Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Ngày mai, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục hầu tòa
Việt Dũng - 18/09/2024 08:23
 
Dự kiến ngày mai (19/9), bà Trương Mỹ Lan cùng 33 bị can khác sẽ hầu tòa với các cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư

Từ năm 2018 đến năm 2020, Trương Mỹ Lan đã cùng đồng phạm sử dụng 4 pháp nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty cổ phần đầu tư Quang Thuận, Công ty CP đầu tư - phát triển Sunny World, và Công ty cổ phần dịch vụ - thương mại TP.HCM để phát hành 25 mã trái phiếu “khống” để chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư. 

sdfsdfsd
 Bà Trương Mỹ Lan cùng 33 bị can khác sẽ hầu tòa với các cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.


Thủ đoạn phạm tội chính của các bị can trong việc tạo lập trái phiếu của 4 công ty, đó là thành lập công ty "ma" rồi thuê người đứng tên, sở hữu cổ phần, tài sản, khoản vay, ký khống tài liệu... phục vụ cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. 

Thậm chí, bà Trương Mỹ Lan còn giao cấp dưới phân bổ các công ty “ma” cho nhiều nhóm phụ trách, mỗi người quản lý từ 20 - 30 công ty. Có công ty, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sắp xếp từ 8 - 10 tỷ đồng/tháng để chi trả lương cho cá nhân được thuê, tùy vào vị trí.

Đến thời điểm khởi tố vụ án, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có 1.470 công ty, trong đó có 46 công ty nước ngoài. Sau khi được thành lập, có 656 công ty "ma" được sử dụng để vay tiền tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). 

Hiện 435 công ty còn dư nợ gốc và lãi, đều thuộc nhóm nợ xấu không có khả năng thu hồi. Có 85 công ty được thành lập để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam thông qua Ngân hàng SCB. Ngoài ra, có 50 công ty dùng để tạo lập, phát hành trái phiếu, và hàng trăm công ty được thành lập đứng tên tài sản... theo mục đích của Trương Mỹ Lan.

Rửa hơn 445.000 tỷ đồng từ hành vi phạm tội

Nhằm che giấu nguồn gốc và việc sử dụng bất hợp pháp số tiền chiếm đoạt được, để cắt đứt dòng tiền, cáo trạng truy tố Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã rút tiền mặt trực tiếp tại Ngân hàng SCB (chủ yếu ở Chi nhánh Sài Gòn).

Sau đó giao cho Bùi Văn Dũng (lái xe riêng của bị can Lan) để giao theo chỉ đạo của bà Lan. Thậm chí, khi chưa cần sử dụng ngay tiền mặt thì bà Lan sẽ chỉ đạo các đồng phạm sử dụng các pháp nhân/cá nhân mở tài khoản tại Ngân hàng SCB để nhận tiện, chuyển số tiền “đen” này đến “tài khoản chờ”.

Khi cần sử dụng thì sẽ lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản, cuối cùng đến tài khoản chỉ định để Trương Mỹ Lan sử dụng cho các mục đích cá nhân… Hành vi này của bà Lan và đồng phạm đã phạm vào tội rửa tiền, với số tiền 445.000 tỷ đồng do phạm tội mà có.

Cáo trạng xác định, bị can Chu Lập Cơ (chồng bị can Trương Mỹ Lan) là đồng phạm khi đã giúp sức vợ "rửa tiền". Cụ thể, bị can Chu Lập Cơ mở và sử dụng 3 thẻ thanh toán tại Ngân hàng SCB. 

Từ ngày 1/1/2018 - 7/10/2022, Chu Lập Cơ đã chi tiêu hơn 225 tỷ đồng bằng các thẻ tín dụng nêu trên. Trong đó có hơn 113 tỷ đồng có nguồn gốc từ các khoản vay khống tại Ngân hàng SCB; khoảng 1,4 tỷ đồng có nguồn gốc từ phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua phát hành trái phiếu Công ty An Đông.

Cũng trong khoảng thời gian này, ông Cơ đã sử dụng 33,3 tỷ đồng do vợ là Trương Mỹ Lan phạm tội mà có. Ông Cơ biết vợ chỉ đạo nhân viên nộp tiền vào thẻ. Có đủ cơ sở xác định ông Cơ đã cùng bà Lan hợp thức, sử dụng hơn 33 tỷ đồng.

Chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới

Ngoài các hành vi trên, cáo trạng cũng xác định Trương Mỹ Lan là người chỉ đạo các bị can và người liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng).

Để chuyển trái phép số tiền này, Trương Mỹ Lan đã giao bị can Trịnh Quang Công, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý ACUMEN, phối hợp những người liên quan và lãnh đạo Ngân hàng SCB lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp. Hợp đồng tư vấn; hợp đồng các khoản vay nợ giữa các công ty tại VN và công ty, tổ chức ở nước ngoài. 

Thông qua các hợp đồng khống này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB.

Theo Kết luận Điều tra, 22/5/2024, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có văn bản đề xuất phương án xử lý, khắc phục hậu quả bước đầu các gói trái phiếu của các công ty liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cam kết sử dụng gần 200 tỷ đồng của 2 công ty để khắc phục cho các nhà đầu tư trái phiếu.

Ngày 27/5/2024, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiếp tục có văn bản cập nhật tiến độ nộp tiền khắc phục hậu quả. Qua kiểm tra chứng từ xác định các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã hoàn tất chuyển 221 tỷ đồng vào tài khoản của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an).

Đối với số tiền 291 tỷ đồng trong các tài khoản được Vạn Thịnh Phát và các công ty tự nguyện xin sử dụng để khắc phục hậu quả, C03 duy trì việc ngăn chặn tài khoản và thống kê, chuyển Tòa án nhân dân TP.HCM xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Cơ quan điều tra cũng đã ra lệnh phong tỏa, kê biên nhiều tài sản liên quan đến Trương Mỹ Lan và các bị can khác để khắc phục hậu quả vụ án.

Dự kiến, giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sẽ được xét xử trong 1 tháng. Thời gian bắt đầu xét xử từ ngày 19/9 đến ngày 19/10.
Đại án Vạn Thịnh Phát và những xót xa đến… ức nghẹn
Khi kết luận đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 được công bố, tôi “chết lặng” vì có tới hơn 10.000 nạn nhân không hoàn thiện hồ sơ để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư