Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vàng chịu sức ép của lãi suất USD tăng
T.V - 25/09/2022 11:39
 
Vàng giảm sâu trong bối cảnh kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất USD lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên 3 - 3,25% và có khả năng sẽ lên 4% trong năm nay.

Giảm mạnh khi USD đạt đỉnh

Giá vàng trên thị trường quốc tế giảm mạnh thời gian gần đây, mất mốc 1.700 USD/ounce và chỉ  xoay quanh ngưỡng 1.644 USD/ounce trong phiên cuối tuần và đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.

Vàng giảm trong bối cảnh kỳ vọng Fed mạnh tay nâng lãi suất USD, sau khi dữ liệu cho thấy nhu cầu đối với người lao động ở Mỹ vẫn mạnh.

Thậm chí Fed còn đưa ra thông điệp “diều hâu” hơn trong cuộc họp chính sách sắp tới, với lãi suất chuẩn của Fed sẽ tăng lên mức 4% vào tháng 12/2022 và duy trì ở mức cao trong suốt năm 2023, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế trong một cuộc khảo sát của Bloomberg.

Giới phân tích lĩnh vực vàng cho rằng, nếu Fed tăng lãi suất cao thì sẽ dội thêm “gáo nước lạnh” lên giá vàng. Trong thời gian ngắn chỉ tuần trước, giá vàng đã ghi nhận mức giảm tới 80 USD/ounce xuống còn 1.644 USD/ounce và thậm chí dự báo còn 1.600 USD/ounce.

Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát thị trường Mỹ vẫn đang ở mức cao khi ở mức 8,3%. Điều này cho thấy khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD cho đến khi lạm phát được kiểm soát về mức 2%. Thị trường kỳ vọng lãi suất có thể sẽ lên đến 4,5%/năm vào tháng 3/2023.

Vàng chịu áp lực khi kỳ vọng tăng mạnh lãi suất ngày càng tăng, hỗ trợ đồng đô la Mỹ lên gần mức cao nhất trong 20 năm và đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên 3,5%.

USD đã lên mức đỉnh mới trong 20 năm qua khi chỉ số USD-Index có thời điểm nhảy vọt lên mức gần 113 điểm. Tương tự, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2010.

Trong bối cảnh này, nhiều nhà phân tích cho rằng, giá vàng khó có thể tìm thấy động lực tăng giá trong thời gian ngắn trước mắt.

Mục tiêu giá vàng tiếp theo của ông là 1.615 USD đến 1.650 USD/ounce và sẽ không loại trừ khả năng mặt hàng kim loại quý sẽ rơi xuống 1.500 USD/ounce.

Chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực vàng ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, với lạm phát của Mỹ cao, trong khi doanh số bán lẻ tháng 8 vẫn tăng 0,3%, thị trường lao động Mỹ dù suy giảm nhẹ, nhưng vẫn khá ổn định, Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất ở lộ trình tiếp theo.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Khánh, nếu Fed tăng thêm lãi suất USD cũng không khiến giá vàng giảm quá mạnh, vì mức tăng lãi suất này gần như đã phản ánh vào giá vàng gần đây.

Áp lực lạm phát cao việc Fed có thể sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất USD là khó tránh, nhưng mức độ tăng lãi suất sẽ giảm dần. Bởi lạm phát của Mỹ tăng mạnh chủ yếu do chi phí đẩy, nên nếu Fed càng tăng mạnh lãi suất, sẽ càng đẩy kinh tế của Mỹ rơi vào suy thoái sâu hơn.

Cuộc khảo sát về giá vàng của Kitco News cho thấy, có 19 nhà phân tích Phố Wall tham gia thì có đến 10 người, chiếm 53% dự báo giá vàng sẽ sụt giảm trong tuần tới.

Bên cạnh đó, có 6 nhà phân tích, chiếm 32% nhận định vàng sẽ tăng giá và 3 người còn lại đưa ra ý kiến kim loại quý đi ngang.

Trong khi đó, cuộc thăm dò trực tuyến Main Street tuần này thu hút 963 nhà đầu tư cá nhân tham gia thì tới 469 người, tương ứng 49% số người vẫn lạc quan khi dự báo giá vàng đi lên.

Còn 341 người, tương ứng 35% đưa ra quan điểm ngược lại và 153 người, tương ứng 16% nhà đầu tư nghĩ rằng kim loại quý sẽ đi ngang.

Mua vàng SJC lỗ nặng

Giá vàng thế giới vừa trải qua nhiều phiên lao dốc mạnh, nhưng thị trường vàng trong nước, chênh lệch giá mua vào vàng miếng SJC và giá bán ra được doanh nghiệp vàng đẩy lên cao, khiến người mua lỗ nặng.

Giá vàng miếng SJC hiện giao động từ 65,75-66,55 triệu đồng/lượng, nhưng so với giá vàng quốc tế thì vàng miếng SJC trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 18-19,5 triệu đồng/lượng. 

Điều này khiến người mua không còn hào hứng với vàng. Trong khi đó, theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng tiêu dùng của người Việt lên tới 14 tấn vàng trong quý 2/2022. Nhu cầu vàng tăng do sản phẩm vàng trang sức ngày càng được người dân ưa chuộng.

Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng cho hay, doanh thu vàng 24K lũy kế 8 tháng đầu năm tăng 87,5% so với cùng kỳ do nhu cầu khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát, người tiêu dùng chọn mua nữ trang vàng nhiều hơn.

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á Thái Bình Dương tại WGC cho biết, do lo ngại về tình trạng lạm phát leo thang và sự suy yếu của đồng Việt Nam, các nhà đầu tư đã tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro.

Điều này được phản ánh qua mức phí bảo hiểm cao kỷ lục đối với đầu tư vàng miếng trong nước. Nhu cầu trang sức vàng cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, do giá vàng trong nước sụt giảm và tâm lý lạc quan của người tiêu dùng trong bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu, cùng với gói kích cầu trị giá 15 tỷ USD do Chính phủ Việt Nam đề ra.

Còn đối với thị trường vàng quốc tế, WGC cho hay, nhu cầu vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường phi tập trung OTC) trong quý II/2022 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 948 tấn.

Tuy nhiên, nhờ dòng vốn ETF mạnh mẽ trong quý I/2022, nhu cầu vàng trong nửa đầu năm 2022 vẫn tăng 12% so với nửa đầu năm 2021, ở mức 2.189 tấn.

Một nhà phân tích trong lĩnh vực vàng cho rằng, sau năm 2012, khi Chính phủ ban hành Nghị định 24 thì giá vàng SJC hầu như thoát ly khỏi giá vàng thế giới. Nếu tính từ năm 2019 thì giá vàng SJC trở nên quá chênh lệch so với vàng thế giới. Kỳ họp Quốc hội vừa rồi, nhiều đại biểu đã chất vấn thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình trạng chênh lệch giá vàng miếng SJC và thế giới.

NHNN cũng đã lấy ý kiến của một số tổ chức về vấn đề này nhằm sửa Nghị định 24. Mới đây, ngày 28/7, Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với các bộ, ban ngành trung ương đã nói thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt đưa ra thông điệp chống đô la hóa, chống vàng hóa.

Như vậy, có thể thấy Nhà nước vẫn sẽ giữ quan điểm vàng miếng SJC là vàng miếng thương hiệu quốc gia, cũng như khả năng cấp hạn ngạch để cho ngân hàng thương mại đem ngoại tệ nhập vàng miếng về không xảy ra. Do đó, vàng miếng SJC tiếp tục chênh lệch so với giá vàng thế giới ở mức cao nên rót vốn vào vàng ở thị trường trong nước khá rủi ro, dù giá vàng đang đà xuống.

Tuy nhiên, để có thể phân tán rủi ro nhà đầu tư vẫn có thể chia tài sản để rót vốn vào các kênh đầu tư khác nhau, trong đó có bất động sản, vàng và chứng khoán. Bởi theo ông Huỳnh Trung Khánh, triển vọng tăng của mặt hàng kim quý vàng chưa hết khi lạm phát tăng cao và kinh tế rơi vào suy thoái và vàng vẫn là “hầm trú ẩn an toàn”.

Vàng tiếp tục tăng nhẹ, giá SJC cao hơn thế giới gần 19 triệu đồng/lượng
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay tiếp tục tăng nhẹ lên 1.676 USD/ounce sau một ngày Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư