Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Xông xênh tiền mặt, Vinamilk vẫn quyết bán hơn 310.000 cổ phiếu quỹ
Thanh Thủy - 05/11/2020 07:21
 
Ông lớn ngành sữa từng có kế hoạch mua 17,5 triệu cổ phiếu quỹ nhưng không thực hiện do muốn tập trung tiền vào ngành kinh doanh cốt lõi. Lượng tiền hiện có đã là hơn 20.000 tỷ đồng.
Vinamilk từng có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ nhưng không thực hiện do muốn tập trung hoạt động kinh doanh cốt lõi
Vinamilk từng có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ nhưng không thực hiện do muốn tập trung hoạt động kinh doanh cốt lõi

HĐQT CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM) vừa thông qua việc bán toàn bộ 310.099 cổ phiếu quỹ. Tổng Giám đốc được giao làm các thủ tục để bán cổ phiếu quỹ, chậm nhất ngày 31/12/2020. Hiện số cổ phiếu quỹ trên của Vinamilk đang được ghi số với mức giá 11,7 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân chưa đến 38.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, ước tính theo giá cổ phiếu VNM ngày 4/11 (108.000 đồng/cổ phiếu), số tiền thu về dự kiến là 33,4 tỷ đồng. Tương ứng, thặng dư vốn cổ phần của doanh nghiệp tăng thêm 22 tỷ đồng.

Số tiền trên thực tế chỉ bằng một phần nhỏ nếu so với giá trị các tài sản lỏng gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng mà ông lớn ngành sữa này nắm giữ.  

Đến cuối quý III/2020, Vinamilk đã tăng mạnh các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 12.435 tỷ đồng lên 17.872 tỷ đồng, đồng thời cũng nâng tỷ trọng trên tổng tài sản từ 27,8% lên 35%. Trước đó, giữa năm 2020, sau khi giá cổ phiếu VNM giảm sâu tương tự xu hướng bán tháo chung trên sàn chứng khoán giai đoạn này, Vinamilk đã thông qua chủ trương mua tới 17,5 triệu cổ phiếu quỹ với số tiền dự chi thời điểm đó xấp xỉ 1.750 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông lớn ngành sữa này đã không mua thêm bất kỳ cổ phiếu nào. Giải trình về việc không thực hiện mua số lượng đã đăng ký, lãnh đạo công ty này  cho biết giá cổ phiếu VNM khi đó đã bình ổn và có xu hướng tăng lên theo kết quả kinh doanh. “Công ty sẽ dùng tiền còn lại để tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi cùa mình”, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên khi đó cho hay.

Trong 9 tháng đầu năm, ngoài tăng tích lũy tiền gửi, Vinamilk cũng dồn lực để đầu tư xây dựng cơ bản. Giá trị xây dựng cơ bản dở dang cao gần gấp rưỡi thời điểm đầu năm, lên hơn 986 tỷ đồng chủ yếu do tăng đầu tư vào trang trại bò sữa tại Quảng Ngãi (242 tỷ đồng) và Lào (gần 100 tỷ đồng).

Vinamilk hiện có 10 công ty con, trong đó công ty vừa nắm 75,3% vốn GTN Foods, thông qua hoạt động M&A trên sàn chứng khoán hồi cuối năm 2019. Giá trị giao dịch trên đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Thông qua thương vụ, Vinamilk còn gián tiếp sở hữu 56,09% vốn Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) và 28,61% vốn công ty Giống bò sữa Mộc Châu.

Kết quả kinh doanh quý III cũng được Vinamilk công bố mới đây. Đáng chú ý, ông lớn ngành sữa này đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận tới 17,22% so với cùng kỳ, trong khi con số tăng trưởng ở nhiều quý gần đây chỉ đạt một chữ số, thậm chí tăng trưởng âm vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng trên cũng chính từ lãi tiền gửi. Dù mặt bằng lãi suất giảm, số lãi tiền gửi nhận được trong 9 tháng đạt 869 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ.  

Doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng tăng 8,9% trong quý III lên 15.563 tỷ đồng và tăng 7,4% trong 9 tháng đầu năm, đạt 45.211 tỷ đồng. Kế hoạch doanh thu đến nay đã đạt được 76%. Với cú bật của lợi nhuận quý III, Vinamilk báo lãi 9 tháng đạt 10.847 tỷ đồng, tăng 56,9% so với cùng kỳ và hoàn thành 84% mục tiêu cả năm.

Vinamilk vận dụng kinh tế tuần hoàn phát triển trang trại bò sữa thân thiện với môi trường
Vinamilk đầu tư phát triển quy mô và công nghệ hệ thống trang trại bò sữa theo mô hình “vòng tuần hoàn xanh” cho các trang trại, vừa tăng hiệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư