Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Vốn đầu tư nước ngoài tiến sát ngưỡng kỷ lục
Anh Trung - 29/10/2018 08:12
 
Sự gia tăng ổn định về vốn đầu tư cùng những chuyển biến tích cực trong công tác xúc tiến đầu tư đã tạo ra những điểm sáng trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài 10 tháng đầu năm.

Dòng vốn vẫn tăng ổn định

Nếu 10 tháng đầu năm ngoái, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt mức kỷ lục với trên 28 tỷ USD, vượt kế hoạch cả năm, thì cùng kỳ năm nay, thu hút FDI cũng đạt xấp xỉ con số đó.

Dự án Laguna Lăng Cô (Huế) đã tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD. Ảnh: Đức Hạnh
Dự án Laguna Lăng Cô (Huế) đã tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD. Ảnh: Đức Hạnh

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 10 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 27,9 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Các dự án FDI đã giải ngân 15,1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Một điều dễ nhận thấy là, vốn đầu tư nước ngoài năm nay không tăng đều qua từng tháng, mà có sự nhảy vọt ở một số thời điểm, phần lớn nhờ những dự án tỷ USD

Nếu như những tháng trước, sự chú ý dồn vào các dự án như Thành phố thông minh (tổng vốn đầu tư đăng ký 4,138 tỷ USD do Tập đoàn Sumitomo làm chủ đầu tư), Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam (tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỷ USD do Tập đoàn Hyosung làm chủ đầu tư), Dự án Công ty TNHH Laguna Việt Nam (tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD)…, thì điểm nhấn trong tháng 10 là “Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI” với 24 văn kiện hợp tác đầu tư được trao.

Tổng vốn đăng ký thể hiện trên 24 văn kiện này lên tới hơn 11 tỷ USD, trong đó, có những dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, có dự án mới ở giai đoạn ghi nhớ hợp tác hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Tuy nhiên, đây là cơ sở để có thể tin tưởng vốn ngoại đổ vào Việt Nam sẽ tiếp tục giữ được đà tăng ổn định, vì khi bất cứ dự án nào trong số các dự án trên được cấp phép cũng sẽ làm số liệu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng vọt.

Một điểm đáng chú ý nữa là, trong khi thị trường chứng khoán ghi nhận xu hướng nhà đầu tư nước ngoài bán bớt cổ phiếu, thì dòng vốn đầu tư trực tiếp lại đang đổ nhiều hơn vào Việt Nam.

Với kết quả khả quan tính đến thời điểm hiện tại, con số thu hút đầu tư nước ngoài của cả năm hoàn toàn có thể đạt 30 tỷ USD, thậm chí cao hơn. Như vậy, 2018 cũng sẽ là một năm thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Chủ động thu hút để cải thiện chất lượng dòng vốn

Tại “Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đầu tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu  những quan điểm mở của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, hợp tác đầu tư nước ngoài không chỉ là thu hút đầu tư nước ngoài, mà còn là hợp tác cả về quản lý, kết nối, mua bán - sáp nhập (M&A), đặc biệt là hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội.

Do vậy, Thủ tướng yêu cầu hợp tác đầu tư nước ngoài cần mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Điều này đặt ra đòi hỏi phải đổi mới triệt để hoạt động xúc tiến đầu tư, từ khung thể chế, mô hình hoạt động và tổ chức bộ máy, đến phương pháp tiếp cận, công cụ xúc tiến đầu tư và xây dựng thương hiệu quốc gia trong một chỉnh thể thống nhất…

Chia sẻ vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, đảm bảo tính liên ngành, liên vùng, bám theo chuỗi giá trị sản phẩm. 

“Đối với những ngành, lĩnh vực ưu tiên hướng vào thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia thì xúc tiến đầu tư vào các địa chỉ cụ thể, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của nhà đầu tư về những thông tin cần thiết để họ quyết định thực hiện dự án tại Việt Nam”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh.

Điều quan trọng là, công tác xúc tiến đầu tư sẽ phải chú trọng từ nhu cầu ở cả hai phía, bao gồm cả nhu cầu của Việt Nam và nhu cầu nhà đầu tư. Do vậy, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, cần nghiên cứu có hệ thống và thường xuyên về xu thế vận động của dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới và trong khu vực, xu thế phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu… để kịp thời điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư vào ngành, lĩnh vực cho phù hợp.

Trên phương diện khác, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc quốc gia cấp cao Việt Nam, Campuchia và Lào của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, cần hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư, chuyển từ xúc tiến thụ động sang chủ động có mục tiêu. Đồng thời, các chỉ số năng lực chính của Việt Nam về FDI cũng cần được thay đổi bằng cách chuyển từ báo cáo về số lượng dự án và giá trị vốn cam kết, giải ngân sang tăng cường báo cáo, theo dõi chất lượng vốn FDI tiếp nhận, tính theo công nghệ, mức độ đổi mới, giá trị gia tăng, khả năng củng cố chuỗi giá trị và khai thác nguồn cung trong nước…

“Cũng cần củng cố thể chế, xây dựng cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài thế hệ mới, có thể tách chức năng quản lý nhà nước và xúc tiến đầu tư để thực hiện chiến lược thu hút FDI thế hệ mới”, ông Kyle đề xuất.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng năm 2018
Tổng vốn đầu tư đạt 27,9 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó:
Tổng vốn đăng ký cấp mới là 15 tỷ USD, bằng 92,2% so với cùng kỳ;
Vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,5 tỷ USD, bằng 90%;
Vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 6,3 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ 2017.
FDI 10 tháng: Nhật Bản dẫn đầu
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhật Bản hiện đứng vị trí thứ nhất trong các quốc gia và vùng lãnh thổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư