Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 07 tháng 11 năm 2024,
Vietranstimex (VTX) có lao đao sau khi bị tạm dừng vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng?
Duy Bắc - 04/06/2021 18:29
 
Khi kết quả kinh doanh mới vừa có dấu hiệu trở lại sau nhiều năm đì đẹt, CTCP Vận tải Đa phương thức Vietranstimex (Mã chứng khoán VTX - UPCoM) đã gặp ngay cú sốc.

Kết quả kinh doanh liên tục tụt dốc

Theo Bản cáo bạch năm 2014, Vietranstimex cho biết, doanh nghiệp này là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực vận tải xếp dỡ và lắp đặt thiết bị siêu trường, siêu trọng; vận tải đa phương thức của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và cả châu Âu.

Trong đó, doanh nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ cả vận tải đường bộ, đường sông, đường biển và các dịch vụ khác.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2017 - 2020, hoạt động kinh doanh của VTX liên tục lao dốc. Năm 2018, lợi nhuận giảm 65,5%, năm 2019 giảm 27,3% và năm 2020 giảm 1,4%. Trong đó, đặc biệt là lợi nhuận kinh doanh cốt lõi liên tục giảm.

Chính vì kết quả kinh doanh liên tục suy giảm, nên doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc các lĩnh vực khác, quay lại lĩnh vực cốt lõi là vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Nhờ điều này, đã giúp VTX ghi nhận lợi nhuận đột biến từ hoạt động khác năm 2020.

Cụ thể, trong năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 198,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 27,2% và 1,4% so với thực hiện trong năm 2019. Tốc độ giảm của lợi nhuận thấp hơn tốc độ giảm của doanh thu vì trong năm, doanh nghiệp có ghi nhận lợi nhuận khác là 35 tỷ đồng, tăng 31,1 tỷ đồng so với năm trước do thực hiện thanh lý tài sản không cần thiết cho hoạt động kinh doanh, đảm bảo tập trung nguồn lực cho hoạt động siêu trường, siêu trọng.

Nếu loại bỏ đi hoạt động kinh doanh đột biến và tính mình hoạt động kinh doanh cốt lõi (Doanh thu thuần - Giá vốn hàng bán - Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) thì lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi năm 2020 là âm 30 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 0,6 tỷ đồng.

Như vậy, năm 2020 doanh nghiệp thoát lỗ nhờ vào việc thoái vốn mảng ngoài ngành và quay trở lại tập trung mảng cốt lõi là vận tải siêu trường, siêu trọng.

Vietranstimex (VTX) có lao đao sau khi bị tạm dừng vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng? ảnh 1

Kết quả kinh doanh của VTX giai đoạn 2017-2020 (Nguồn: BCTC)

Vừa gượng dậy đã bị ngã đau

Với chiến lược quay trở lại ngành nghề cốt lõi, trong năm 2020, doanh nghiệp đã trúng thầu các dự án lớn với SCI (vận chuyển 46 trụ điện đó), Sunpro (vận chuyển và lắp đặt), Amecc (17 kiện Module; Shiploader)…

Với các hợp đồng trên, năm 2021, VTX tự tin đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với doanh thu là 382,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 19,97 tỷ đồng, lần lượt bằng 193% và 457% so với thực hiện trong năm 2020. Đồng thời, kỳ vọng sẽ đưa Công ty trở lại thị trường vận chuyển ngành hàng siêu trường siêu trọng với một vị thế dẫn đầu, nâng cao từ trình độ kỹ thuật vận hành tới chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng của thị trường Việt Nam.

Mặc dù doanh nghiệp không công bố cơ cấu cụ thể của từng lĩnh vực trong cơ cấu doanh thu, nhưng trong các tài liệu Đại hội cổ đông năm 2021 (dự kiến tổ chức ngày 10/6 tại TP.HCM) và Báo cáo thường niên năm 2021, doanh nghiệp đều nhấn mạnh lĩnh vực vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng tiếp tục là hoạt động kinh doanh chính của mình trong thời gian tới.

Kế hoạch tham vọng trên là có cơ sở khi ngay trong quý I/2021, kết quả kinh doanh của VTX đã có sự khởi sắc. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2021, trong kỳ, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 59,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 81% và 186% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận tăng trưởng do hoạt động kinh doanh bắt đầu khởi sắc và phục hồi sau dịch dẫn tới biên lợi nhuận gộp tăng từ -3,7% lên 36%.

Tuy nhiên, khi kết quả kinh doanh vừa có dấu hiệu hồi phục trở lại, ngay lập tức Công ty đã gặp cú sốc lớn, bắt nguồn từ vụ tai nạn lập xe chở cánh quạt điện gió xảy ra tại Quảng Bình ngày 18/5/2021.

Vụ tai nạn lập xe chở cánh quạt điện gió xảy ra tại Quảng Bình ngày 18/5/2021.

Sau vụ tai nạn này, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu Công ty tạm dừng việc vận chuyển toàn bộ các hàng siêu trường, siêu trọng lưu thông trên mạng lưới đường bộ cả nước. Ngoài ra, còn tạm dừng việc cấp Giấy phép lưu hành đối với các trường hợp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng mà phải có lực lượng chức năng có thẩm quyền hướng dẫn, điều tiết giao thông khi lưu thông trên đường bộ.

Điều này có thể đẩy VTX quay trở lại con đường khó khăn nếu tình hình không sớm được giải quyết, nhất là khi sức khỏe tài chính của doanh nghiệp tới thời điểm 31/3/2021 cũng không được đánh giá cao.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính quý I/2021, tính tới 31/3/2021, doanh nghiệp đang nhận tiền người mua trả trước lên tới 42,6 tỷ đồng, trong đó của Công ty cổ phần SCI E&C là 31,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện gió Sunpro - Bến Tre số 8 là 9 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thiết kế công nghiệp hóa chất là 0,9 tỷ đồng…

Đây nhiều khả năng liên quan tới các hợp đồng lớn về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng của doanh nghiệp đã ký với khách hàng. Nếu như hoạt động vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng tiếp tục gián đoạn trong một thời gian dài, điều này sẽ ảnh hưởng trọng yếu và có thể dẫn tới doanh nghiệp phải đền bù hợp đồng cho khách hàng, trong khi lượng tiền mặt tương đối hạn chế.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính quý I, tính tới ngày 31/3/2021, tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 234,9 tỷ đồng, chiếm 59,2% tổng tài sản; tồn kho đạt 71,9 tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 55,2 tỷ đồng, chiếm 13,9% tổng tài sản… Đặc biệt, lượng tiền mặt rất khiêm tốn chỉ có 7,4 tỷ đồng, chiếm 1,9% tổng tài sản.

Trong khoản phải thu ngắn hạn có tới 108,9 tỷ đồng là tạm ứng, ký cược, ký quỹ… cho đối tác; 95,5 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng; 50,6 tỷ đồng trả trước cho người bán… Như vậy, tài sản của doanh nghiệp chủ yếu nằm ở các đối tác, khách hàng và lượng tiền mặt tương đối khiêm tốn.

Nếu như vì hoạt động kinh doanh gặp khó, doanh nghiệp buộc phải huy động một lượng tiền mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh liên tục, cũng như thực hiện các nghĩa vụ với khách hàng (nếu có) liên quan tới các hợp đồng đã ký, điều này sẽ dễ dẫn tới VTX sẽ thiếu lượng tiền mặt trong ngắn hạn.

VTX còn lại gì sau khi đã bán phần lớn tài sản?

Ngày 28/12/2020, HĐQT VTX đã thông qua chủ trương chuyển nhượng nhà văn phòng cho Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (Mã chứng khoán STG - sàn HOSE) và chuyển nhượng phương tiện, thiết bị vận tải cho Công ty MTV Sotrans Logistics.

Tính tới ngày 31/12/2020, STG chính là cổ đông lớn nhất của VTX khi sở hữu 91,67% vốn điều lệ. Trong khi đó, Công ty cổ phần Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần lại sở hữu 96,76% vốn tại STG, như vậy cổ đông thực sự sở hữu VTX là Công ty cổ phần Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần.

Mặc dù doanh nghiệp chưa công bố cụ thể giá trị chuyển nhượng, nhưng sau khi việc triển nhượng hoàn tất, nhiều tài sản cố định của doanh nghiệp sẽ chuyển sang công ty mẹ và VTX sẽ không còn được trực tiếp sở hữu.

Cảng quốc tế Gemalink nhận 2 cẩu trục “siêu trọng” từ Doosan Vina
Gemalink được đánh giá là một trong những cảng biển hàng hóa quan trọng bậc nhất của khu vực Đông Nam Á, một cảng thông minh (smart port) hoàn toàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư