Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vingroup phản hồi thông tin niêm yết sàn chứng khoán Mỹ, bỏ ngỏ khả năng dùng SPAC
Thanh Thủy - 15/04/2021 10:32
 
Vingroup khẳng định các lựa chọn để huy động vốn và đầu tư cho VinFast là điều thường xuyên xem xét, gồm cơ hội huy động vốn như sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC).
.
 Vingroup khẳng định thường xuyên xem xét các lựa chọn để huy động vốn và đầu tư cho VinFast

Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần (mã VIC-HoSE) đã có phản hồi về tin đồn trên thị trường về khả năng niêm yết Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại VinFast tại thị trường chứng khoán Mỹ. Phía Vingroup khẳng định công ty thường xuyên xem xét các lựa chọn để huy động vốn và đầu tư cho VinFast. Điển hình là những cơ hội huy động vốn như đầu tư vốn trực tiếp vào công ty, phát hành cổ phiếu mới, sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt hoặc các giao dịch khác.

Công ty cũng cho biết việc triển khai các giao dịch huy động vốn còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường và nhu cầu vốn thực tế của công ty.

Trước đó, hãng tin Bloomberg thông tin về khả năng Vingroup sẽ thực hiện IPO VinFast tại Mỹ trong quý II nhằm huy động khoảng 2 tỷ USD. Phản hồi của Vingroup không nhắc đến một mốc thời gian cụ thể nhưng đề cập đến hình thức sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC). Đây là một phương thức giúp các công ty có thể nhanh chóng lên sàn, dù chưa đạt đủ các tiêu chuẩn niêm yết.

Như tại sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ), một trong các tiêu chuẩn được đặt ra đối với các doanh nghiệp muốn niêm yết sàn này doanh nghiệp phải có lợi nhuận. Tổng lợi nhuận trước thuế ba năm liền trước đạt 11 triệu USD, trong đó, hai năm trước đó đạt ít nhất là 2,2 triệu USD và không năm nào báo lỗ.

Đối với Vinfast - doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu. Tại sự kiện Investor Day 2021, lãnh đạo tập đoàn cho biết VinFast có kế hoạch hòa vốn EBITDA trong vòng 5 năm tới nhờ việc tăng sản lượng để gia tăng thị phần, cũng như giảm chi phí sản xuất.

Trong các điều kiện niêm yết, sàn này quy định  tổng tài sản ít nhất là 80 triệu USD và vốn chủ sở hữu ít nhất là 55 triệu USD, công ty sẽ không cần đáp ứng yêu cầu về dòng tiền và doanh thu, đồng thời giảm bớt yêu cầu vốn hóa thị trường. Vinfast có quy mô tài sản 28.116 tỷ đồng và vốn chủ sở gần 7.380 tỷ đồng (theo số liệu cập nhật đến ngày 30/6/2020), nên dễ dàng vượt qua điều kiện này.

Vắng bóng cổ phiếu Việt niêm yết ở sàn ngoại

CTCP xây dựng và đầu tư Việt Nam (Cavico) từng niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ thông qua phương thức SPAC trước đây. Việc trở thành công ty mục tiêu bị thâu tóm của một công ty SPAC (Agent155 Media Group) đã giúp doanh nghiệp này niêm yết cửa sau trên bảng Pink Sheets của thị trường chứng khoản Mỹ (năm 2006), sau đó là sàn chứng khoán OTC.BB (năm 2008) và chính thức đặt chân lên sàn NASDAQ vào tháng 9/2009. Tuy nhiên cổ phiếu của Cavico đã bị NASDAQ hủy niêm yết vào năm 2011 do vi phạm yêu cầu liên quan đến công bố thông tin.

Vài năm gần đây, một số doanh nghiệp cũng đã đánh tiếng về kế hoạch đưa cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài như VNG hay Vietjet Air nhưng hiện chưa thực hiện được. Một số công ty đã phát hành và niêm yết trái phiếu trên thị trường quốc tế.
VinFast có dự định xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Mỹ
Theo Bloomberg, VinFast có dự định xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Mỹ sau khi thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển ô tô (R&D) tại San Francisco...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư