Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Ứng dụng công nghệ cao điều trị các bệnh về máu
D.Ngân - 24/11/2022 17:55
 
Nhiều kỹ thuật mới, hiện đại nhất trong lĩnh vực huyết học - truyền máu trên thế giới đang được thực hiện tại Việt Nam.

Tại Hội nghị Khoa học Huyết học - Truyền máu năm 2022 diễn ra ngày 24/11 tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho hay, sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, toàn ngành huyết học - truyền máu đã rất cố gắng và có những đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch cũng như huy động, tiếp nhận, cung cấp máu và cập nhật kiến thức chuyên môn.

Theo Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, nhiều kỹ thuật mới, hiện đại về máu trên thế giới đang được thực hiện tại Việt Nam.

Theo đó, hiện Việt Nam đã có hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại sánh ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, chúng ta đã triển khai thực hiện thành công phương pháp ghép tế bào gốc, chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho nhiều bệnh viện tại các tỉnh, thành phố, áp dụng nhiều phương pháp điều trị hiện đại trong điều trị nhắm đích; 

Chia sẻ thêm về điều này, bên lề Hội nghị bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cho biết, ghép tế bào gốc máu có thể coi là phương pháp điều trị tối ưu giúp nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính, di truyền có cơ hội khỏi bệnh, quay lại cuộc sống bình thường.

Theo bác sĩ Khánh, đối với những bệnh nhân ung thư máu ác tính, nếu điều trị đơn thuần thì thời gian sống đến 5 năm khoảng 20-30%, nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, tỉ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm lên tới 50-60%

Cụ thể, phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân có thể điều trị các bệnh máu như đa u tủy xương, u lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin, lơ-xê-mi cấp tiền tủy bào.

Còn phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài được ứng dụng để điều trị các bệnh như lơ-xê-mi cấp dòng tủy và lympho, u lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin, hội chứng rối loạn sinh tủy; suy tủy xương, thalassemia...

Đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã ghép tế bào gốc tạo máu cho gần 600 ca bệnh, trong đó 2/3 là ghép tế bào gốc máu đồng loài (từ anh chị em ruột, cha mẹ, máu dây rốn).

Chuyên gia cho biết, hiện phần lớn những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và thế giới đang thực hiện như điều trị nhắm đích bằng các loại thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân... đều đã được triển khai ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học đang tìm những phương pháp điều trị hiệu quả hơn như thuốc điều trị nhắm đích. Loại thuốc này khi vào cơ thể sẽ tìm những tế bào ung thư để tiêu diệt, không gây hại cho tế bào lành như phương pháp hóa trị.

Về thành tích của ngành Huyết học theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà, thời gian qua Viện cũng đã thực hiện được thanh công trong việc khảo sát dịch tễ về bệnh tan máu bẩm sinh trên toàn quốc, thực hiện tầm soát gen bệnh tiến tới giảm dần số lượng trẻ em sinh ra bị bệnh tại một số địa phương.

Về lĩnh vực di truyền - sinh học phân tử Viện cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gen ở bệnh ung thư máu, Thalassemia, Hemophilia… góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền.

Ngoài ra, với lĩnh vực truyền máu, theo lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Viện cũng đã đảm bảo được nguồn máu an toàn, chất lượng cho công tác điều trị người bệnh một cách chủ động, xây dựng nguồn người hiến máu, điều tiết máu và sử dụng máu an toàn trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 24-25/11/2022, tại Hà Nội, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, các Trung tâm Huyết học - Truyền máu trong cả nước tổ chức Hội nghị Huyết học- Truyền máu toàn quốc năm 2022.
Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia quốc tế và nhà khoa học trong nước, sẽ có 9 phiên báo cáo theo các chuyên đề: Huyết học lâm sàng, Cận lâm sàng, Truyền máu, Tế bào gốc, Đông máu, Thalassemia, Miễn dịch - Di truyền - Sinh học phân tử…
Hội nghị là dịp để các nhà khoa học, cán bộ trong toàn ngành được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, báo cáo những kết quả nghiên cứu khoa học, cập nhật thêm những kỹ thuật mới, tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh máu và đảm bảo nguồn máu an toàn, kịp thời trên toàn quốc
Thêm 4 ca mắc mới COVID-19, trong đó có người bị ung thư máu
Chiều 3/4, Bộ Y tế công bố thêm 4 ca mắc mới COVID-19, trong đó có một bệnh nhân bị ung thư máu (bạch cầu cấp) 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư