Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 01 tháng 11 năm 2024,
VN-Index giao dịch giằng co, cổ phiếu chứng khoán và điện ngược dòng tăng mạnh
Thanh Thủy - 20/12/2021 19:25
 
Sắc đỏ phủ rộng tại các thị trường chứng khoán châu Á và cả ba chỉ số chứng khoán Việt Nam. Dòng cổ phiếu chứng khoán nằm trong số ít nhóm đi ngược thị trường.

Sắc đỏ áp đảo

Mở cửa phiên đầu tuần, nỗi lo sợ về biến chủng Omicron kéo theo các lệnh giãn cách cản trở tăng trưởng kinh tế đã khiến thị trường chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ bao gồm thị trường chứng khoán châu Á và cả các sàn chứng khoán châu Âu vừa mở cửa giao dịch. Chỉ số Nikkei 225 của sàn Nhật Bản giảm 2,13% hay nhiều thị trường khác như Ấn Độ (-2,09%), Thâm Quyết (2,01%), Hồng Kông (-1,98%)…

Dù cũng đóng cửa trong sắc đỏ, các chỉ số chứng khoán Việt Nam nhìn chung chỉ rơi nhẹ. VN-Index và HNX-Index tăng điểm trong phần lớn phiên sáng, thậm chí chỉ số sàn HoSE thường xuyên giao dịch trên ngưỡng 1.480 điểm. VN-Index lao dốc phiên chiều, rơi xuống sát ngưỡng 1.469 điểm rồi đi lên.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12, VN-Index giảm 2,46 điểm (-0,17%) xuống 1.477,33 điểm. HNX-Index giảm 1,61 điểm (-0,35%) xuống 454,59 điểm. UPCoM-Indẽ giảm 0,58 điểm (-0,52%) xuống 111,02 điểm.

.
Chứng khoán Việt Nam chỉ giảm nhẹ trong khi chứng khoán thế giới chìm sâu trong sắc đỏ

Số lượng mã cổ phiếu giảm giá cũng vượt trội với 531 mã giảm, 15 mã giảm sàn, trong khi chỉ có 338 mã tăng và 15 mã tăng kịch biên độ. VCB là cổ phiếu dìm VN-Index tuần trước nhưng lại trở thành đầu tàu nâng đỡ chỉ số phiên 20/12. Nhóm ngân hàng giao dịch phân hóa nhưng nhìn chung sắc xanh vẫn thắng thế do một số cổ phiếu nhà băng vốn hóa lớn, bao gồm TPB (+4,74%), VIB (+3,76%), VCB (+3,11%) hay EIB (+1,73%). Ở chiều ngược lại, cổ phiếu hai ông lớn bất động sản gồm VIC và VHM lại là đầu tàu kéo thị trường xuống.

Nhờ phiên tăng mạnh hôm nay, VCB đã tiến sát hơn mốc 100.000 đồng/cổ phiếu nhiều lần chưa thể chinh phục. Đồng thời, Vietcombank cũng đã lấy lại vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng vốn hóa.

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên cuối tuần trước nhưng vẫn ở mức trung bình. Giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt gần 35.046 tỷ đồng. Dù không ghi nhận cổ phiếu đạt mức thanh khoản trên nghìn tỷ đồng, nhưng dòng tiền lan tỏa hơn. Nhóm VN30 chỉ chiếm 27,7% thanh khoản trên sàn HoSE. Lực mua – bán của khối ngoại nhìn chung khá ngang ngửa. Tổng cộng trên ba sàn, giá trị bán ròng chỉ đạt 8,5 tỷ đồng. CII bị nhóm này bán ròng nhiều nhất. Các nhà đầu tư ngoại mạnh tay chốt lời khi cổ phiếu này tăng kịch biên độ.

Chứng khoán và điện ngược dòng

Giữa sắc đỏ áp đảo của thị trường, đa số cổ phiếu dòng chứng khoán vẫn đóng cửa tăng giá trên 1%, cá biệt TVS tăng kịch biên độ. Đây đã là phiên tăng trần thứ hai của Chứng khoán Thiên Việt.  Mức định giá mới của Momo – công ty fintech mà TVS đang nắm 6% vốn đang là câu chuyện hút dòng tiền vào cổ phiếu chứng khoán này.

Bên cạnh dòng chứng khoán, cổ phiếu điện cũng giao dịch khá tích cực dù vẫn có khá nhiều cổ phiếu dòng này đóng cửa trong sắc đỏ. Cổ phiếu PVPower (POW) tăng kịch biên độ lên 18.250 đồng/cổ phiếu. Đây là mức cao nhất trong lịch sử giao dịch kể từ khi lên sàn hậu IPO năm 2018. Một số cổ phiếu khác cùng ngành cũng tăng mạnh như QTP (+5,3%), NT2 (+4,2%), PGV (+1,1%)…

Sản lượng ngành điện trong năm 2021 tăng trưởng chậm hơn do ảnh hưởng bởi COVID-19 và tình trạng giãn cách kéo dài tại nhiều vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, Agriseco Research kỳ vọng ngành điện sẽ quay trở lại mức tăng trưởng 2 chữ số trong năm tới từ mức nền thấp năm 2021. 

Fed tăng lãi suất, vốn ngoại có tháo chạy?
Tỷ giá và thị trường chứng khoán là hai thị trường dự đoán sẽ chịu nhiều tác động nhất khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư