Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vụ học sinh bị 231 cái tát: “Cần loại những giáo viên này ra khỏi ngành”
Mỹ Hà (ghi) (Dân Trí) - 28/11/2018 09:04
 
GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư kí Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, từng là giáo viên, ông không thể chấp nhận được hành động của cô giáo THCS ở Quảng Bình cho cá lớp tát một học sinh hơn 200 cái. Ông đề nghị ngành giáo dục phải loại những giáo viên này ra khỏi ngành.

Liên quan đến vụ việc 231 cái tát của cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy và 23 học sinh khác trong lớp 6.2, Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) dành cho em L.N., đến nỗi em phải nhập viện cấp cứu, ông Phú cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động trên.

“Vấn đề ở đâu, cơ quan chức năng sẽ tìm hiểu. Tuy nhiên, có người cho rằng, bệnh thành tích trong giáo dục tạo sức ép khiến dẫn đến cô giáo sử dụng bạo lực, tôi cho rằng có phần đúng.

Mặc dù vậy, để xác đáng hơn, vẫn phải tìm ra nguyên nhân và những người tham gia vào vòng đó, kể cả lãnh đạo nhà trường, chẳng hạn gây áp lực thi đua cho giáo viên…, cũng phải xử lý”, ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, từng là giáo viên, ông không thể chấp nhận được hành động trên của cô Thủy. “Thế này không được, phải xử lý thật nghiêm minh. Đề nghị ngành giáo dục đào tạo phải loại những giáo viên này ra khỏi ngành”, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú khẳng định.

Cô Thủy trần tình, việc mình và học sinh tát em L.N 231 cái là do áp lực thi đua. (Ảnh: Đặng Tài).
Cô Thủy trần tình, việc mình và học sinh tát em L.N 231 cái là do áp lực thi đua. (Ảnh: Đặng Tài).

Ông Phú chia sẻ thêm, khi đọc tin trên báo chí, được biết có thông tin đã khởi tố, ông rất ủng hộ. Về ý kiến cho rằng, tinh thần “tôn sư trọng đạo” từ trước đến nay vẫn cho rằng, thầy cô có quyền được giáo dục “mạnh tay” học sinh, nhất là những em chưa ngoan.

Ông Phú cho rằng, trước hết, người giáo viên cần ý thức trách nhiệm với xã hội, với nghề nghiệp. Xét về mọi mặt, hành động đánh của cô giáo hoàn toàn không thể chấp nhận được và phải loại bỏ khỏi ngành giáo dục.

Tổng Thư kí Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, trẻ con chưa ngoan không phải lôi ra để xử phạt mà phải nhắc nhở, động viên, phải tìm hiểu nguyên nhân để khơi dậy ý thức đạo đức của mỗi người. Nếu cứ hư lại lôi ra để phạt là không được.

“Chúng tôi biết giáo viên áp lực, nhiều nơi sĩ số quá cao, giáo viên không thể đủ thời gian đi sâu đi sát tới từng học sinh nhưng cho dù thế nào, việc dùng bạo lực với học sinh là không thể được. Đặc biệt, cho dù áp lực đến đâu, với một số học sinh khá đặc biệt trong lớp, giáo viên không thể không quan tâm.

Em N. được điều trị ở bệnh viện sau khi hứng 231 cái tát (Ảnh: Đặng Tài).
Em N. được điều trị ở bệnh viện sau khi hứng 231 cái tát (Ảnh: Đặng Tài).

Ở đây, nếu học sinh chưa ngoan, phải đặt câu hỏi, cô đã gặp gia đình lần nào chưa? Đã nhắc nhở phụ huynh bao giờ chưa? Người làm nghề giáo phải gần gũi học sinh, nhắc nhở họ tránh xa tật xấu chứ không thể sử dụng bạo lực”, ông Phú nói.

Trao đổi thêm với PV Dân trí về câu hỏi, hiện nay một số người vẫn cho rằng, cho dù đúng hoặc sai, học sinh không có quyền cãi giáo viên bởi như thế là vô lễ, ông Phú khẳng định: “Nhiều giáo viên cho rằng người dạy có quyền “tối thượng”, tôi nghĩ chưa đúng bởi lẽ học trò có quyền bình đẳng.

Các em được phép phản đối nếu thấy mình đúng. Trường hợp phản đối sai, giáo viên phải hướng dẫn và chỉ bảo để các em nhận ra cái sai, không phải đưa ra để sỉ nhục trước lớp như trường hợp cho các bạn tát 230 cái (một cái tát nữa là chính cô Thủy tát em L.N.) để phạt ở Trường THCS Duy Ninh.

Việc sỉ nhục như vậy sẽ ảnh hưởng tâm lý của các con lâu dài, như một vết thương trong cuộc đời, khiến các em mãi mãi không thể quên được”.

Cô giáo trẻ thướt tha với tà áo dài trong nắng Sài Gòn
Huỳnh Thị Thục Uyên là giáo viên THCS tại trường Bình Trị Đông A, cô gửi gắm Miss Áo dài studio (missaodai.net) lưu giữ cho mình bộ ảnh áo dài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư