Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Ứng xử với Uber, Graptaxi: Tư duy mới về quản lý vận tải
Anh Minh - 29/11/2015 09:45
 
Phản ứng gay gắt, trong đó có việc cấm Uber và Graptaxi hoạt động mà hai hiệp hội taxi lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM vừa đưa ra, cũng như quan điểm trả lời mới nhất của Bộ Giao thông - Vận tải về yêu cầu này, đã thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng đường bộ, cùng nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Là đơn vị cung cấp công nghệ, dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại ứng dụng trên điện thoại thông minh cho các xe kinh doanh vận tải khách, hoạt động của Uber, Graptaxi trong thời gian qua không chỉ khiến các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống phản ứng, mà còn tác động đến những vấn đề pháp lý, quan điểm trong quản lý, cấp phép đầu tư, do đây là phương thức kinh doanh mới, chưa có tiền lệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Mặc dù vậy, nếu chỉ xét về mặt công nghệ, thì ứng dụng mang tính đột phá của Uber, Graptaxi đã đem lại thay đổi lớn cùng sự tươi mới trong cách vận hành, kinh doanh phương tiện vận tải, từ bình dân đến sang trọng, theo đó đối tượng được hưởng lợi trực tiếp là người dân.

.
Thái độ ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước đối với Uber, Graptaxi được coi là một ”phép thử” với quyền tự do kinh doanh của cá nhân, suy rộng ra là của doanh nghiệp 

Chính vì vậy, thái độ ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước đối với Uber, Graptaxi được coi là một ”phép thử” với quyền tự do kinh doanh của cá nhân, suy rộng ra là của doanh nghiệp đã được khẳng định tại Điều 33, Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. 

Trên thực tế, trong văn bản gửi hai hiệp hội, Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, Uber và các doanh nghiệp cung cấp các phần mềm quản lý, kết nối vận tải khác phải hoạt động theo đúng quy định pháp luật, tức là chỉ cung ứng dịch vụ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng ô tô, cũng như thực hiện đúng các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Như vậy, với quan điểm đó, Bộ Giao thông - Vận tải (đóng vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải) đã mở toang cánh cửa cho loại hình dịch vụ công nghệ thông tin này được xuất hiện tại thị trường Việt Nam.

Đây thực sự là bước chuyển rất lớn trong tư duy quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải nếu biết rằng, vào đầu tháng 12/2014, chính lãnh đạo Bộ này đã phát văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị có biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của Uber tại Việt Nam.

Cần phải khẳng định, việc cấm kinh doanh dịch vụ này vào thời điểm Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015), với quan điểm doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, sẽ là điều khó có thể chấp nhận.

Vẫn còn quá sớm để khẳng định Uber, Graptaxi sẽ đẩy hàng loạt doanh nghiệp vận tải taxi đứng trước nguy cơ phá sản, song việc chấp nhận loại hình dịch vụ này với yêu cầu phải tuân thủ pháp luật hiện có được coi là thái độ ứng xử chuẩn mực theo tinh thần thượng tôn pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước. “Sự kiện" Uber, Graptaxi đã cho thấy các quy định pháp luật chưa theo kịp cuộc sống, vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm rà soát, điều chỉnh, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để "nắn" dịch vụ vận tải trực tuyến này hoạt động hợp pháp. Ngoài ra, cần có biện pháp bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông bằng dịch vụ Uber, Graptaxi, nhất là khi dịch vụ vận tải này có xu hướng phát triển ngày càng mạnh tại các đô thị lớn.

Uber đề xuất bổ sung khung pháp lý mới cho dịch vụ vận tải
Công ty công nghệ Uber vừa đề xuất đến Bộ Giao thông Vận tải về chương trình thí điểm nhằm bổ sung khung pháp lý mới cho dịch vụ mạng lưới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư