Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vàng lập kỷ lục trên 2.500 USD/ounce, điều gì đang chờ sắp tới?
Đông Phong - 20/08/2024 14:44
 
Vàng đang ở mức giá kỷ lục khi vượt qua ngưỡng 2.500 USD/ounce do thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong tháng tới.

Vàng được giao dịch quanh mức kỷ lục 2.500 USD/ounce trong phiên giao dịch sáng ngày 20/8, theo dữ liệu của Trading Economics. Như vậy, vàng trở thành một trong những mặt hàng có hiệu suất sinh lời tốt nhất năm 2024 khi đã tăng giá tới 21% kể từ đầu năm đến nay.

Giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 2.500 USD/ounce trong phiên giao dịch sáng ngày 20/8. Nguồn: Trading Economics
Giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 2.500 USD/ounce trong phiên giao dịch sáng ngày 20/8/2024. Nguồn: Trading Economics

Các ngân hàng, bao gồm ANZ dự đoán vàng vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng giá. Còn giới phân tích dự đoán 5 động lực chính dưới đây sẽ chi phối thị trường vàng trong thời gian tới.

Lãi suất thực

Đợt tăng giá mới nhất của vàng chủ yếu là do kỳ vọng rằng các quan chức Fed sẽ sớm bắt đầu hạ lãi suất, với một đợt cắt giảm sẽ được thực hiện trong cuộc họp chính sách vào tháng tới. Câu chuyện đó sẽ kéo lãi suất thực xuống thấp hơn, tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho vàng thỏi - một sản phẩm đầu tư vốn không trả lãi.

Những động thái gần đây như giá vàng cao hơn và lãi suất thấp hơn, báo hiệu rằng các động lực vĩ mô truyền thống như lợi suất trái phiếu đang quay trở lại vị thế hàng đầu. Đầu năm nay, vàng thỏi vẫn tăng giá ngay cả khi lợi suất trái phiếu tăng, một mô hình biến động bất thường khiến các nhà phân tích dày dạn kinh nghiệm không ngờ tới. Sự phân tách quan hệ giữa giá vàng và lợi suất trái phiếu ở thời điểm đó chủ yếu là do hoạt động mua vàng mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.

Quyết sách của Fed

Khi giá vàng tăng cao hơn, nhiều quỹ đầu cơ và nhà đầu tư gia nhập thị trường này hơn. Theo dữ liệu của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ, các khoản cược tăng giá ròng đối với hợp đồng tương lai trên sàn Comex gần chạm mức cao nhất trong bốn năm vào giữa tháng 7. Tuần trước, mức tăng 9% lãi suất mở cho thấy các nhà đầu tư đang lạc quan hơn về vàng thỏi, thay vì chỉ đóng các vị thế bán khống.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, sẽ có bài phát biểu đáng chú ý tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào cuối tuần này, với hàm chứa manh mối về chính sách tiền tệ sắp tới của Mỹ.

Theo Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại TD Securities, các chất xúc tác sắp tới cho thị trường vàng sẽ đến từ quan điểm chính sách được Fed nêu ra tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole, cùng với dữ liệu bảng lương sắp tới của Mỹ.

Các nhà đầu tư ETF

Một kịch bản tương tự có thể đang diễn ra tại các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tập trung vào vàng thỏi, khi mà mối quan tâm đến thị trường vàng ngày càng lớn trong những tuần gần đây. Khi giá vàng tăng mạnh vào tháng 3 và tháng 4/2024, lượng nắm giữ ở các quỹ ETF vẫn tiếp tục ghi nhận dòng tiền chảy ra ròng. Tuy nhiên, từ tháng 6, tình hình dường như đã thay đổi khi các quỹ ETF đã chứng kiến dòng tiền chảy vào ròng trong hai tháng qua.

Nhu cầu thị trường OTC

Nhu cầu trên thị trường giao dịch phi tập trung (OTC) - nơi các giao dịch được thực hiện thông qua các đại lý hoặc giữa người mua và người bán trực tiếp, không qua sàn giao dịch hoặc trung tâm thanh toán bù trừ - có thể khó theo dõi, nhưng đây là một đặc điểm quan trọng cần để mắt trong năm nay.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), hoạt động mua vàng thỏi vật chất gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là hoạt động mua vào của các công ty gia đình ở châu Á, đã giúp lượng tiêu thụ vàng ghi nhận quý thứ hai tăng trưởng tốt nhất trong ít nhất 25 năm qua. Tổ chức này cũng cho biết nhu cầu tăng trưởng hơn nữa trên thị trường OTC dự kiến​ sẽ là động lực chính thúc đẩy đà tăng của vàng trong thời gian tới.

Chênh giá ờ sàn vàng Thượng Hải

Mặc dù nhiều chỉ số có vẻ tích cực, nhưng một số thì không, bao gồm cả các số liệu từ Trung Quốc. Đầu năm nay, cơn sốt mua vào của các nhà đầu tư lẻ ở Trung Quốc - cùng với hoạt động mua vàng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - đã trợ lực cho giá vàng tăng cao. Sau đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tạm dừng mua vào.

Ngoài ra, "Shanghai Premium", thuật ngữ ám chỉ chênh lệch giá giữa vàng thế giới với vàng giao dịch tại Trung Quốc, là chỉ dấu đáng lưu tâm.

Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lượng lớn vàng, nhưng người mua vàng ở nước này thường phải trả mức giá cao hơn giá quốc tế. Cần lưu ý rằng mức chênh giá này đã tăng lên 89 USD/ounce vào đầu tháng 4/2024 - thời điểm vàng nóng bỏng tay. Mức chênh giá trung bình trong năm qua là 35 USD/ounce, so với mức trung bình trong quá khứ chỉ là 7 USD.

Hiện nay, mức chênh giá vàng tại Thượng Hải so với giá vàng quốc tế đã giảm, thậm chí chuyển sang trạng thái âm vào tháng 7 và tháng 8, một chỉ dấu cho cho thấy nhu cầu vàng suy yếu.

Giá vàng lập kỷ lục khi nhà đầu tư đặt cược lãi suất giảm
Giá vàng đạt kỷ lục còn trái phiếu tăng điểm vào ngày 17/7 khi các thị trường đặt cược cho đợt cắt giảm lãi suất trên toàn cầu sắp tới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư