Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
"Vi hành" doanh nghiệp phải công khai
Bảo Duy - 16/12/2016 19:37
 
Thủ tướng Chính phủ vừa nhắc lại yêu cầu về việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Các bộ, ngành chỉ được thực hiện 1 năm/1 lần, không trùng lắp, chồng chéo. Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc các bộ, ngành phải công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp biết.

Đây là lần thứ hai trong năm nay, Thủ tướng yêu cầu điều này.

Hồi tháng 5/2016, ngay sau khi nhậm chức, ngay sau cuộc gặp đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó yêu cầu tương tự được đặt ra với các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

.
.

Cũng tại Nghị quyết này, đã có yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, phải phối hợp trong các kế hoạch thanh, kiểm tra doanh nghiệp.

Vào thời điểm đó, cộng đồng doanh nghiệp vô cùng phấn khích. Nỗi khổ kinh niên của doanh nghiệp hiếm khi được chạm tới một cách cụ thể, chi tiết như vậy.

Hơn nữa, chưa bao giờ, nguyên tắc của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được ghi rõ là bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.

Nhưng tình hình có vẻ chưa chạy theo đúng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016 - cuộc đối thoại doanh nghiệp lớn nhất trong năm giữa cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với Chính phủ vừa diễn ra, than phiền về gánh nặng thanh tra, kiểm tra vẫn tiếp tục được nhắc tới, trong đó thuế chỉ là một mảng công việc.

Tại VBF, kết quả khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 được công bố hồi đầu năm nay cũng được nhắc lại. Đó là có tới 74% doanh nghiệp từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, hiện tượng doanh nghiệp có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh kiểm tra càng cao được nhấn mạnh. Nếu như các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông thường phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra/năm thì với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Ngoài ra, 25% doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và 30% doanh nghiệp vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra bị trùng lặp…

Các con số này cho cảm giác rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh quá nặng các khoản chi trả không chính thức, phải chấp nhận tình trạng nhũng nhiễu nhiều đến mức luôn ở thế đối phó, phòng thủ với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay sự áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan nhà nước các cấp… Thời gian cho làm ăn kinh doanh, nâng cao năng suất, vì vậy không còn nhiều. Các doanh nghiệp cũng không muốn lớn để bị kiểm tra, thanh tra nhiều.

Không thể phủ nhận, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng có vẻ như vẫn còn khoảng cách lớn nữa để doanh nghiệp Việt Nam được kinh doanh trong một môi trường thuận lợi, minh bạch, thủ tục hành chính chuyên nghiệp. Đáng ra, bộ máy nhà nước phải trăn trở tìm ra các giải pháp mới để hỗ trợ kinh doanh, để mở đường thúc đẩy doanh nghiệp phát triển… thì ở Việt Nam, dường như yêu cầu tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu vẫn chưa thực hiện hết…

Cho tới thời điểm này, có thể nóim doanh nghiệp đã nhận rõ thông điệp và các quyết tâm cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống văn bản, chính sách cũng được hoàn thiện căn bản. Nhưng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi, chế tài và ký luật hành chính cần phải được làm rõ hơn.

Có như vậy, tinh thần cải cách quyết liệt của Chính phủ mới đến được từng doanh nghiệp cụ thể.

Kiểm toán Nhà nước đưa Sabeco, Habeco vào "tầm ngắm" năm 2017
Trong kế hoạch kiểm toán 2017 của Kiểm toán Nhà nước, dự kiến cơ quan này cũng sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư