Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
USD tạm thời hạ nhiệt, doanh nghiệp thở phào
Hà Tâm - 01/08/2022 08:33
 
So với đầu năm, USD bán ra tại ngân hàng có lúc tăng hơn 4,2% so với đầu năm, nhưng đã nhanh chóng hạ nhiệt. Cú sốc tỷ giá tạm thời chưa phải là nỗi lo với doanh nghiệp.
Tỷ giá VND/USD biến động khá mạnh trong tháng 7/2022. Ảnh: Đức Thanh

Cơn sốt nhẹ của tỷ giá đã dịu lại

Từ đầu tháng 7 tới nay, tỷ giá VND/USD không ngừng tăng trên thị trường ngân hàng. Trên thị trường chợ đen, giá USD đã vượt 24.000 VND/USD. Tại Vietcombank, giá USD bán ra ngày 18/7 là 23.590 đồng/USD, tăng gần 4,2% so với đầu năm. Tâm lý lo lắng trong bối cảnh Fed chuẩn bị họp công bố điều chỉnh tăng lãi suất và Chỉ số USD Index tăng lên mức cao nhất 20 năm và đã chạm mức 108 điểm là nguyên nhân khiến tỷ giá trong nước tăng vọt.

Tuy nhiên, cuối tuần qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức tăng lãi suất thêm 0,75%, tỷ giá trong nước đã dần hạ nhiệt. Tại Vietcombank, tỷ giá USD được niêm yết là 22.640 - 23.500 đồng/USD (mua vào/bán ra), tức chỉ tăng 2,5% so với mức giá niêm yết của ngân hàng này hồi đầu năm. Trên thị trường thế giới, Chỉ số USD Index cũng giảm xuống 105 điểm.

Trong bối cảnh đồng tiền của các nước trên thế giới đều mất giá mạnh so với USD (yên Nhật mất giá 20%, euro mất giá 12%, GBP (bảng Anh), THB (bạt Thái), won (Hàn Quốc) cũng đồng loạt giảm hơn 10%...), thì Việt Nam là một trong những nước có đồng nội tệ ổn định nhất thế giới.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, biến động tỷ giá trong tháng 7 qua cho thấy sức ép tăng giá của USD với VND là khá lớn. Tuy vậy, theo chuyên gia này, khó có chuyện VND mất giá mạnh.

Hiện tại, chúng ta có lượng dự trữ ngoại hối mạnh hơn 100 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam vẫn là quốc gia xuất siêu trong 6 tháng đầu năm, nên Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa để bình ổn tỷ giá”, ông Huân nhận định.

Việc VND chịu áp lực giảm giá sau khi Fed liên tục tăng lãi suất, theo ông Huân, là động thái chủ động của Việt Nam để tránh VND tăng giá quá mạnh so với các đồng tiền khác (vốn đã mất giá khá mạnh so với USD), nhằm đảm bảo ưu thế giá rẻ khi xuất khẩu hàng hóa.

Nếu lạm phát khoảng 3,8 - 4,2%, thì tỷ giá hối đoái biến động khoảng 2 - 2,5%. Trong trường hợp có biến động lớn về tỷ giá hối đoái, thì ngân hàng Nhà nước có lượng dự trữ ngoại hối để can thiệp, giúp thị trường ổn định trở lại, như chúng ta đã làm trong 2 quý gần đây.

- Ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Nhận định về biến động tỷ giá cả năm nay, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ ở mức 3,8 - 4,2% như dự báo. Với mức lạm phát này, tỷ giá hối đoái sẽ biến động ở mức 2 - 2,5%, tức là chỉ xoay quanh mức như hiện nay.

“Trong trường hợp có biến động lớn về tỷ giá hối đoái, Ngân hàng Nhà nước sẽ có một lượng dự trữ ngoại tệ làm cho tỷ giá trở lại ổn định như chúng ta đã làm trong 2 quý gần đây”, ông Nghĩa tin tưởng.

Mặc dù vậy, để chủ động ứng phó với tỷ giá, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi nhất.

Việt Nam có thể chủ động giảm giá VND 5% trong năm nay

Tỷ giá ổn định đã góp phần rất lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô, giúp doanh nghiệp hưởng lợi. Mức biến động tỷ giá hiện nay không khiến doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp vay nợ nước ngoài bị ảnh hưởng lớn. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên chủ động điều chỉnh giảm tỷ giá sâu hơn để hỗ trợ xuất khẩu, vì Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Hữu Huân, các đồng tiền trên thế giới đều mất giá mạnh so với USD, nên không có lý do gì Việt Nam cứ neo chặt VND với USD để VND lại tăng giá so với các đồng tiền khác.

“Việt Nam có thể chủ động giảm giá nhẹ VND để đảm bảo lợi thế xuất khẩu, tất nhiên không để mất giá mạnh, vì sẽ gây áp lực lên việc trả nợ và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo tôi, VND có thể giảm khoảng 5% trong năm nay là hợp lý”, ông Huân nhận định.

Hiện nay, USD vẫn là đồng tiền thanh toán chính trong xuất nhập khẩu của Việt Nam, diễn biến tỷ giá VND/USD ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như nền kinh tế vĩ mô. Vì vậy, việc điều hành tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước quan tâm đặc biệt.

TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, Việt Nam không nên chạy theo xu hướng mất giá của rất nhiều đồng tiền so với USD, bởi mỗi quốc gia đều có đặc thù riêng.

Lý giải nguyên nhân tại sao VND vẫn khá ổn định trong bối cảnh các đồng tiền khác mất giá mạnh, ông Phước cho rằng, VND có hai lợi thế.

Thứ nhất, lãi suất VND cao so với lãi suất USD, nên giúp cho VND tăng giá so với USD.

Thứ hai, lạm phát ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với tại Mỹ.

Theo chuyên gia này, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tỷ giá hối đoái là phải tạo được niềm tin với các chủ thể tham gia thị trường, đó là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, người dân có ngoại tệ, ngân hàng mua bán phục vụ thanh toán, các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài tại Việt Nam. Lạm phát giữ được ở mức mục tiêu cộng với tỷ giá ổn định sẽ là điểm sáng để Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Chưa kể, dù là nước xuất khẩu, song Việt Nam cũng là quốc gia phải nhập khẩu lớn, tỷ giá tăng sẽ gây áp lực lên giá cả hàng hóa, lạm phát cũng như ổn định vĩ mô. Vì vậy, ông Phước cho rằng, nếu tỷ giá tăng dưới 4% sẽ tốt hơn cho nền kinh tế.

Lãi suất nóng từng ngày, Ngân hàng Nhà nước kiên định không nới room tín dụng
Thanh khoản không còn dồi dào, lãi suất tăng từng ngày cộng thêm áp lực điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến NHNN càng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư