Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 11 năm 2024,
Ứng xử với doanh nghiệp nhà nước
Bảo Duy - 28/11/2024 08:09
 
Doanh nghiệp tư nhân đã đi đến tận đâu rồi mà doanh nghiệp nhà nước vẫn quanh quẩn với tiêu chí đánh giá “năm sau cao hơn năm trước” - một vị đại biểu Quốc hội, đồng thời đang lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đã nói như vậy khi tham gia thảo luận Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Chiếc áo” thể chế quá chật với doanh nghiệp nhà nước là lý do cần phải thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) hiện hành. Song vấn đề là gỡ thể chế vì mục tiêu gì, để doanh nghiệp nhà nước đảm bảo yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn, hay để doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện được vai trò, sứ mệnh là tiên phong, mở đường lại chưa rõ.

Có thể thấy, vấn đề này trong nhiều điều khoản của Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khi các quy định về quyền chủ sở hữu vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa rõ ràng.

Ngoài ra, nội hàm “quản lý nhà nước”, nguyên tắc phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước và chức năng của doanh nghiệp còn lẫn lộn... Thậm chí, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đã phải đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện lại các quy định liên quan một số nội dung trong các hành vi bị cấm đối với doanh nghiệp nhà nước. Đó là cân nhắc, không quy định các nội dung “khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư”, “vượt mức vốn đầu tư”, “không đúng nguồn vốn đầu tư”... Đây là những quy định chỉ phù hợp với các dự án đầu tư công, nếu áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn khó khăn, lỡ cơ hội đầu tư, kinh doanh...

Chưa kể, các nội dung về thẩm quyền quyết định đầu tư của doanh nghiệp vẫn còn nhiều tầng nấc, nhiều xin - cho, như quy định về cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định chủ trương đầu tư, hay nội dung được bổ sung trong Dự thảo là “cơ quan chủ sở hữu quyết định các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến 100% vốn điều lệ”...

Điều này khiến những phân vân về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước lại nổi lên trong các cuộc thảo luận.

Câu hỏi là có thực sự giao nhiệm vụ dẫn dắt, tiên phong trong các ngành, lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế; có giao nhiệm vụ đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo ở các ngành, lĩnh vực mới như bán dẫn, AI... cho doanh nghiệp nhà nước như các nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã khẳng định hay không? Có cần thảo luận để xác định và chỉ rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong kỷ nguyên mới?...

Lý do là bởi, với quy trình, thủ tục, quy định về phân cấp, phân quyền về đầu tư trong Dự thảo, nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn sẽ chỉ lo “không làm sai”, cố kinh doanh để “năm sau cao hơn năm trước” nhằm ứng phó với các quy định quản lý từng hành vi của doanh nghiệp. Hơn thế, doanh nghiệp nhà nước không có động lực để tính toán các kế hoạch vươn ra bên ngoài, bỏ vốn đầu tư, mua bán - sáp nhập doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp công nghệ để đi nhanh về quy mô và nắm công nghệ nguồn...

Nhìn lại gần 40 năm đổi mới nền kinh tế, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước đã thay đổi. Từ có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động, ở mọi quy mô, doanh nghiệp nhà nước được thu hẹp về chiều rộng, phù hợp với kinh tế thị trường. Cùng với đó, vai trò dẫn dắt các ngành, lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế cũng nổi lên.

Tuy nhiên, đánh giá về vai trò này của khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhiều nghiên cứu ghi nhận là chưa được như mong muốn. Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp. Kết quả hoạt động của khu vực này cũng được đánh giá là chưa thực sự tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng, đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn...

Vấn đề là các nghiên cứu đều chỉ ra, doanh nghiệp nhà nước không phải không có cơ hội, không phải không có tài năng... Bản thân nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng rất trăn trở, đau đáu với nhiệm vụ được giao, nhưng không thể bước qua các rào cản của quy trình, thủ tục, rào cản của tư duy “sợ làm sai” nên “quản thật chặt”...

Nếu vẫn theo cách cũ, không thay đổi tư duy để tạo nên những thay đổi bước ngoặt về thể chế, về cách ứng xử với doanh nghiệp nhà nước, thì khu vực này có thể sẽ rất khó hoàn thành vai trò, sứ mệnh được giao.

Doanh nghiệp nhà nước phải được làm những việc khác thường - Bài 3: Thể chế nào để làm lớn
Không thể dừng lại ở mong muốn “được làm như doanh nghiệp tư nhân”, khu vực doanh nghiệp nhà nước cần thể chế để vượt lên các rào cản,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư