Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kiểm toán Nhà nước đưa Sabeco, Habeco vào "tầm ngắm" năm 2017
Phương Dung (Dân trí) - 08/12/2016 14:02
 
Trong kế hoạch kiểm toán 2017 của Kiểm toán Nhà nước, dự kiến cơ quan này cũng sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2016 của 2 doanh nghiệp ngành bia là Sabeco, Habeco.
Hiện cả Sabeco và Habeco đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước
Hiện cả Sabeco và Habeco đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước

Kiểm toán Nhà nước vừa có quyết định về kế hoạch kiểm toán năm 2017. Theo đó, năm sau, nội dung kiểm toán sẽ bao gồm việc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2016 tại hàng loạt bộ ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Tư Pháp, Bộ Y tế…

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ thực hiện kiểm toán ngân sách tại 47 tỉnh thành trên cả nước, cũng như kiểm toán công tác quản lý nợ công năm 2016, tình hình cổ phần hoá, quản lý quỹ bình ổn xăng dầu...

Ngoài ra, trong kế hoạch kiểm toán 2017 của Kiểm toán Nhà nước, dự kiến cơ quan này cũng sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2016 của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Hiện cả Sabeco và Habeco đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước theo đúng kế hoạch đặt ra trước đó của Bộ Công Thương. Trong đó, cổ phiếu BHN của Habeco đã chính thức giao dịch trên sàn UPCoM tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ hôm 28/10. Habeco cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để chuyển sang giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) ngay trong tháng 12 này. Về phía Sabeco, cổ phiếu SAB của Tổng công ty này đã chính thức được giao dịch trên HoSE vào 6/12 vừa qua.

Tuy nhiên, kế hoạch thoái vốn tại 2 doanh nghiệp này diễn ra chậm hơn một chút so với lộ trình đặt ra ban đầu. Theo lộ trình trước đó, dự kiến, Habeco thoái toàn bộ vốn của Nhà nước tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016. Đối với Sabeco sẽ chia làm 2 đợt, trong đó, đợt 1 sẽ bán 53,59% vốn điều lệ trong năm 2016 và năm 2017 sẽ bán số cổ phần còn lại là 35,6%.

Lý giải về sự chậm trễ này, báo cáo tại buổi làm việc với Tổ công tác Chính phủ sáng ngày 14/11, ông Nguyễn Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho hay, việc thoái vốn Nhà nước tại 2 Tổng công ty này rất phức tạp, được nhiều người quan tâm.

Theo những thông tin đưa trước đó, riêng tại Habeco, vướng mắc hiện tại là việc đàm phán với cổ đông chiến lược Carlsberg vẫn chưa đạt được thống nhất. Trong khi đó, phía Sabeco mới đây cho biết hiện đang làm thủ tục đấu thầu chọn tư vấn để thực hiện thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương.

Ngoài hai doanh nghiệp trên, kế hoạch kiểm toán cũng đề cập tới Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP cùng một loạt các ngân hàng: VietinBank, BIDV, Vietcombank, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Bảo hiểm tiền gửi và DATC...

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, dự kiến 2017, cơ quan này sẽ tập trung kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của 2 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Hai ngân hàng này là Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân Hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GP Bank).

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015, việc Ocean Bank được mua lại với giá 0 đồng năm 2015 là nguyên nhân khiến khoản đầu tư của PetroVietnam tại ngân hàng này bị mất trắng, ảnh hưởng đến kết quả thoái vốn chung của các doanh nghiệp Nhà nước.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 115 báo cáo kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2016 trình xét duyệt cho thấy, số kiến nghị xử lý tài chính lên tới gần 14.800 tỷ đồng (trong đó tăng thu hơn 3.000 tỷ đồng; giảm chi trên 2.500 tỷ đồng; xử lý tài chính khác gần 9.200 tỷ đồng), kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 34 văn bản, gồm 1 Nghị định, 4 Quyết định và 29 văn bản khác.

Một số lỗ hổng chính sách đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời từ hoạt động kiểm toán 2016, gồm có quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng; việc quản lý và sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2015; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cơ chế quản lý thực hiện các dự án BOT; việc đầu tư thiếu hiệu quả, lãng phí tại một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...

Kế hoạch kiểm toán 2017 có gì đáng chú ý?
Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch kiểm toán năm 2017. “Năm 2017 - năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách nhà nước 2015,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư