Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”: Những hối hận muộn màng
Huệ Nguyễn - 22/07/2023 08:24
 
Được nói lời sau cùng trước Hội đồng xét xử, nhiều bị cáo khóc, bày tỏ sự hối hận trước những hành vi phạm tội đã gây ra, đồng thời mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” đã khép lại phần tranh tụng, Hội đồng xét xử đã cho các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ, bố mẹ bị cáo mất sớm khi hoạt động cách mạng và lớn lên bị cáo luôn ghi nhớ lời dạy của bố mẹ, sống sao cho tốt.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Bị cáo đã dành cả cuộc đời hy sinh phấn đấu, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bao giờ có bất cứ khái niệm chạy chọt, ý tưởng tơ hào tiền Nhà nước, trục lợi doanh nghiệp trong quá trình công tác.

Theo bị cáo Dũng, khi được phân công là thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, bị cáo chỉ mong đóng góp phần nhỏ bé của mình. Khi xuất hiện các “chuyến bay giải cứu”, bị cáo đã mắc phải sai lầm hết sức nghiêm trọng. Bị cáo vô cùng ăn năn, hối hận.

Cựu Thứ trưởng cũng gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân vì gây hậu quả nghiêm trọng, mong được hưởng khoan hồng.

Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng bày: “Bị cáo phạm tội từ sai phạm trong công tác xử lý công việc. Đây là sai lầm hết sức nghiêm trọng với bị cáo, làm mất đi toàn bộ quá trình 28 năm công tác, nỗ lực phấn đấu của bản thân”.

Sai phạm của bị cáo cũng làm ảnh hưởng các cơ quan, ban ngành nơi mình từng công tác, làm việc. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi chân thành tới Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân. Sai lầm của bị cáo làm ảnh hưởng đến chủ trương tốt đẹp, truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc.

Theo bị cáo Chử Xuân Dũng, những ngày qua, đối với bị cáo là những ngày đau khổ nhất cuộc đời. Tới đây, dù Tòa có thể tuyên án thấp nhất với sai phạm của bị cáo, nhưng lương tâm của bị cáo cũng sẽ là một phán xét nữa từ nay đến hết cuộc đời.

Bị cáo Phạm Trung Kiên xin Hội đồng xét xử một cơ hội sống để trở về với gia đình.

Bị đề nghị mức án cao nhất, cựu Thư ký Phạm Trung Kiên cho rằng, bản án tử hình đối với bản thân là trường hợp đặc biệt, hết sức nghiêm khắc. “Đó là bản án rất nghiệt ngã với cuộc đời, gia đình bị cáo. Bị cáo không nghĩ là hành vi vi phạm của mình lại đến mức phải loại khỏi cuộc sống, rời thế giới khi bị cáo mới ngoài 40 tuổi”.

“Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh phạm tội, dịch Covid-19 xảy ra, người với người không ai dám gần ai, bị cáo tham gia cùng nhiều đoàn công tác để đi đến các điểm dịch trên cả nước, hướng dẫn mọi người cách ly”, bị cáo Kiên trần tình.

Bị cáo này cũng gửi lời xin gia đình, người thân, bố mẹ và các con, đồng thời cho biết hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, khi có bố là thương binh ở chiến trường, hơn 70 tuổi, mẹ điều trị tâm thần nhiều năm nay. Bố vợ của bị cáo cũng là thương binh, tai biến mấy năm nay và mẹ vợ bị cáo ung thư, ốm đau nhiều năm.

Cũng theo bị cáo Kiên, sau khi nhận tội, bị cáo đã tích cực tác động gia đình khắc phục triệt để hậu quả đã gây ra. Luật sư của bị cáo sẽ cố gắng tiếp tục động viên gia đình để hoàn tất số tiền còn lại để nộp ngân sách. Với sự thành khẩn, ăn năn, tích cực khắc phục hậu quả và đóng góp trong công tác, bị cáo xin Hội đồng xét xử cho bị cáo một cơ hội sống để trở về phụng dưỡng bố mẹ, dạy dỗ con cái.

Xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”: Nhiều bị cáo bị đề nghị mức án nghiêm khắc
Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, hành vi của các bị cáo là nhận hối lộ. Có một số bị cáo lập lờ, cho rằng đó là “cảm ơn” là sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư