Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 12 tháng 08 năm 2024,
Vốn đầu tư mạo hiểm từ Singapore chảy mạnh vào start-up Việt
Thành Vân - 12/08/2024 10:57
 
Các quỹ đầu tư mạo hiểm Singapore khẳng định vị thế là nhà đầu tư tích cực nhất tại thị trường Việt Nam, với các khoản đầu tư liên tục vào start-up Việt trong các lĩnh vực tiềm năng, từ năng lượng tái tạo đến xe điện…
Đại diện các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư đến từ Singapore gặp gỡ các start-up trong danh mục đầu tư của Antler tại TP.HCM

Liên tục rót vốn

Đầu tháng 7/2024, Clime Capital, công ty quản lý quỹ và đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, công bố khoản đầu tư trị giá 10 triệu USD từ Quỹ Năng lượng sạch Đông Nam Á II (SEACEF II) vào Công ty Nami Distributed

Energy (Nami). Khoản đầu tư này nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh và gia tăng tác động tích cực của Nami đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Nami chuyên cung cấp các giải pháp sáng tạo về năng lượng phân tán cho khách hàng thương mại và công nghiệp.

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Mason Wallick, Nhà sáng lập, CEO của Clime Capital cho biết: “Clime Capital hoạt động tại Việt Nam từ năm 2020. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có nhiều tiềm năng phát triển hạ tầng năng lượng sạch, không chỉ vì nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, như nắng, gió, mà còn vì nhu cầu điện tăng cao do kinh tế phát triển nhanh”.

Trước đó, Clime Capital rót vốn vào Levanta Renewables - công ty đang đầu tư 3 dự án điện gió tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên; EBoost - đơn vị vận hành trạm sạc mở thông minh dành cho xe điện; và Stride - công ty công nghệ năng lượng sạch cung cấp giải pháp tài chính và đảm bảo chất lượng cho các dự án điện mặt trời mái nhà, hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam.

Ông Wallick đánh giá, việc Chính phủ Việt Nam ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp mở ra nhiều cơ hội phát triển năng lượng tái tạo tiết kiệm chi phí. Clime Capital đang khám phá những cơ hội tiềm năng, đồng thời dành riêng nguồn vốn tài trợ cho các start-up và doanh nghiệp năng lượng sạch đã phát triển ổn định tại Việt Nam.

“Chúng tôi hỗ trợ các dự án triển vọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, xe điện và các doanh nghiệp lưới điện ở giai đoạn phát triển ban đầu. Clime Capital tăng cường hợp tác với start-up có chung mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang carbon thấp tại Việt Nam và toàn Đông Nam Á. Thị trường Việt Nam hứa hẹn cơ hội đầu tư hấp dẫn cho dòng vốn tư nhân và mô hình tài chính hỗn hợp chuyên biệt của Clime Capital”, ông Wallick chia sẻ.

Một quỹ đầu tư mạo hiểm khác có trụ sở tại Singapore là Wavemaker Partners cũng đang tích cực đầu tư vào Việt Nam. Tháng 4/2024, nền tảng chăm sóc khách hàng CNV gọi vốn thành công 1 triệu USD cho vòng hạt giống được dẫn dắt bởi Wavemaker Partners và các nhà đầu tư khác.

Bà Phương Trần, Giám đốc Đầu tư Wavemaker Partners Việt Nam cho hay, Việt Nam là một trong những thị trường chính của Wavemaker Partners tại Đông Nam Á. Quỹ thường xuyên rót vốn vào thị trường Việt Nam từ năm 2020 và duy trì tốc độ đầu tư ổn định trong 4 năm qua. Đến nay, danh mục đầu tư của Wavemaker Partners có 8 doanh nghiệp Việt và dự kiến tiếp tục nối dài.

“Việt Nam có nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Tôi tin rằng, các quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, dù việc định giá có thể kỷ luật hơn, đòi hỏi xem xét kỹ lưỡng hơn…”, bà Phương Trần nhận định.

Hỗ trợ dự án khởi nghiệp

Theo Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Do Ventures phát hành tháng 4/2024, Singapore dẫn đầu hoạt động rót vốn vào start-up Việt Nam trong năm 2023. Cụ thể, 22 quỹ đến từ Singapore đã đầu tư vào các start-up Việt trong năm qua.

Mới đây, Antler, quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, tổ chức buổi giới thiệu danh mục đầu tư với sự tham gia của hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư đến từ Singapore cùng nhiều nước Đông Nam Á và toàn cầu. Họ đã bay đến TP.HCM để gặp gỡ start-up trong danh mục đầu tư của Antler.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các start-up chứng minh khả năng kinh doanh, mở rộng hiệu suất tài chính, xây dựng đội ngũ có năng lực cũng như đưa ra các chiến lược tăng trưởng rõ ràng để phát triển mạnh mẽ”, ông Erik Jonsson, Đối tác điều hành của Antler Việt Nam thông tin.

Được biết, năm 2024, Antler có kế hoạch tích cực đầu tư vào các start-up và hỗ trợ các nhà sáng lập giai đoạn đầu tại Việt Nam tận dụng nguồn lực trong nước để nhanh chóng mở rộng quy mô, giải quyết các vấn đề thực tế trong khu vực và trên toàn cầu. Quỹ sẽ dành 6 triệu USD cho thị trường Việt Nam trong 9 tháng tới, cung cấp vốn tiền hạt giống cho những nhà sáng lập mới khởi nghiệp và khoản tài trợ tiếp theo lên tới 600.000 USD cho mỗi công ty.

“Những start-up đáp ứng các tiêu chí tăng trưởng sẽ tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp để đẩy nhanh phát triển từ giai đoạn ý tưởng đến vòng gọi vốn hơn 1 triệu USD trong một năm. Là đối tác vốn dài hạn, Antler cũng sẽ cung cấp vốn ở giai đoạn tăng trưởng lên đến 10 triệu USD cho các start-up gọi vốn vòng series A trở lên”, ông Erik Jonsson nói thêm.

Từ đầu năm đến nay, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam sụt giảm đáng kể. Một báo cáo của Tracxn tiết lộ, tổng vốn tài trợ cho start-up công nghệ Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 giảm 52,7% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ đạt 46,5 triệu USD.

Tuy nhiên, với FEBE Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu có trụ sở tại Singapore, Việt Nam vẫn là thị trường trọng tâm tại Đông Nam Á. Tháng 11/2023, FEBE Ventures đã ra mắt quỹ thứ hai với quy mô 75 triệu USD.

“Chúng tôi mong muốn hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp năng động của Việt Nam. Chúng tôi quan tâm đến start-up công nghệ có thể mở rộng quy mô toàn cầu, bao gồm những start-up đến từ Việt Nam. Quỹ này không chỉ thiên về ngành công nghệ, mà còn tập trung vào các lĩnh vực như B2B, AI, công nghệ sức khỏe và công nghệ khí hậu”, ông Olivier Raussin, Đồng sáng lập FEBE Ventures cho biết.

Để giúp start-up trong danh mục đầu tư vượt qua thời kỳ khó khăn, FEBE Ventures đã hỗ trợ phát triển kinh doanh, gọi vốn, thu hút nhân tài và định hướng chiến lược để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng

- Ông Olivier Raussin, Đồng sáng lập FEBE Ventures

Bất chấp “mùa đông gọi vốn”, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng, được thúc đẩy bởi một số yếu tố chính.

Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, giúp Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược cho các start-up và nhà đầu tư. Hệ thống giáo dục Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là toán học và kỹ thuật K-12, góp phần đào tạo lực lượng lao động tay nghề cao cho các start-up công nghệ.

Việc Chính phủ chủ động thúc đẩy tiến bộ công nghệ, như phát triển mạng 5G, cũng hỗ trợ sự phát triển của các start-up công nghệ. Tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số Việt Nam, với sự tăng trưởng cao của thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số, góp phần tạo ra môi trường thuận lợi cho các start-up.

Do đó, Việt Nam có nhiều cơ hội hứa hẹn trong lĩnh vực công nghệ tài chính, logistics, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.
Định nghĩa lại cách sống hạnh phúc, start-up Việt gọi thành công 2,3 triệu USD
Sau hơn 2 năm thành lập, ststart-up đã vận hành 27 không gian sống kiểu mới tại TP.HCM, với tỷ lệ lấp đầy trên 90%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư