Thứ Tư, Ngày 09 tháng 07 năm 2025,
Việt Nam hành động kiểm soát ô nhiễm không khí giai đoạn 2025-2030
D.Ngân - 08/07/2025 15:58
 
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng tại các đô thị lớn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh cần hành động ngay, với lộ trình cụ thể và giải pháp đồng bộ.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tham vấn Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030.

 Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đang là thách thức nghiêm trọng tại các đô thị lớn.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, các tổ chức quốc tế và nhiều nhà hoạch định chính sách. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh rằng, kiểm soát ô nhiễm không khí không chỉ là nhiệm vụ môi trường đơn thuần, mà là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững và giữ gìn hình ảnh quốc gia.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đang là thách thức nghiêm trọng tại các đô thị lớn.

Dù nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm, kết quả vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đều đã nhiều lần chỉ đạo cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ, trong đó nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương và sự điều phối từ Trung ương.

Bộ trưởng cho biết, trước đây Chính phủ từng giao Bộ Xây dựng đề án khắc phục ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tuy nhiên, theo đề xuất của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, định hướng này được điều chỉnh sang xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia, thể hiện cách tiếp cận mới là phân cấp rõ ràng, Trung ương xây khung, địa phương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước người dân.

Dự thảo kế hoạch đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, tiếp thu ý kiến chuyên gia, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và dự báo các áp lực môi trường trong 5-10 năm tới để xác định những nhiệm vụ cần hành động ngay.

Theo TS.Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường, dự thảo lần này đặt ra ba nhóm mục tiêu chính, như: Cải thiện chất lượng không khí, trong đó mục tiêu cụ thể là giảm 20% số ngày có chất lượng không khí ở mức "xấu" trở lên tại Hà Nội vào năm 2030 so với năm 2024; kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm chính như khí thải công nghiệp, giao thông và hoạt động đốt rơm rạ; xây dựng đô thị văn minh, phát triển không gian xanh và tăng cường truyền thông, hợp tác quốc tế.

Một điểm mới trong kế hoạch lần này là mọi mục tiêu đều phải lượng hóa rõ ràng, tuân thủ nguyên tắc “6 rõ” của Chính phủ: Rõ người làm, rõ việc làm, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm và rõ thẩm quyền.

Dự thảo đề xuất đến năm 2030, 100% xe buýt tại Hà Nội sử dụng năng lượng xanh; tất cả các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao sẽ được kiểm soát khí thải chặt chẽ; các địa phương phải có kế hoạch di dời hoặc yêu cầu chuyển đổi công nghệ với các nhà máy cũ, lạc hậu nằm trong khu dân cư.

Ngoài ra, cần kiểm soát bụi từ các công trình xây dựng, thúc đẩy xây dựng xanh và nghiên cứu lắp đặt hệ thống lọc không khí tại các công trình công cộng quy mô lớn.

Một trong những nội dung được Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh là việc Việt Nam cần có lộ trình rõ ràng để giảm nồng độ bụi mịn PM2.5, yếu tố gây hại trực tiếp tới sức khỏe. Hiện nồng độ trung bình năm ở Hà Nội khoảng 48 µg/m³, trong khi quy chuẩn quốc gia là 25 µg/m³.

Nếu đặt mục tiêu giảm 20% trong giai đoạn 2025-2030, nồng độ PM2.5 sẽ giảm còn khoảng 38 µg/m³ vẫn cao hơn ngưỡng cho phép. Bộ trưởng cho rằng cần có kế hoạch dài hạn hơn đến năm 2035, đưa nồng độ PM2.5 về sát chuẩn quốc gia, thậm chí tiến tới tiệm cận ngưỡng nghiêm ngặt hơn của Trung Quốc là 35 µg/m³.

Để đạt được mục tiêu này, việc phân tích, khoanh vùng và xử lý từng nhóm nguồn phát thải là rất quan trọng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thay vì đốt rơm rạ và phụ phẩm, các địa phương có thể tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ hoặc năng lượng sinh học.

Với giao thông, cần lộ trình cụ thể như dừng đăng ký xe máy xăng mới từ năm 2030 và loại bỏ hoàn toàn vào năm 2035. Song song, phải có chính sách hỗ trợ người dân chuyển sang xe điện, đặc biệt là nhóm lao động sử dụng xe máy để mưu sinh.

Một yếu tố then chốt khác được các đại biểu thống nhất là đầu tư đồng bộ vào hệ thống quan trắc chất lượng không khí. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, "nếu không có số liệu chính xác thì sẽ không thể giám sát, đánh giá hiệu quả chính sách. Hệ thống quan trắc là nền tảng để hành động đúng”.

Theo ông, chi phí đầu tư cho hệ thống quan trắc không lớn so với đầu tư hạ tầng giao thông với mức tương đương vài km đường cao tốc, có thể xây dựng hệ thống quan trắc hoàn chỉnh cho một thành phố lớn.

Tại Hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Đại cũng đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng. Trong đó, Hà Nội đề xuất bổ sung vào kế hoạch các nguồn thải hiện chưa được nhắc tới như đốt nương rẫy tại các tỉnh lân cận, phát thải từ chăn nuôi quy mô lớn (Hà Nội hiện có hơn 43 triệu gia cầm và 1,45 triệu con lợn).

Về phát thải giao thông, hiện chiếm khoảng 23% ông cho rằng nếu không có cơ chế hỗ trợ phù hợp như trợ giá xe điện, việc chuyển đổi phương tiện sẽ rất khó khả thi.

Ngoài ra, Hà Nội cũng kiến nghị cần có quy định cứng về tỷ lệ ngân sách địa phương dành cho bảo vệ môi trường, tương tự như quy định ngân sách cho khoa học- công nghệ. Đây là yếu tố đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện kế hoạch tại các địa phương, tránh tình trạng “có kế hoạch nhưng không có tiền để triển khai”.

Minh bạch, hiện đại, cá nhân hóa: FWD tái định nghĩa trải nghiệm bảo hiểm
Minh bạch, hiện đại, cá nhân hóa - ba giá trị cốt lõi được FWD cụ thể hóa thông qua những cải tiến mới trong bộ hợp đồng bảo hiểm và ứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư