Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Vụ cháy chung cư Carina: Xiết kỷ cương phòng cháy không bao giờ là muộn
Hồng Sơn - 31/03/2018 11:48
 
Sau vụ cháy chung cư Carina khiến 13 người chết, hàng chục người bị thương, TP.HCM đã có nhiều hành động nhằm xiết chặt kỷ cương, tăng các hoạt động tuyên truyền đến chủ đầu tư, doanh nghiệp, người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy.

3 nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng

Thông tin tại buổi họp báo do UBND TP.HCM tổ chức mới đây, Đại tá Nguyễn Văn Bằng, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM nhìn nhận, trong vụ cháy ở chung cư Carina (phường 16, quận 8, TP.HCM) có 3 nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đó là: Do báo cháy chậm; hệ thống chữa cháy không hoạt động và chủ đầu tư làm vô hiệu hệ thống thoát nạn.

.
 UBND TP.HCM khẳng định, chủ đầu tư chung cư Carina phải có trách nhiệm khi để xảy ra sự việc nghiêm trọng 

Theo kết luận ban đầu của cơ quan điều tra, điểm phát cháy là từ một xe máy ở tầng hầm Block A. Sau khi chiếc xe này phát cháy 13 phút 18 giây thì hệ thống đèn tầng hầm tắt. Trong khoảng thời gian đó, lực lượng chữa cháy tại chỗ không xuất hiện. Đến thời điểm này, cơ quan điều tra cũng xác định hệ thống báo cháy không hoạt động, hệ thống chữa cháy tự động không hoạt động, hệ thống bơm tăng áp không hoạt động...

Cơ quan điều tra cũng khẳng định, tất cả các cửa thoát hiểm đều mở khi vụ cháy xảy ra. Như vậy, nếu lực lượng chữa cháy tại chỗ có mặt trong thời điểm vụ cháy mới bùng phát; nếu các cửa thoát hiểm đều đóng và trong quá trình trực, nếu lực lượng bảo vệ thông qua camera phát hiện cháy kịp thời thì đã không xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy.

Cũng theo ông Bằng, từ năm 2012 đến nay, ngành chức năng đã 22 lần kiểm tra PCCC chung cư Carina, trong đó có 4 lần vi phạm hành chính với các lỗi PCCC, thoát nạn. Gần đây nhất là năm 2017, cán bộ kiểm tra có xác nhận 2 máy bơm chung cư Carina không hoạt động...  

Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM khẳng định, chủ đầu tư chung cư Carina phải có trách nhiệm khi để xảy ra sự việc nghiêm trọng như vậy và phải có biện pháp ổn định cuộc sống lâu dài cho cư dân.

Theo đó, trước hết phải thay ngay toàn bộ trang thiết bị PCCC. Tiếp đó, thay ngay hệ thống thang máy vì nó có nhiều vấn đề, hư hỏng nhiều lần; bồi thường thiệt hại về người, tài sản, tổn thất tinh thần cho cư dân ở chung cư; phải bầu ban quản trị; hỗ trợ cho các cháu nhỏ có cha mẹ tử nạn cho các cháu ăn học thành người.

“Đó là trách nhiệm của chủ đầu tư. Cái này chủ đầu tư chắc chắn phải làm”, ông Hoan nhấn mạnh.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy chung cư, nhà cao tầng

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ngay sau vụ cháy chung cư Carina, ngày 29/3, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị số 04 "Về triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM".

Chỉ thị này có nêu rõ, trong thời gian vừa qua, tình hình cháy, nổ trong cả nước nói chung, trên địa bàn TP.HCM nói riêng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo thống kê trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.

Đáng nói hơn, theo tổng hợp của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 7 chung cư đã đưa người dân vào ở nhưng chưa đảm bảo điều kiện an toàn cho việc PCCC.

Chỉ thị này cũng nhấn mạnh 4 nội dung chính phải công khai như: Các chung cư an toàn, kém an toàn, không an toàn; Sổ tay an toàn PCCC; Quy chế phối hợp để quản lý, vận hành PCCC; Quy trình cưỡng chế những trường hợp đã nhắc nhở nhiều lần mà chậm khắc phục vi phạm PCCC, thậm chí sẽ có trường hợp đóng cửa chung cư để khắc phục vi phạm…

Tiếp đó, trong ngày 30/3, hội nghị cán bộ chủ chốt toàn thành phố đã được tổ chức nhằm quán triệt công tác PCCC trên toàn địa bàn để cảnh tỉnh, chấn chỉnh hoạt động này, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nhìn nhận, các quy phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy hiện nay về cơ bản tương đối đầy đủ, nhưng vấn đề đặt ra là cơ chế phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện và kiểm tra để đảm bảo trách nhiệm thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Chỉ thị số 04 được đánh giá là khá cương quyết trong việc xử lý các chung cư, nhà cao tầng có những vi phạm về PCCC. Tuy thời điểm này đã xảy ra sự việc đáng tiếc tại chung cư Carina song việc xiết lại kỷ cương về PCCC dù có chậm còn hơn không.

Theo ông Châu, khi dự kiến sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản 2006 thì đã có một đề xuất về việc sau khi chủ đầu tư đã tổ chức nghiệm thu công trình nhà chung cư đạt yêu cầu, thì phải thông báo cho Sở Xây dựng để kiểm tra và Sở Xây dựng ban hành văn bản xác nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng, để bàn giao nhà cho dân vào ở.

“Nhưng đề xuất này chưa được đưa vào Luật Kinh doanh Bất động sản 2014. Do vậy, rất cần thiết bổ sung khi sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản sắp tới”, ông Châu nói và cho biết, ngày 4/4 tới, Hiệp hội sẽ tổ chức hội nghị để quán triệt thực hiện Chỉ thị số 04, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực của chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công, giám sát, Ban quản trị chung cư, đơn vị quản lý vận hành chung cư, với sự cộng tác tự giác của cộng đồng cư dân chung cư, và sự hỗ trợ hiệu quả của cơ quan phòng cháy chữa cháy, của chính quyền địa phương về việc đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy…

Người mua căn hộ chùn tay sau vụ cháy chung cư Carina
Ông Phong, quản lý một công ty thực phẩm, vừa bỏ ý định mua căn hộ ở quận 2, TP HCM, sau vụ cháy Carina cuối tuần qua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư