Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu cà phê tăng cả về lượng và giá
Minh Nhung - 03/04/2022 13:54
 
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu quan trọng trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Tính từ đầu năm đến ngày 15/3, xuất khẩu mặt hàng này tăng cả về lượng và giá.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ qua một tháng rưỡi của năm 2022, lượng cà phê xuất khẩu đã đạt 452.200 tấn, tăng 82.000 tấn so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch đã đạt 1.011,3 triệu USD, tăng tới 356,5 triệu USD, nằm trong nhóm 13 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Đơn giá cà phê xuất khẩu tăng tới 26,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cà phê là mặt hàng được xuất khẩu từ rất sớm của Việt Nam và tham gia câu lạc bộ các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD từ năm 2010. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cà phê cao gấp 139,7 lần so với năm 1986.

Để tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê, cần mở rộng thị trường, nhất là các thành viên đã ký hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với Việt Nam. Với những thị trường đã có, cần tăng tỷ trọng sản phẩm, tăng lượng xuất khẩu.

Xuất khẩu cà phê đạt được kết quả trên do nhiều yếu tố.

Về sản xuất, diện tích cà phê hiện đứng thứ 2 trong các cây công nghiệp lâu năm (chiếm khoảng 32% tổng số, chỉ sau cây cao su). Sản lượng cà phê nhân tăng liên tục trong nhiều năm, như năm 2021 đã đạt khoảng 31 triệu bao, tăng 2,8% so với năm 2020, cao gấp 5,8 lần năm 1995.

Lượng cà phê xuất khẩu đạt quy mô lớn. Nếu năm 1986 mới đạt 24.000 tấn, thì năm 2000 đạt 734.000 tấn, năm 2010 đã vượt qua mốc 1,2 triệu tấn, 2021 đã đạt 1,562 triệu tấn, cao gấp trên 65 lần năm 1986. Tỷ trọng cà phê có chất lượng cao, cà phê chế biến tăng, nên đơn giá xuất khẩu tăng.

Cà phê Việt Nam hiện có mặt tại 38 thị trường. Năm 2021 có 9 thị trường đạt trên 100 triệu USD, lớn nhất là Đức (418,6 triệu USD), tiếp đến là Mỹ (273,4 triệu USD), Nhật Bản (226,5 triệu USD), Italia (224,9 triệu USD), Nga (173,2 triệu USD), Philippines (132,2 triệu USD), Tây Ban Nha (131,5 triệu USD), Trung Quốc (128,5 triệu USD), Bỉ (111,8 triệu USD). Một số thị trường khác tuy chưa đạt mức 100 triệu USD, nhưng cũng có kim ngạch lớn như Algeria, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Indonesia…

Hai tháng đầu năm 2022, trong số 38 thị trường trên, có 29 thị trường tăng, trong đó tăng với mức khá có Bỉ, Anh, Đức, Nga, Italia, Nhật Bản, Philippines, Tây Ban Nha, Mỹ, Indonesia. Kỳ vọng cả năm 2022, các thị trường trên sẽ vượt xa so với mức kỷ lục đã đạt trong lịch sử cả về lượng xuất khẩu (năm 2018 đạt 1,877 triệu tấn) và kim ngạch (năm 2012 đạt 3,673 tỷ USD, với đơn giá 2.120,7 USD/tấn), tức là kim ngạch sẽ vượt 4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Kết quả trong những tháng đầu năm và kỳ vọng cả năm 2022 đòi hỏi ngành cà phê phải có nhiều giải pháp.

Về sản xuất, tích cực chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm, tăng cường chế biến (giá tinh chế cao gấp nhiều lần sản phẩm thô).

Về thị trường, ngoài các thị trường sẵn có, cần mở rộng thị trường, nhất là các thành viên đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Việt Nam. Với những thị trường đã có, cần tăng tỷ trọng sản phẩm, tăng lượng xuất khẩu, tăng tỷ trọng bán sản phẩm có thương hiệu riêng và trực tiếp, hạn chế xuất khẩu gián tiếp qua bên thứ ba.

Nếu đạt được như kỳ vọng, thì xuất khẩu cà phê sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 50 tỷ USD, thực hiện mục tiêu chung tăng 6-8% của tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, giúp cán cân thương mại đạt được thặng dư 4-8 tỷ USD, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối của quốc gia, ổn định tỷ giá…

Các thị trường xuất khẩu chủ lực của nông, lâm, thủy sản
Sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nước ta đã được xuất khẩu đến rất nhiều thị trường trên thế giới, nhưng vẫn cần tiếp tục mở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư