Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 09 năm 2024,
Xin ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
D.Ngân - 29/08/2024 20:50
 
Ngày 29/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị xin ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, phù hợp chính sách, chế độ bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.

Do đó, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong quá trình xây dựng, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát và thống nhất hoàn thiện hồ sơ theo hướng tập trung sửa đổi, bổ sung tối đa những vướng mắc, bất cập phát sinh; qua đó đạt được sự đồng thuận cao; đồng thời pháp điển hóa một số nội dung đã được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan.

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách Bảo hiểm y tế; đồng thời cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, chính sách Bảo hiểm y tế từng bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, hướng tới xây dựng hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả, tiếp cận mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật 2014 có một số quy định không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, một số nội dung mới phát sinh trong trong thực tiễn triển khai. Trong khi đó, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao...

Ngày 22/8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và biểu quyết thông qua việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Sau cuộc họp, Bộ Y tế đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật để bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, đã rõ, có sự đồng thuận cao, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội và tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn, nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi. 

Đóng góp vào Dự thảo Luật, tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung đối tương, phương thức đóng và quản lý quỹ Bảo hiểm y tế; phương thức thanh toán, giám định chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế… Mục tiêu nhằm điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; Điều chỉnh các quy định về bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn nhấn mạnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn xác định rõ công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế không phải để hạn chế quyền lợi người bệnh, mà để kịp thời giám sát, ngăn ngừa các vi phạm, qua đó đảm bảo quyền lợi của người bệnh Bảo hiểm y tế phù hợp với các định mức kinh tế kỹ thuật đã được Bộ Y tế xây dựng cho từng dịch vụ.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành là cần thiết, nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế. Đồng thời, đảm bảo thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật có liên quan để kịp thời có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Bà Trần Thị Trang- Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) đã trình bày khái quát dự thảo chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế và Kế hoạch xây dựng Dự thảo Luật.

Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung luật lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh. Đồng thời, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế; bảo đảm thống nhất với Luật Khám chữa bệnh năm 2023 và các luật, quy định có liên quan.

Ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất cao với định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế, đó là hướng đến mục tiêu cải thiện phạm vi quyền lợi Bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi phí hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đề nghị Bộ Y tế đánh giá kỹ lưỡng, tổng thể, toàn diện các tác động từ những đề xuất mới trong Dự thảo Luật. Việc mở rộng phạm vi quyền lợi cần được tính toán trong mối tương quan đến quỹ Bảo hiểm y tế, đặc biệt là tác động kinh tế và khả năng đóng của doanh nghiệp, người lao động, người dân và ngân sách nhà nước. Từ đó, đề ra các giải pháp và lộ trình phù hợp tăng nguồn quỹ Bảo hiểm y tế, đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Thường vụ Quốc hội đồng ý sửa Luật Bảo hiểm y tế trong năm 2024
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án luật vào chương trình, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư