Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Xây dựng thể chế kinh tế: Hãy bắt đầu từ quyền tài sản
Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhận định: “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”. Góp ý về nội dung xây dựng thể chế, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng, đã có nhiều phân tích cho thấy, sau 30 năm đổi mới, lực lượng sản xuất của Việt Nam đã tiến lên một nấc thang mới, nhưng quan hệ sản xuất vẫn chậm chuyển biến.
Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện sở hữu
Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện sở hữu

Tại sao quốc gia này thì giàu có mà quốc gia kia lại nghèo? Câu hỏi này đến nay vẫn làm đau đầu nhiều nhà kinh tế. Gần 250 năm sau quyển “Truy tìm bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia” của Adam Smith (1776), Daron Acemoglu và James Robinson (2012) lại tiếp tục tìm câu trả lời trong quyển “Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói”.

Dù có những cách tiếp cận khác nhau, một hướng đề cao vai trò của tự do kinh tế, một hướng xem thể chế quyết định cho sự thịnh vượng hoặc suy vong của một quốc gia, song tiếp cận của Smith với Acemoglu và Robinson không loại trừ mà bổ sung hoàn hảo cho nhau.

Theo Douglas North (1990), thể chế là những quy tắc của trò chơi trong một xã hội, hay nói đúng hơn là những ràng buộc do chính con người nghĩ ra để định hình các tương tác của con người. Hệ quả là, chúng cấu thành nên những động cơ khuyến khích trong các quan hệ con người, bất kể trên phương diện chính trị, xã hội hay kinh tế.

Một số người ngộ nhận vai trò của thể chế với vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Cần hiểu rằng, trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ đóng vai trò là người kiến tạo thể chế, tạo ra các luật chơi để thúc đẩy thị trường hiệu quả, chứ không phải gây trở ngại hay làm thay vai trò thị trường.

Khi bàn đến thể chế kinh tế thị trường, chúng ta không thể không nói đến vai trò quyền tài sản (property rights). Trong bài này, chúng ta sẽ bàn đến vai trò của quyền tài sản trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, từ đó đưa ra hàm ý vì sao việc đảm bảo quyền tài sản có hiệu lực và hiệu quả là một nội dung không thể thiếu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường mà Việt Nam đang theo đuổi.

Tại sao quyền tài sản là quan trọng?

Quyền tài sản là một thành tố quan trọng trong cấu trúc thể chế của một nền kinh tế. Tuy nhiên, quyền tài sản không phải là “định mệnh”, thay vào đó nó biến chuyển theo thời gian và được điều hướng bởi các lực lượng kinh tế và thế lực chính trị. Khi nói đến quyền tài sản, các nhà kinh tế thường ngụ ý là quyền tài sản tư nhân, theo đó người sở hữu có quyền sử dụng và định đoạt tài sản đó, tức cũng có nghĩa là loại trừ người khác sử dụng tài sản đó nếu họ muốn.

Tuy nhiên, quyền tài sản cũng liên quan đến một dạng sở hữu khác là sở hữu công cộng, được gọi là tài sản công hay tài sản chung, như rừng hay cánh đồng cỏ tự nhiên. Trong trường hợp này, người dân có quyền sử dụng, nhưng không có quyền loại trừ việc sử dụng của người khác.

Việc bảo hộ quyền tài sản không hữu hiệu sẽ hạn chế người dân tận dụng những lợi thế và công năng đầy đủ của tài sản, nhằm đạt được năng suất cao nhất. Ngược lại, một khi quyền tài sản được bảo hộ tốt, người dân có thể sử dụng tài sản cho việc thế chấp vay vốn hoặc chuyển nhượng những mảnh đất mà họ đã đầu tư. Quyền tài sản cũng đóng vai trò như là công cụ tiết kiệm và bảo hiểm có giá trị trong những thời kỳ khó khăn và khi về hưu. Quả thực, một khi tài sản được bảo hộ tốt, chúng có thể giúp tạo ra của cải, mang lại lợi ích cho một xã hội rộng lớn hơn và đóng góp vào xóa đói giảm nghèo.

Một vai trò cốt lõi của quyền tài sản là thúc đẩy các hoạt động trao đổi và cho phép người mua, người bán tìm kiếm lợi nhuận thông qua các giao dịch. Hiệu quả kinh tế được tăng cường một khi tài sản được quản lý bởi những người có thể sử dụng chúng theo cách có năng suất nhất. Trong điều kiện phát sinh chi phí ủy quyền (agency costs), quyền tài sản có hiệu quả có thể tạo thuận lợi cho việc sử dụng tài sản để giảm thiểu chi phí ủy quyền, nhờ đó thúc đẩy thương mại.

Một ví dụ điển hình là trong các thị trường tín dụng, khi chi phí cưỡng chế hay ủy quyền là quan trọng, người cho vay có thể không sẵn sàng cho vay một lượng vốn hiệu quả. Trong trường hợp này, quyền tài sản giúp cải thiện khả năng của người đi vay dựa vào việc cầm cố tài sản của mình và do vậy tháo gỡ được những hạn chế tín dụng.

Vấn đề quyền tài sản ở Việt Nam

Những người học chủ nghĩa Mác – Lênin không xa lạ với khái niệm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cũng như mối quan hệ biện chứng giữa chúng. Hiểu ngắn gọn, lực lượng sản xuất là toàn bộ những năng lực sản xuất của một quốc gia ở một thời kỳ nhất định. Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất của cải vật chất xã hội. Quan hệ sản xuất thể hiện trên 3 phương diện chủ yếu, gồm quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý, và quan hệ phân phối, trong đó quan hệ sở hữu giữ vai trò quyết định.

Trong sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, thì quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Nói khác đi, lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất. Nếu quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, thì sẽ giúp thúc đẩy, ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Hãy dùng ngay lý luận này để làm “kim chỉ nam” nhận diện những lực hãm đang làm chậm tiềm năng phát triển của lực lượng sản xuất hiện nay. Đã có nhiều phân tích cho thấy, sau 30 năm đổi mới, lực lượng sản xuất của Việt Nam đã tiến lên một nấc thang mới, nhưng quan hệ sản xuất, trong đó đặc biệt là quan hệ sở hữu, vẫn chậm chuyển biến.

Mặc dù từ lâu, Nhà nước đã thừa nhận một nền kinh tế đa chế độ sở hữu, gồm sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân; và với nhiều hình thức sở hữu như sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung…, nhưng các định nghĩa về sở hữu vẫn còn rất mù mờ, nhiều khi là chồng chéo và/hoặc lẫn lộn, đặc biệt là sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, sở hữu chung.

Chính sự mù mờ trong các khái niệm về sở hữu tài sản đang gây khó khăn cho việc thiết kế và thực thi các chính sách nhằm bảo vệ và bảo hộ hữu hiệu các quyền tài sản, song lại là cơ hội lớn cho những nhóm nhỏ tìm cách trục lợi. Thực tiễn cho thấy, có một khoảng cách rất lớn giữa quy định với thực thi các quyền tài sản, cả tài sản công lẫn tài sản tư ở Việt Nam.

Cụ thể, với tài sản công, Điều 53, Hiến pháp 2013 ghi: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện sở hữu và thống nhất quản lý”. Thực tiễn cho thấy, có quá nhiều bất cập, yếu kém và cả sự lạc hậu trong mô thức quản trị tài sản công dẫn đến hậu quả “cha chung không ai khóc” trước đây và bây giờ là “bi kịch của chung”.

Đối với tài sản tư, trên phương diện pháp lý, Nhà nước thừa nhận “thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất… được pháp luật bảo hộ” (Điều 32, Hiến pháp 2013), nhưng về phương diện thực tiễn, khả năng bảo hộ thực tế của Nhà nước là rất kém.

Những bế tắc trong xử lý nợ xấu ngân hàng và thanh lý tài sản đảm bảo; những trục trặc khi giải quyết phá sản doanh nghiệp; những tranh chấp triền miên về quyền tài sản và đất đai, những trở ngại trong tiếp cận tín dụng của nông dân, doanh nghiệp; rủi ro khi ý tưởng kinh doanh mới bị bắt chước hay sao chép; những sáng tạo không được đề cao; những phát minh sáng chế không được coi trọng… đều là những điển hình của những yếu kém về khả năng bảo hộ quyền tài sản của Nhà nước.

Tóm lại, việc thừa nhận và bảo hộ quyền tài sản hữu hiệu sẽ giúp người dân có thể điều phối việc phân bổ tài sản của họ một cách hiệu quả nhất. Thừa nhận quyền tài sản chỉ là bước tiền đề, quan trọng nữa là làm sao phải bảo hộ có hiệu quả quyền tài sản trên thực tế. Việc bảo hộ hữu hiệu quyền tài sản sẽ tạo động lực cho các cá nhân tối ưu hóa việc sử dụng tài sản của họ, bởi vì những người sở hữu tài sản chính là người hưởng lợi trực tiếp, nhưng cũng phải chịu chi phí cơ hội và rủi ro khi tài sản bị sử dụng kém hiệu quả.

Một khi tài sản không được xác lập quyền sở hữu rõ ràng, đặc biệt là các tài sản công cộng, những người có quyền sử dụng một phần tài sản đó thường không tìm cách tối ưu hóa giá trị việc sử dụng, lại gây phí tổn lên cho những người có quyền đồng sử dụng khác. Những nhà kinh tế gọi đây là bi kịch của chung (tragedy of the commons).

Quan sát ở nhiều quốc gia cho thấy, những nước nào có môi trường thể chế tốt, theo nghĩa là bảo hộ quyền tài sản tốt, thì quốc gia đó thường đạt được mức năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn, cũng đồng nghĩa là thịnh vượng hơn. Thiết nghĩ, những cải cách thể chế mà Việt Nam đang theo đuổi cũng nên bắt đầu từ đây.

Thấy gì từ chỉ tiêu kinh tế năm 2016
Thông báo mới đây của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 khóa XI đã đề ra một loạt chỉ tiêu kinh tế cho năm 2016, có 6 chỉ tiêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư