Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VWS sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại Đa Phước
S.N - 16/08/2019 10:38
 
Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, xử lý tốt lượng rác thải tập kết tại bãi rác.
Đoàn khảo sát làm việc tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS).
Đoàn khảo sát làm việc tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS).

Nước rỉ rác qua hệ thống lọc có thể… uống được

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM và chính quyền quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, tổ chức cho người dân giám sát, kiểm tra việc phát tán mùi hôi tại các công ty trong toàn Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước gồm: Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS, chuyên xử lý chất thải sinh hoạt); Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (xử lý bùn thải từ trạm xử lý nước thải Bình Hưng và bùn nạo vét cống, sông, kênh rạch); Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình (xử lý bùn bể phốt).

Đích đến đầu tiên là VWS, đơn vị mà lâu nay không ít người dân, nhất là khu vực quận 7, khu đô thị Phú Mỹ Hưng cho là “thủ phạm” chính trong việc phát tán mùi hôi. Đoàn giám sát đã cho người dân tìm hiểu về việc xử lý môi trường tại đây với thời gian lâu nhất, khoảng hơn 3 giờ (từ 7 giờ đến hơn 10 giờ).

Theo chân Đoàn giám sát đến nơi tập kết rác để xử lý của VWS, đa phần các thành viên Đoàn đều có nhận định, mùi hôi tại bãi rác chỉ thoang thoảng, không nặng mùi. Mặc dù vậy, một số thành viên của Đoàn cũng nêu rõ quan điểm là trong một thời điểm nhất định chưa thể đánh giá toàn diện mức độ “nặng nhẹ” của mùi hôi. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với  người dân xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, hầu hết cho rằng: hàng ngày họ sống gần đây và sau khi lên tận bãi rác tìm hiểu thì khí thải nặng mùi mà họ ngửi được lâu nay không phải là do VWS gây ra.

Ông Đỗ Văn Hổ, ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh cho biết: “Nhiều người đổ thừa cho bãi rác, nhưng tôi thấy bãi rác hoàn toàn tốt”. Ông Huỳnh Văn Đồng nhà gần ông Hổ cũng chia sẻ: “Nhà tôi ở giáp ranh bãi rác, tôi thấy bãi rác xử lý như vậy là ổn”.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tưởng xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè bổ sung: “Đổ lỗi cho một mình bãi rác Đa Phước là chưa đúng. Lên tới bãi rác có thấy mùi đâu. Đó là chưa kể quy trình xử lý khá hiện đại, còn cho ra nước sạch nuôi cá”.

Ông Nguyễn Thành Mỹ nhà ở tổ 16, ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh cho biết thêm: “Hôm nay tôi được đi tham quan bãi rác, được tận mắt thấy, tai nghe. Tôi cho rằng, họ đã xử lý tốt 95% rồi. Các nhà máy ở khu vực này làm sao y chang được như bãi rác để trả lại sự trong lành cho chúng tôi”.

Trong khi những người dân ở khu vực lân cận bãi rác có đánh giá về VWS như vậy, thì một số những cư dân ở quận 7 vẫn cho rằng VWS có liên quan trong chuyện phát tán mùi hôi. Ông Trần Thanh Tâm, Trưởng ban quản lý chung cư Era Town thống nhất ý kiến người dân quận 7 về phản ánh mùi hôi xuất phát từ VWS. Tuy nhiên, sau khi đi thực tế, ông cũng nhận định: “Hôm nay được tham quan nhà máy, tôi thấy Công ty đã nỗ lực, cố gắng hạn chế mùi hôi”.  Ông Tâm kiến nghị Công ty VWS  áp dụng các biện pháp để giảm thiểu tối đa mùi hôi phát tán vào môi trường.

Phản hồi thông tin với Đoàn ngay tại bãi chôn lấp, ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành Công ty VWS cho biết, do vành đai cây xanh cách ly chưa hoàn thiện, nên khi thời điểm mở bãi để tiếp nhận rác nếu không có cơn gió mạnh thổi qua thì không có khả năng phát tán mùi môi. “Khi tiếp nhận rác, chúng tôi tính toán giới hạn diện tích và thời gian mở bãi, đồng thời sử dụng hệ thống khử mùi công suất cao để khống chế mùi hôi hiệu quả hơn. Chúng tôi được Thành phố giám sát kiểm tra mùi hôi 5 lần/ngày, 3 lần vào ban ngày, 2 lần ban đêm”, ông Kevin Moore nói.

Công ty VWS sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đáp ứng các quy định pháp luật của Việt Nam cũng như các quy chuẩn của Hoa Kỳ. “Trong đó, nước rỉ rác được xử lý bằng công nghệ vi sinh kết hợp lọc nano. Nước rỉ rác qua hệ thống lọc này có thể uống được. Các bãi chôn lấp khác không sử dụng hệ thống xử lý nước rỉ rác và phủ liner như VWS đang sử dụng, bởi sẽ tốn kém rất nhiều chi phí. Chúng tôi sử dụng những công nghệ hiện đại để đảm bảo tốt hơn trong công tác xử lý rác”, ông Kevin More cho biết thêm.

Xác định vùng “nặng mùi”

Trong thời điểm Đoàn giám sát đi tìm hiểu, thì Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh và Công ty TNHH Dịch vụ môi trường đô thị Hoà Bình là hai nơi phát tán mùi hôi đậm đặc nhất. Vào khu xử lý bùn của Sài Gòn Xanh và xử lý phân hầm cầu của Hoà Bình, ông Nguyễn Thành Mỹ (người dân xã Phong Phú) đã khẳng định: “Mùi hôi là ở đây”.

Nhiều người dân ở huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh còn nói, không chỉ hôm nay đi giám sát mới biết, mà từ lâu nay, mùi hôi thối bốc ra chủ yếu từ hai công ty trên.

Bà Nguyễn Hồng Thu (quận 7), sau khi đến khu xử lý bùn thải của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh đã khẳng định, bà hay ngửi phải mùi hôi giống như ở đây.

Phản hồi với Đoàn giám sát, ông Hoàng Giáng Sinh, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Xanh giải thích, mùi hôi là do quá trình chuyên chở, tiếp nhận bùn thải. Nhưng bà Tô Hồng Trang (quận 7) cho rằng: “Mùi hôi là xuất phát ngay khu vực xử lý bùn thải khi đến giám sát tại nhà máy này. Ngồi trên xe không thấy gì, nhưng cửa xe mở thì mùi xộc vào rất nồng nặc”.

Kết thúc buổi giám sát, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) yêu cầu: về lộ trình chuyển đổi công nghệ, đề nghị Công ty VWS sớm triển khai đề án chuyển đổi công nghệ xử lý theo chủ trương của Thành ủy, UBND TP.HCM. Công ty trình dự án và có lộ trình cụ thể để công bố cho người dân biết.

Về giám sát, ghi nhận mùi hôi, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương vẫn tiếp tục cập nhật thông tin phản ánh mùi hôi, tổ chức khảo sát khu dân cư để ghi nhận và có biện pháp trao đổi với các công ty để điều chỉnh các giải pháp khống chế mùi hôi.

Ghi nhận ý kiến của người dân về các nội dung phân loại chất thải tại nguồn, chuyển đổi công nghệ, Thành phố nhìn nhận, đến nay các công nghệ xử lý rác hiện tại có nhiều hạn chế về bảo vệ môi trường nên việc chuyển đổi công nghệ đang được Thành phố quyết liệt chỉ đạo sở, ngành liên quan thực hiện. Ghi nhận ý kiến người dân về công bố kết quả quan trắc môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Sớm triển khai di dời người dân sống trong khu quy hoạch cây xanh cách ly và triển khai dự án trồng cây xanh cách ly.

Ông Lê Trung Tuấn Anh cũng đề nghị, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân và sớm có biện pháp bổ sung để mùi hôi của nhà máy không ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Đồng thời, Công ty Sài Gòn Xanh và Công ty Hòa Bình phải tự đánh giá và đề xuất đầu tư công nghệ phù hợp theo định hướng phát triển của Thành phố.

VWS muốn sớm được đầu tư thay đổi công nghệ

“Chúng tôi cho rằng, ý kiến của người dân về việc thay đổi công nghệ xử rác phù hợp với hiện trạng rác của TP. HCM hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Vào những năm 2000, tôi từ Hoa Kỳ về Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải theo lời mời của UBND Thành phố. Thời điểm đó, tôi đã cho xây dựng ngay một khu chôn lấp rác hợp vệ sinh tiêu chuẩn Hoa Kỳ theo quyết định của Thành phố để cứu nguy cho bãi rác Gò Cát bị sự cố trầm trọng. Tuy nhiên, với thời gian hơn 12 năm vận hành và sự phát triển về khoa học - công nghệ, cũng như sự mong đợi của Thành phố theo hướng đốt rác phát điện, nên tôi đã cùng các chuyên gia Hoa Kỳ nghiên cứu khảo sát các công nghệ tiên tiến. Đồng thời, tôi cùng các chuyên gia còn quyết định đi châu Âu để tìm hiểu công nghệ xử lý đốt rác phát điện. Quan điểm của VWS là luôn muốn ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp điều kiện đặc thù của Việt Nam. Hiện nay, VWS đã đệ trình dự án thay đổi công nghệ này lên Thành phố hơn một năm qua và rất nóng lòng chờ phê duyệt để xây dựng nhà máy theo công nghệ mới này. Nếu được phê duyệt, trong vòng hơn một năm nhà máy sẽ đi vào hoạt động”.

Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam

VWS mong muốn Tp.HCM triển khai Vành đai xanh cách ly để đảm bảo môi trường
Ban Kinh tế Ngân sách -Hội đồng nhân dân TP.HCM vừa có chuyến khảo sát tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý Chất thải...
Bình luận bài viết này
  • Lan Ngọc 11:03 | 18-09-2019
    Má ơi chôn lấp hợp vệ sinh mà thúi rùm cả một vùng rộng lớn như vậy. Nếu ko hợp vệ sinh thì chắc ko ai sống nổi ở khu Nam sài gòn nữa. Kính thưa các khái niệm "chôn lấp hợp vệ sinh". Các ông bà xuống nhà tôi ở một tuần coi có chịu nổi mùi của các ông ban phát ra không? "Hợp vệ sinh mà như vậy sao?
  • Trung 11:06 | 18-09-2019
    Bãi Rác Đa Phước đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đã 3 năm nay hàng nghìn hộ gia đình ở quận 7, Nhà Bè, PMH...phải cầu cứu, gửi đơn lên UBND quận 7.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư