Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị bệnh nhân Covid-19
D.Ngân - 26/05/2021 10:36
 
Với biến chủng mới của virus Sars- Cov-2, theo đại diện Bộ Y tế quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đang gặp khó khăn.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, các bệnh nhân nhiễm biến chủng mới có diễn biến bệnh rất khó lường, khó phát hiện.

Bệnh nhân nhiễm biến chủng mới có diễn biến bệnh rất khó lường, khó phát hiện 

Theo đó, có người xét nghiệm 2 lần đầu âm tính, lần thứ 3 mới dương, tức thời gian ủ bệnh, lây truyền sang người khác nhanh, khó đoán nên việc cách ly, theo dõi và quản lý tại khu cách ly rất quan trọng.

“Tại một số khu cách ly, F1 chuyển thành F0. Ngay tại Bệnh viện K, nhiều trường hợp người nhà đã xét nghiệm âm tính 2 lần, đến lần thứ 3 mới dương, nếu để ra cộng đồng rất nguy hiểm”, PGS Khuê thông tin.

Hiện tại, thống kê từ Tiểu ban Điều trị cho thấy khoảng 80% người mắc Covid-19 tại Việt Nam ít có triệu chứng. Cơ thể người mắc ít thấy có biến đổi, sốt không cao, cảm giác mệt mỏi chưa nhiều, viêm phổi chưa biểu hiện.

Tuy nhiên, ông Khuê cho rằng chúng ta luôn phải cảnh giác ngay cả với những người ít triệu chứng. Những người này phải được đưa vào điều trị ở những nơi đảm bảo cách ly an toàn, theo dõi sát sao.

Khoảng 20% bệnh nhân Covid-19 trong đợt bùng phát này có thể diễn biến nặng. Trong đó, 10% dễ chuyển từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu. Còn lại, họ có nguy cơ cao chuyển sang nặng (5%) hoặc rất nặng (5%).

Đây đều là những trường hợp dễ tử vong mà ngành y tế phải chú ý, phản ứng nhanh. Đặc biệt, nhóm bệnh nhân này phải có tiêu chí cụ thể để thầy thuốc tại tất cả bệnh viện căn cứ vào đó xử lý, kết nối hội chẩn với các chuyên gia tuyến trung ương khi cần.

Dẫn chứng về điều này theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, các chuyên gia vừa hội chẩn một ca bệnh có nồng độ oxy trong máu vẫn ở mức 99% nhưng nhịp thở tăng lên, khó thở cũng tăng nên phải chỉ định đặt oxy để trợ giúp.

“Nếu các thầy thuốc chỉ nhìn trên máy báo oxy 99% và không để ý kỹ, bệnh nhân có thể diễn tiến nặng lên nhanh vì trên thực tế lâm sàng, bệnh nhân đã khó thở đến 22 lần”, PGS Khuê nói.

Vì vậy, theo PGS. Khuê Bộ Y tế sẽ điều chỉnh phác đồ, cảnh báo sớm cho thầy thuốc. Các trường hợp khoẻ mạnh, không bệnh nền vẫn phải cảnh giác, đưa vào khu điều trị đảm bảo an toàn, tăng cường thể trạng và theo dõi sát.

Nói về chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay, theo lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, các cơ sở vẫn tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong số này 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.

Rút kinh nghiệm từ trường hợp bệnh nhân trẻ, khoẻ mạnh nhưng tử vong, Bộ Y tế đang điều chỉnh phác đồ, xây dựng phần mềm có trí tuệ nhân tạo hỗ trợ nhằm phát hiện sớm người bệnh Covid-19 có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng trên cả nước.

Phần mềm này được xây dựng dựa trên cập nhật, kinh nghiệm của các nước với 5-10 tiêu chí như nhịp thở, nồng độ oxy trong máu, các chỉ số lâm sàng khác khi thay đổi sẽ có cảnh báo ngay.

“Ví dụ nếu nhịp thở tăng lên 22 lần là bác sĩ phải cảnh giác. Có thể bệnh nhân vẫn thấy khoẻ nhưng nếu các chỉ sổ thay đổi, có cảnh báo thì bác sĩ phải chuyển trạng thái ngay, chuẩn bị sẵn oxy, máy thở, phương tiện cấp cứu hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”, ông Khuê phân tích.

Đặc biệt các trường hợp diễn biến nặng sẽ xuất hiện cảnh báo đỏ, điều này giúp các bác sĩ điều trị trrực tiếp và các chuyên gia đầu ngành dễ dàng theo dõi, đánh giá, sớm đưa ra các chỉ định can thiệp.

Ngoài ra, phần mềm này có thể hỗ trợ sàng lọc các F1 nguy cơ cao có khả năng tiến triển thành F0. “Với nguyên tắc 4 tại chỗ, hệ thống này khi được kết nối với tất cả cơ sở điều trị sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các y, bác sĩ", PGS Khuê nói.

Theo Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đến sáng 25/5, Việt Nam đang có 23 trường hợp nguy kịch, 19 bệnh nhân phải thở oxy xâm nhập, 4 ca còn lại được dùng ECMO.

Ngoài ra, 77 bệnh nhân tiên lượng nặng, chiếm 3,1% tổng số người mắc Covid-19 trên ca nước. 92 trường hợp nặng khác phải dùng oxy gọng kính và 9 người được sử dụng phương pháp thở máy không xâm nhập. 

Bên cạnh điều trị bệnh nhân, gốc rễ vấn đề là phòng dịch hiệu quả bằng chiến dịch tiêm chủng vắc-xin vẫn đang được Bộ Y tế đẩy mạnh.

Song song với việc kiếm nguồn vắc-xin nhập khẩu, các nhà sản xuất vắc-xin nội cũng đang chạy nước rút nhằm sớm đưa vắc-xin ra thị trường.

Theo nguồn tin của phóng viên, Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế vừa họp, xem xét thông qua quyết định cho phép triển khai nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 vắc-xin Nanocovax.

Dự kiến trong tuần sau, Việt Nam sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 vắc-xin này với khoảng 13.000 tình nguyện viên. Cụ thể, miền Bắc có Học viện Quân y và Hưng Yên, khu vực phía Nam có Viện Pasteur TP. HCM và Long An tham gia.

Giai đoạn 3 sẽ chia thành nhiều giai đoạn nhỏ, trước mắt sẽ tiêm cho 800 tình nguyện viên đã đăng ký, sau đó sẽ tiếp tục tuyển thêm.

Được biết, việc thử nghiệm vắc-xin NanoCovax đã xong từ ngày 8/4, tuy nhiên việc theo dõi sẽ kéo dài trong 1 năm. Hiện đang là giai đoạn đánh giá giữa kỳ nhưng kết quả nghiên cứu rất khả quan, vắc-xin sinh miễn dịch rất tốt và có hiệu quả với cả biến thể Anh và Nam Phi. Tác dụng với biến thể Ấn Độ sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong giai đoạn 3.

Nếu thuận lợi, đến cuối tháng 9, thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ hoàn tất, khi đó Việt Nam có thể sản xuất loại vắc-xin Covid-19 đầu tiên của người Việt.

Sáng ngày 26/5 CDC Hà Nội công bố thêm 8 ca bệnh liên quan tới Công ty T&T. Trong đó, một người làm việc tại tầng 5 tòa nhà Công ty T&T là bệnh nhân Đ.T.T.V., nữ, 43 tuổi, có địa chỉ ở Giang Biên, Long Biên.

Ba người là F1 của các bệnh nhân mắc Covid-19 trước đó, bao gồm: N.Đ.T., nam, 21 tuổi, địa chỉ ở Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng; L.Q.V., nam, 42 tuổi, địa chỉ ở khu đô thị Việt Hưng, Long Biên và N.T.T.T., nữ, 58 tuổi, có địa chỉ ở Yên Sở, Hoàng Mai.

Ngoài ra, CDC TP. Hà Nội cũng thông báo 4 ca liên quan chùm ca bệnh này là người trong một gia đình có địa chỉ ở Tương Mai, Hoàng Mai. Đó là Đ.V.A. (nữ, 37 tuổi), T.B.T. (10 tuổi, con gái chị A.), T.Đ.K. ( 6 tuổi, con trai chị A.), V.T.Đ. (4 tuổi, cháu trai của chị A.).

Như vậy, tính đến sáng nay, chùm ca bệnh liên quan khu đô thị Times City và Công ty T&T đã có tổng cộng 37 người tại Hoàng Mai (14), Thanh Xuân (5), Long Biên (5), Đống Đa (4), Hai Bà Trưng (3), Hà Đông (1), Gia Lâm (1), Thanh Trì (1), Bắc Từ Liêm (1), Cầu Giấy (1), Ba Đình (1)

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Petrovietnam giành 30 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19
Để bảo vệ sức khỏe 56.000 người lao động dầu khí, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã hỗ trợ các công đoàn trực thuộc 2,8 tỷ đồng để mua vật...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư