Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Viên xương khớp Japan, Viên nang Gân Cốt Hoàn chứa chất cấm Diclofenac
D.Ngân - 22/01/2022 17:21
 
Hai sản phẩm thực phẩm chức năng là Viên xương khớp Japan và Viên nang Gân Cốt Hoàn bị phát hiện chứa chất cấm Diclofenac.

Cục An toàn thực phẩm nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Japan chứa chất cấm Diclofenac (4,85 mg/g). 

Ảnh minh họa.

Lô sản phẩm bị phát hiện chứa chất cấm là BX021901; Ngày sản xuất: 06/2019; Hạn dùng: 06/2022; Số XNCB: 48441/2017/ATTP-XNCB.

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng là Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm Japan, địa chỉ: 52/1 ĐHT 10, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM.

Sản phẩm được sản xuất tại chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Tâm Minh Anh, địa chỉ: 52/1 Đông Hưng Thuận 10, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM.

Một sản phẩm khác là Viên nang Gân Cốt Hoàn cũng bị phát hiện có chứa chất cấm Diclofenac (7,16 mg/g). Sản phẩm phát hiện vi phạm có lô sản xuất số 0006; ngày sản xuất 20/06/2019; hạn sử dụng: 19/06/2022; cơ sở sản xuất sản phẩm có địa chỉ tại 58 Cao Văn Lầu, phường 1, quận 6, TP.HCM.

Theo Ủy ban Đánh giá Nguy cơ Cảnh giác dược (PRAC) thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA), nguy cơ trên tim mạch của Diclofenac tương tự như nhóm thuốc giảm đau ức chế chọn lọc COX-2 (coxib), đặc biệt khi dùng thuốc với liều cao và điều trị dài ngày. 

Do đó, PRAC khuyến cáo các vấn đề cần lưu ý, thận trọng trong sử dụng các thuốc ức chế chọn lọc COX-2 cũng nên được áp dụng đối với Diclofenac để giảm thiểu nguy cơ hình thành cục máu đông. CMDh đã đồng ý với PRAC và thông qua khuyến cáo mới này.

Với hai vụ việc nêu trên, Cục An toàn thực phẩm đang chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi (nơi lấy mẫu) và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (nơi có cơ sở sản xuất và công bố) xác minh, xử lý vụ việc.

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu kiểm tra, giám sát của một số Viện, địa phương phát hiện chất cấm trong sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, các sản phẩm có chất cấm đã phát hiện chủ yếu thuộc nhóm hỗ trợ giảm cân (chứa Phenolphtalein, Sibutramine), sinh lý (chất ức chế PDE5: Sildenafil, Tadalafil,…), xương khớp (Diclofenac, Corticoid…).

Gần đây, ngày 18/1, Cục An toàn Thực phẩm nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang và Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống giảm cân SEVEN DAYS có chứa chất cấm Sibutramine (12,54 mg/viên).

Sản phẩm này có số lô sản xuất là 202021109; ngày sản xuất: 9/11/2020. Sản phẩm do LeeNguyen., JSC-Hanoi-Vietnam (địa chỉ: số 267 Hồ Tùng Mậu, Phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhập khẩu và phân phối.

Cùng ngày, Cục cũng nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe DIAMOND Power Slim. Kết quả cho thấy sản phẩm cũng chứa chất cấm Sibutramine (10,46 mg/viên).

Sản phẩm này có lô sản xuất: 0001, ngày sản xuất: 25/9/2020. Sản phẩm được sản xuất tại Công ty cổ phần BIGFA (Khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Trước đó, ngày 13/1, cục cũng đưa ra khuyến cáo về 2 sản phẩm giảm béo của Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển (Điểm công nghiệp Đan Phượng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein.

Hai sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe này là Feo dứa (số lô: SOLO: 04/2021, ngày sản xuất: 25/11/2021) và Viên uống thảo mộc Mộc Slim (số lô: SOLO: 01/2021; ngày sản xuất: 17/04/2021).

Đến ngày 17/1, Cục An toàn Thực phẩm đưa thông tin cảnh báo về 2 sản phẩm có chứa chất cấm Sibutramine là Slimming TIGI MAX 28 và Slim Phục Linh Plus.

Slimming TIGI MAX 28 do công ty TNHH TM DV VINAPHARMA, địa chỉ: 622/24A Cộng Hòa, P13, quận Tân Bình, TP.HCM, phân phối.

Slim Phục Linh Plus được sản xuất tại nhà máy 2- Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế Thăng Long, địa chỉ: Lô 7-1 Protrade International Tech Park, xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Để an toàn sức khoẻ cho người sử dụng, ngăn chặn kịp thời sản phẩm vi phạm, Cục An toàn thực phẩm vừa ban hành công văn số 136/ATTP-PCTTR đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban Quản lý An toàn thực phẩm: TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022. 

Tăng cường kiểm tra trên địa bàn, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm thuộc các Danh mục quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BYT để kiểm nghiệm, ưu tiên lấy mẫu các sản phẩm có nguy cơ thuộc nhóm hỗ trợ giảm cân, sinh lý, xương khớp, tiểu đường…

Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về Thông tư số 10/2021/TT-BYT ngày 30/6/2021 của Bộ Y tế quy định Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; 

Quá trình hậu kiểm nếu phát hiện vi phạm cần xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo về Cục An toàn thực phẩm để phối hợp quản lý.

Loạn thực phẩm chức năng giả
Lợi dụng tâm lý lo lắng, bất an của người dân về Covid-19, nhiều đối tượng không từ thủ đoạn kinh doanh thuốc lậu, thực phẩm chức năng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư