Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
VEC thu xếp 125.000 tỷ cho 5 tuyến cao tốc
Anh Minh - 07/10/2014 06:20
 
Với việc thu xếp thành công hơn 125.000 tỷ đồng cho 5 tuyến đường cao tốc, trong đó đã đưa vào khai thác 316 km, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã khẳng định vị trí đầu tàu khơi mở hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
VEC lên tiếng về khiếm khuyết tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
VEC nói gì về kết quả kiểm toán cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình?
VEC giảm mạnh phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Những ý tưởng đầu tiên

Đầu những năm 2000, trên cơ sở nguồn vốn dư tại các dự án khôi phục và cải tạo Quốc lộ 1, Việt Nam đã đưa vào khai thác 2 đoạn (mỗi đoạn khoảng 30 km) tiền cao tốc đầu tiên của Việt Nam là Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Bắc Ninh.

   
     

Cần phải nói thêm rằng, đây cũng là lúc ngành giao thông - vận tải (GTVT) đang phải đối mặt với bài toán lớn khi những vụ tắc xe liên tục xảy ra với tần suất, quy mô rất lớn trên Quốc lộ 1 trong giai đoạn từ năm 1998 đến 2000. Đây là tiếng chuông cảnh báo cho ngành GTVT, đặt ra yêu cầu phải có một chuyển hướng chiến lược trong xây dựng và phát triển đường bộ.

Thực tế vào thời điểm đó, chưa mấy ai ủng hộ làm đường cao tốc, lý do là đất nước còn nghèo, GDP chưa vượt ngưỡng 1.000 USD/người/năm. Tuy nhiên, kinh nghiệm của các nước cho thấy, bằng cách nào cũng phải đầu tư xây dựng đường cao tốc, nếu không sẽ làm đình trệ sự phát triển.

Được biết, ngay từ đầu năm 2000, Bộ GTVT đã từng thử tìm kiếm cơ hội vay vốn ODA cho các dự án đường cao tốc, nhưng đều chỉ nhận được một câu trả lời chung từ các nhà tài trợ là: vốn vay ưu đãi chỉ dành cho các dự án cải tạo, khôi phục hạ tầng và giúp xóa đói giảm nghèo... Trong khi đó, đặc thù các dự án đường cao tốc thường có mức đầu tư lớn, thời gian xây dựng và hoàn vốn kéo dài, rủi ro cao, nên các nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam và nước ngoài thường không muốn bỏ vốn làm các dự án BOT đường cao tốc.

Để có lối ra, việc huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu công trình hoặc vay vốn OCR từ các nhà tài trợ quốc tế đã được tính đến. “Ý tưởng thành lập một doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư chịu trách nhiệm huy động vốn để đầu tư, xây dựng và sau đó vận hành, khai thác để hoàn vốn dần dần được hình thành”, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến nhớ lại.

Một tầm nhìn chiến lược

Phải mất gần 4 năm để cụ thể hóa những ý tưởng ban đầu, với dấu mốc chính là phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 16/8/2004. Tại phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã chỉ rõ, nhu cầu phát triển các đường cao tốc là hết sức cấp bách, đồng thời khẳng định, cần sớm thành lập một công ty nhà nước để đầu tư trên cơ sở tính toán chi tiết từng yêu cầu để cho ra đời công ty này từ quy mô vốn cho đến cả những việc chi tiết như kinh doanh dọc tuyến, tổ chức thu phí...

Ngày 1/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản 1245/CP-ĐMDN đồng ý thành lập Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (nay là VEC), với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, bao gồm 50 tỷ đồng vốn ngân sách cấp và nguồn bán quyền thu phí 2 trạm Cầu Giẽ và Phù Đổng trong 10 năm, nghiên cứu việc giao giá trị cơ sở hạ tầng 2 tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Bắc Ninh để nâng cao tiềm lực tài chính của VEC.

Sau đó, ngày 6/10/2004, Bộ trưởng GTVT đã ký Quyết định số 3033/QĐ-BGTVT về việc thành lập VEC. “Với quyết định này, doanh nghiệp chuyên nghiệp đầu tư và phát triển đường cao tốc đầu tiên ở Việt Nam ra đời”, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình đánh giá.

Cần phải nói thêm rằng, ngoài quyết định “khai sinh”, hai văn bản pháp lý quan trọng khác góp phần định hình nên VEC chính là Quyết định số 1202/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 về việc áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án đầu tư khai thác đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư và Quyết định số 1734/QĐ - TTg ngày 1/12/2008 phê duyệt Quy hoạch Phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Tại hai quyết định trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT xây dựng VEC thành doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC, kỳ vọng của Chính phủ và Bộ GTVT khi thành lập Công ty là phải hình thành được một doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ lực, đầu mối chịu trách nhiệm chính trong huy động, thu hút vốn để đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia dưới nhiều hình thức do Chính phủ bảo lãnh, hoặc liên danh, liên kết... theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh, tự hoàn vốn.

Từ mô hình cổ điển là trông chờ vào nguồn vốn ngân sách rót xuống, đầu tư xong công trình, chuyển giao cho đơn vị khai thác là hết trách nhiệm, VEC vừa phải tự tìm kiếm, huy động các nguồn vốn, sau đó triển khai đầu tư các tuyến đường một cách hiệu quả nhất để có thể sớm thu hồi vốn, tạo nguồn lực để tái đầu tư vào các dự án đường cao tốc khác.

“Sự chủ động, gắn trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm đã đầu tư là một trong những nét ưu việt rõ nhất trong mô hình mới, mang tầm chiến lược này”, ông Mai Tuấn Anh khẳng định.

Ra ngõ gặp núi

Với đặc điểm là mô hình chưa từng có tiền lệ, lại hướng tới một lĩnh vực hạ tầng đòi hỏi một lượng vốn đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, nên đây vừa là bước đột phá táo bạo, bước chuyển lớn về tư duy đầu tư, song cũng đặt ra cho tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên VEC trách nhiệm nặng nề.

Trên thực tế, không dễ để Tổng công ty vượt qua hàng loạt khó khăn, thách thức rất lớn trong thời gian đầu hoạt động như: cơ chế chính sách trong huy động, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trong nước chưa đồng bộ, có độ vênh lớn với những quy định của nhà tài trợ; lượng vốn được giao ban đầu để hình thành vốn điều lệ rất hạn chế - chưa tới 1.000 tỷ đồng so với nhiệm vụ được giao; bộ máy nhân sự vừa làm, vừa tự đào tạo để hoàn thiện.

Theo ông Mai Tuấn Anh, đỉnh điểm khó khăn của VEC là vào đầu năm 2011, khi dư nợ của Tổng công ty đã lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, các sản phẩm đầu tay chưa có để khẳng định tính đúng đắn của mô hình thí điểm, nên đã có thời điểm, một số cơ quan quản lý nhà nước đã đề nghị xem xét lại hoạt động của VEC, thậm chí cảnh báo nguy cơ có thể trở thành một “Vinashin” thứ hai.

“Đã là thí điểm thì có thể thành công hoặc thất bại; nếu thành công là tốt, còn thất bại thì ai có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm, do đó sự dè dặt, thận trọng là không thể chê trách”, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, nguyên Tổng giám đốc VEC thừa nhận.

Đột phá mạnh mẽ

Áp lực chỉ dần được cởi bỏ cho VEC khi phân đoạn đầu tiên của Dự án Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 20 km được đưa vào khai thác và thu phí. “Việc đưa vào khai thác công trình đường cao tốc đầu tiên đã giúp VEC hoàn thành lời hứa trước Chính phủ, Bộ GTVT và tạo những dòng doanh thu đầu tiên cho doanh nghiệp“, ông Mai Tuấn Anh đánh giá.

Thực tế cho thấy, hoạt động của VEC chỉ thực sự chuyển biến nhanh và mạnh trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhờ những hướng dẫn, chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Đây là giai đoạn VEC đã và đang trở thành một đối tác tin cậy, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các nhà thầu; coi tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư là trách nhiệm của chính mình.

Kể từ khi dự án đầu tiên là đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đưa vào khai thác (tháng 11/2011), tiếp đến là các tuyến Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, qua thực tế quá trình khai thác, vận hành, đến nay, VEC đã khẳng định được việc đầu tư, khai thác, vận hành có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu mục tiêu đề ra khi thành lập VEC.  

Những thành công quan trọng trên là cơ sở để giữa năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, mô hình tổ chức, hoạt động của VEC là đúng hướng, phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ bản đáp ứng được các đạt mục tiêu đề ra khi thành lập đơn vị.

Ngày 8/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2072/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Đây là quyết định quan trọng, tạo điều kiện để VEC cải thiện cơ bản năng lực tài chính; có thể hoàn vốn, trả nợ các khoản vay và tiếp tục đảm nhận đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khác trong thời gian tới.

Ngày 21/9/2014, sau 5 năm thi công, Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam do VEC đầu tư) được chính thức thông xe khai thác toàn tuyến. Đây là mốc son đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của VEC trong nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách của một trong những dự án hạ tầng có quy mô lớn, độ phức tạp nhất Việt Nam.

Theo ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch VEC, cùng với việc quản lý chặt chẽ chất lượng, tránh để xảy ra tham nhũng, lãng phí và hoàn thành đúng tiến độ các dự án đang trong giai đoạn xây dựng như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Đà Nẵng - Quảng Ngãi…, VEC tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Tái cơ cấu toàn diện Tổng công ty gắn với cổ phần hóa theo yêu cầu của Bộ GTVT.

“Đích đến của tái cơ cấu VEC là tiếp tục giữ vững vai trò là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nền tảng tài chính mạnh, thu hút nhiều nguồn vốn ngoài xã hội, đóng vai trò chủ lực trong việc hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 1.000 km đường cao tốc sau vài năm tới”, ông Việt khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư