Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xe đầu kéo đã qua sử dụng có thể bị đánh thuế tới 50%
Xuân Dũng (Vietnam+) - 02/06/2016 06:37
 
Mức thuế nhập khẩu với ôtô đầu kéo đã qua sử dụng có thể tăng lên kịch trần nhằm hạn chế nhập khẩu xe đã qua sử dụng, kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo "Thông tư sửa đổi, bổ sung thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe ôtô đầu kéo, bộ linh kiện rời động bộ và không đồng bộ của ôtô đầu kéo và rơ-moóc, sơmi rơ-moóc" vừa được Bộ Tài chính công bố.

Doanh nghiệp trong nước kêu khó cạnh tranh

 Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) trước đó đã có văn bản bày tỏ việc các doanh nghiệp trong nước khi nhập khẩu linh kiện để sản xuất lắp ráp xe đầu kéo phải chịu thêm nhiều loại chi phí như: Chi phí thử nghiệm động cơ, chi phí khấu hao đầu tư dây chuyền sản xuất lắp ráp, hi phí quản lý, đào tạo nhân công,... Tổng chi phí lắp ráp theo đại diện VAMI lên đến 17,5% giá thành xe.

"Nếu cộng cả chi phí lắp ráp thì chi phí của xe sản xuất lắp ráp trong nước là trên 25%. Trong khi, đối với xe nguyên chiếc nhập khẩu thì thuế nhập khẩu từ Trung Quốc là 0% nên chỉ phải chịu thêm chi phí vận chuyển không nhiều," đại diện VAMI nhận định.

Đây là điều theo đánh giá của đại diện từ phía hiệp hội khiến xe đầu kéo sản xuất lắp ráp trong nước không thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu.

Cũng theo đại diện VAMI, hiện nay, xe đầu kéo nhập khẩu vào Việt Nam không chỉ có xe mới mà còn có cả xe đã qua sử dụng. Năm 2015, tổng số xe đầu kéo đã qua sử dụng nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam khoảng 12.000 xe, tương ứng trị giá 15.600 tỷ đồng.

Từ đó, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kiến nghị điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu nhập nguyên chiếc từ 5% lên 20% với xe đầu kéo nhập khẩu nguyên chiếc mới và tăng thuế nhập khẩu đối với xe đầu kéo đã qua sử dụng lên 50%.

Với riêng xe đầu kéo đã qua sử dụng, đại diện VAMI cho rằng, đây là đối tượng phải được quy định rõ chất lượng để phù hợp với quy định tiêu chuẩn nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng của Nhà nước đã banh hành. Việc này nhằm hạn chế sử dụng xe kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường và tránh cho đất nước trở thành bãi rác của thế giới.

Đề xuất tăng thuế từ 20% hiện tại lên 50% cũng được phía VAMI nêu lên với xe sơmi rơ-moóc. Cụ thể, theo đánh giá, đây là loại xe có cấu tạo đơn giản, trong nước có thể sản xuất lắp ráp được trên 70% tổng thể cấu thành xe. Do vậy, đại diện VAMI cho rằng, cần thiết phải tăng thuế nhập khẩu nguyên chiếc của đối tượng này nhằm tạo động lực cho sản xuất trong nước phát triển đồng thời tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.

Chỉ xem xét thuế với xe đầu kéo đã qua sử dụng

Trả lời cho kiến nghị tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc mới và xe sơmi rơ-moóc, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, hiện mức thuế được quy định đối với mặt hàng xe đầu kéo nguyên chiếc là 5%, bằng cam kết WTO. Tương tự, đối với mặt hàng xe sơmi rơ-moóc, mức thuế hiện tại là 20%, bằng cam kết WTO.

"Do vậy kiến nghị tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc từ 5% lên 20% và xe sơ mi rơ-moóc từ 20% lên 50% không phù hợp với cam kết WTO," đại diện ngành tài chính lên tiếng.

Riêng với kiến nghị tăng thuế nhập khẩu đối với xe ôtô đầu kéo đã qua sử dụng lên 50%, đánh giá của Bộ Tài chính nêu rõ, cam kết WTO không cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xe ôtô đầu kéo đã qua sử dụng.

Vì vậy, việc điều chỉnh tăng thuế suất lên mức 50% theo đại diện Bộ Tài chính "là không vi phạm cam kết." Tuy nhiên mức tăng trên phải phù hợp với khung thuế suất của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định. Hiện tại, khung thuế với nhóm hàng có ôtô đầu kéo là 0-30%.

Qua đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng "có thể tăng mức thuế suất của mặt hàng xe ôtô đầu kéo đã qua sử dụng từ 5% lên 30%."

Về kiến nghị quy định rõ chất lượng, đây là vấn đề theo Bộ Tài chính, thuộc trách nhiệm của ngành giao thông và VAMI cần có ý kiến với Bộ Giao thông Vận tải để xử lý.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng xe đầu kéo bao gồm cả xe mới và xe cũ trong năm 2014 là 322 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 236 triệu USD (chiếm 73% tổng lượng nhập khẩu). Kim ngạch nhập khẩu năm 2015 mặt hàng trên đạt 675 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 427 triệu USD (chiếm 63% tổng lượng nhập khẩu).

Về sơmi rơ moóc, thống kê năm 2015 của ngành hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này là 269 triệu USD trong đó 261 triệu USD nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm 97% tổng lượng nhập khẩu).

 

Lo ảnh hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt, Hyundai tung khuyến mại
Công ty Hyundai Thành công (HTC) vừa tung ra chương trình khuyến mại kéo dài đến hết 31/5/2016 cho 2 mẫu xe là Hyundai Accent và i20 Active với mức ưu đãi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư