Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VN-Index vượt mốc 1.000 điểm, dòng tiền đã “tham lam” trở lại?
Thanh Thủy - 28/11/2022 17:11
 
Trái với xu hướng lao dốc của loạt thị trường chứng khoán châu Á trước tình hình ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại Trung Quốc, chứng khoán Việt Nam ngược dòng tăng, thậm chí bứt phá tăng trên 3%.

Vượt mốc 1.000 điểm, 256 mã tăng kịch trần

Tiếp đà tăng phiên giao dịch cuối tuần trước, cả ba chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng mạnh ngay đầu phiên và duy trì sắc xanh trong toàn bộ phiên giao dịch.

VN-Index đóng cửa tăng 34,23 điểm (+3,52%), lên 1.005,69 điểm. HNX-Index tăng 7,29 điểm (+3,71%), lên 204,06 điểm. UpCoM-Index tăng 1,62 điểm (+2,37%), lên 70,03 điểm. 

Số lượng mã chứng khoán tăng cao áp đảo. Toàn thị trường có 256 mã trần, 497 mã tăng; trong khi chỉ có 123 mã giảm và 24 mã giảm sàn. Riêng sàn HoSE, số lượng mã tăng trần lên tới 118 mã, chiếm hơn 28% tổng lượng chứng khoán niêm yết trên sàn.

Các đầu tàu kéo VN-Index tăng mạnh trong phiên hôm nay có nhiều đại diện từ dòng phiếu ngân hàng.

Cổ phiếu Vietcombank tăng 4,92%, đóng góp gần 4,3 điểm tăng. CTG, TCB, MBB, VPB đều nằm trong top 10 tác động tích cực đến chỉ số chung. Trong khi đó, BID lại có phiên điều chỉnh sau chuỗi 4 phiên tăng mạnh trước đó.

Không riêng nhóm ngân hàng, hầu hết các dòng cổ phiếu đều bật tăng mạnh trong phiên.

Hồi phục tích cực nhất là dòng chứng khoán, thép, thủy sản. Cứ 4 cổ phiếu chứng khoán niêm yết trên sàn lại có gần 3 cổ phiếu tăng kịch biên độ.

Tương tự, sắc tím cũng lan tỏa ở nhóm cổ phiếu thép, thủy sản. Ông lớn ngành thép Hòa Phát tăng kịch biên độ, đóng cửa ở mức 16.350 đồng/cổ phiếu.

Nhiều ngành đối diện với các thông tin tiêu cực vẫn “băng băng” đi lên. Giá dầu rơi sâu trên 2% trong phiên hôm nay, giá khí tự nhiên cũng giảm 1,24%. Thông thường, giá dầu và cổ phiếu dòng chứng khoán có độ tương quan mạnh nhưng dòng dầu khí cũng bật lên đáng kể ở phiên hôm nay. GAS tăng kịch biên độ và nằm trong top 3 cổ phiếu góp nhiều điềm nhất cho VN-Index.

Hợp đồng tương lai dầu thô WTI đã giảm xuống khoảng 74 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

Tình hình dịch Covid-19 cùng chính sách nghiêm ngặt tại Trung Quốc đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư và triển vọng nhu cầu.

Không riêng giá hàng hóa này, loạt thị trường châu Á cũng lao dốc. Một số thị trường giảm trên 1% như tại Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Chứng khoán Việt Nam nằm trong số ít thị trường giữ được sắc xanh hiếm hoi.

Dòng tiền đã “tham lam” trở lại?

Đây đã là phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp của VN-Index.

Tuy nhiên, trái với sự thận trọng các phiên trước, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động trong phiên tăng mạnh hôm nay và đã đi ngược tâm lý tại nhiều thị trường khác. Thị trường lại có thêm một phiên đạt mức khối lượng giao dịch trên 1 tỷ cổ phiếu, với giá trị giao dịch đạt 17.300 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch sàn HoSE đạt 15.944 tỷ đồng. 

Lực cầu tìm đến nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30. Giá trị giao dịch riêng ở 30 cổ phiếu này là 8.292 tỷ đồng, chiếm hơn 52% giá trị giao dịch trên sàn HoSE.

Theo Chứng khoán VCBS, dòng tiền chảy vào các cổ phiếu lớn đã tạo tiền đề tích cực, dẫn sóng thị trường tiếp tục có được nhịp phục hồi mạnh mẽ. Thống kê của công ty chứng khoán này cũng cho thấy thanh khoản mua chủ động gần như áp đảo, chiếm đến gần 80% tổng thanh khoản của thị trường. Diễn biến tích cực vẫn được duy trì tốt trong phiên chiều dù có phần chậm lại khi VN Index chạm mốc 1.000 điểm. 

Khối ngoại mạnh tay giải ngân, mua ròng 1.696 tỷ đồng. Các nhà đầu tư ngoại mua mạnh ở loạt cổ phiếu lớn như HPG (313 tỷ đồng), VHM (232 tỷ đồng), STB (194 tỷ đồng), MSN (152 tỷ đồng), CTG (148 tỷ đồng), SSI (137 tỷ đồng), VIC (125 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất là NVL. Giá trị bán ròng riêng cổ phiếu này cũng chỉ trên 53 tỷ đồng.

Góc nhìn TTCK tuần cuối tháng 11: Quán tính hướng tới vùng 985 - 1.000 điểm
Trường hợp thị trường vượt thành công MA20, có thể gia tăng vị thế đối với cổ phiếu thuộc nhóm ngành không chịu ảnh hưởng bởi biến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư