiều không hạt… Một số nông sản thực phẩm và trái cây tươi đã có mặt tại các chuỗi siêu thị của Anh như Whole Food, Marks & Spencer (M&S), Waitrose…

Ông Thái Trần, Giám đốc điều hành Công ty TT Meri-dian, doanh nghiệp chuyên phân phối nông sản Việt Nam tại Anh cho biết, vải thiều, bưởi da xanh, dừa xiêm, măng cụt, ổi lê, chanh leo, thanh long… là những mặt hàng tiêu thụ tốt tại Anh trong năm qua và có khả năng cạnh tranh cao.

Nếu không có cú hích từ UKVFTA, nông sản Việt khó có thể “sải bước” sang thị trường tiêu dùng khó tính, tiêu chuẩn cao như vậy.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhận định: “Trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa có FTA với Vương quốc Anh, doanh nghiệp Việt bước đầu đã nhanh chóng tận dụng việc có FTA sớm để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này”.

Cơ hội lớn, nhưng hàng xuất khẩu Việt Nam cũng đối mặt nhiều thách thức khi Anh có yêu cầu cao về sản phẩm xanh. Cụ thể, cũng như EU và nhiều quốc gia phát triển, Vương quốc Anh yêu cầu ngày càng cao khi nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp xanh, cắt giảm phát thải trong quá trình sản xuất, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ nghiêm ngặt về lao động, môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Lưu ý với các doanh nghiệp Việt, ông Iain Frew, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tận dụng tốt hơn ưu đãi từ FTA song phương, doanh nghiệp Việt buộc phải chú ý tới thương mại xanh và công bằng - hiện là xu hướng phát triển tất yếu của thương mại toàn cầu".

Công ty cổ phần Đầu tư thương mại quốc tế Minh Vượng: Giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ đồ gỗ xuất khẩu
Khởi nghiệp ở một tỉnh không có rừng, cách đây 15 năm, thực hiện chiến lược phát triển đa ngành, Công ty cổ phần Bitexco Nam Long đã mạnh dạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư